Theo TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM: Việc Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang rất phức tạp như lúc này là rất cần thiết.
Gói hỗ trợ để giải quyết hai vấn đề
Vào chiều qua (25/6), tại phiên họp của Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ Chính trị cũng lưu ý rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và các biện pháp hỗ trợ của các nước để tập trung rà soát, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ một cách cụ thể, xây dựng định mức hỗ trợ phù hợp, bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực.
Nhìn nhận về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM đánh giá: Việc Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang rất phức tạp như lúc này là rất cần thiết.
“Trước khi bùng phát làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, có nhiều ý kiến, trong đó tôi cũng có ý kiến đề xuất có một gói hỗ trợ mạnh hơn để giải quyết hai vấn đề quan trọng.
Thứ nhất là vấn đề an sinh xã hội, những đối tượng thu nhập thấp, những người lao động làm nghề tự do… bị mất việc cần có sự hỗ trợ để đảm bảo an sinh xã hội trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp.
Thứ hai, tiếp tục các chính sách về thuế, tín dụng để giúp doanh nghiệp có thể bám trụ, không bị gãy đổ. Trong bối cảnh dịch Covid-19, lĩnh vực liên quan đến du lịch, vận tải, những dịch vụ ở đô thị bị ảnh hưởng rất nặng nề”, TS Trần Du Lịch nói.
Ông nhận xét: Thời gian qua, việc triển khai gói hỗ trợ liên quan đến chính sách tín dụng, tài khóa như miễn, giảm thuế, kéo dài thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp, đã triển khai tốt, đem lại tác dụng. Còn với gói chính sách an sinh xã hội và trợ cấp thì triển khai chưa hiệu quả.
Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồngVẫn theo TS Trần Du Lịch, khi triển khai gói hỗ trợ mới cần rút kinh nghiệm từ việc triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng. Gói hỗ trợ này được thực hiện quá chậm, thủ tục nhiêu khê nên tác dụng rất hạn chế, trong khi gói an sinh xã hội cần làm nhanh nhất, bởi đó là cứu trợ nên không thể để chậm, thời gian kéo dài. Ông nêu ví dụ hỗ trợ thất nghiệp, cần thông quan doanh nghiệp mà lao động ở đó mất việc làm do dịch chứ không phải qua địa phương.
“Đối với gói hỗ trợ liên quan đến tín dụng, thuế nên tiếp tục thực hiện gói trước đó đã làm, kéo dài thêm thời gian, đặc biệt cần sàng lọc những doanh nghiệp có nguy cơ sắp gãy đổ để hỗ trợ. Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư này có điểm khác so với các đợt dịch trước là nguy cơ đối với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, từ đó dẫn tới vấn đề liên quan cả gói an sinh xã hội hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để đáp ứng yêu cầu vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất sẽ tăng chi phí rất lớn. Chính vì thế Nhà nước phải tính toán chỗ này để giảm khó khăn cho doanh nghiệp. Bản thân nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng tìm mọi cách như để công nhân ở tại chỗ sản xuất, tăng chi phí lên để hoạt động sản xuất không ngưng trệ. Điều này khi triển khai chính sách hỗ trợ Nhà nước phải nhìn thấy để có chia sẻ với doanh nghiệp để họ không bị gãy đổ chuỗi sản xuất, nhất là với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu”, TS Trần Du Lịch cho biết.
Trần Anh
Nguồn: Cánh cò