Chỉ trong hai đêm liên tiếp, 2 nhà đương kim vô địch, đầu tiên là EURO, và sau đó là World Cup, bị đánh văng khỏi EURO 2020.
Những cuộc sụp đổ đã diễn ra một cách đau đớn nhất có thể. Bồ Đào Nha lần đầu tiên bị loại sớm thế trong lịch sử tham gia các EURO. Còn Pháp cũng chưa xách valy về nhà sớm vậy kể từ hồi không vượt qua vòng bảng EURO 2008. Nhưng xét cho cùng, việc họ cùng bị loại đều có một điểm chung: Đội hình của họ mạnh hơn rất nhiều so với giải trước, Pháp thậm chí còn không thèm ngó ngàng đến Laporte và không hề tiếc nuối khi anh sang khoác áo Tây Ban Nha, trong khi danh sách các cầu thủ giỏi không được Deschamps triệu tập có thể tạo thành một đội hình đáng gờm và thậm chí có thể đua tranh ở EURO. Nhưng xem cái cách họ đá, có thể thấy những điều không ổn: Các ngôi sao nhiều hơn, các cái Tôi cũng nhiều hơn, và tập thể bỗng dưng trở nên dễ tổn thương và sụp đổ hơn.
Bồ Đào Nha và Pháp cùng giữ trắng lưới trận đầu thắng lợi, nhưng 3 trận sau đó, Bồ Đào Nha thủng lưới 7 bàn, còn Pháp để lọt lưới 6 bàn. Sự thực dụng cần thiết như những lúc họ đang đi trên con đường chinh phục các danh hiệu vô địch EURO 2016 và World Cup 2018 không còn nữa. Các HLV Fernando Santos và Deschamps đều đã mất đi khả năng và sự nhạy bén trong việc kiểm soát các trận đấu. Bồ Đào Nha có hai cái tên gây thất vọng là Bruno Fernandes và Joao Felix, Pháp có một siêu sao đánh mất mình và đẩy đội tuyển vào thảm họa bởi những sai lầm trước khung thành là Mbappe. Khi những ngôi sao đã no nê danh hiệu hoặc đã đánh mất mình vì những vấn đề của cá nhân anh ta, họ sẽ làm cả đội bóng chết chìm. Làm thế nào có thể vô địch nếu không khát khao cháy bỏng để chiến đấu đến cùng và chiến thắng?
Bồ Đào Nha chỉ tìm thấy khát khao ấy ở Ronaldo, người đã 36 tuổi và đóng góp vào hầu hết số bàn thắng của đội trong giải, và phần nào đó ở Renato Sanches, người luôn muốn bùng cháy trong màu áo đội tuyển. Pháp chỉ tìm thấy ngọn lửa ấy ở mỗi Benzema, người mới trở lại sau 6 năm vắng bóng và đã làm tất cả những gì có thể để chứng minh rằng, việc triệu tập anh là hoàn toàn xứng đáng. Ngọn lửa ấy không hề cháy trong những người còn lại, không hề bùng lên trong cả tập thể như hồi 2016 và 2018, và cái chết là không tránh khỏi. Thất bại của họ là một ví dụ điển hình cho thấy ở EURO này có một logic rất rõ ràng, đó là những đội bóng khao khát chiến thắng, khao khát thể hiện mình, cháy bỏng khát vọng được nói tên mình cho thế giới đều chiến thắng và vào vòng Tứ kết.
Italy chính là tấm gương sáng nhất, Tây Ban Nha là một ví dụ khác và cả 2 đội bóng này đều trong quá trình hồi sinh và gạt sang bên những kí ức đau buồn của các thất bại trong quá khứ gần (Italy không được dự World Cup 2018, Tây Ban Nha bị loại từ vòng bảng của World Cup 2014, và bị loại ở vòng 1/8 EURO 2016 và World Cup 2018). Ngọn lửa ấy cũng đã bùng cháy trong cái cách mà Hungary đã chơi ở 3 trận vòng bảng, đã mạnh mẽ vô cùng trong những chiến thắng của Đan Mạch, Thụy Điển và cả Thụy Sĩ. Trường hợp của Thụy Sĩ còn đặc biệt ở chỗ, họ là đội phải chịu bất công lớn do phải di chuyển nhiều nhất giải khi phải bay gần 15 nghìn km ở vòng bảng, nhiều nhất trong số các đội dự giải. Nhưng bằng khát khao, bằng nghị lực phi thường, họ đã vượt qua tất cả và cuốn phăng Pháp bằng một sức mạnh tinh thần lớn lao. Đó đều là những đội bóng không có ngôi sao, không có những tên tuổi được ca ngợi và lấy sức mạnh tập thể, sự đoàn kết và ý chí chung để cùng hướng đến chiến thắng.
Khi những nhà vô địch phải về nhà, một EURO mới đang hình thành. Sẽ có một cái tên mới lên ngôi vào đêm Wembley 11/7, có thể sẽ có một cầu thủ xuất sắc nhất mà không phải là một siêu sao. Nhưng xét cho cùng, điều đó khiến cho EURO hay hơn, hấp dẫn và khó lường trước hơn.
Nguồn: Báo Tin tức