Gần đây, một số tổ chức quốc tế đã tiến hành các chiến dịch đòi thả cây bút chống Cộng Phạm Đoan Trang. Chẳng hạn, hồi tháng 5, tổ chức PEN tại Đức đã công nhận Trang là thành viên danh dự của mình, đồng thời đòi Nhà nước Việt Nam thả Trang “ngay lập tức”. Các cộng sự của Trang (như Trịnh Hữu Long, Will Nguyễn, Hoa Nguyễn…), cùng đa phần các tờ báo “lề trái”, đã lập tức mô tả diễn biến này như một sự kiện đáng tự hào, cho Đoan Trang nói riêng và giới chống Cộng Việt Nam nói chung. Nhưng sự kiện này có thật sự đáng tự hào? Để trả lời câu hỏi này, ta hãy xem cách mà tổ chức PEN mô tả các hoạt động của Đoan Trang trong thông cáo báo chí của họ.
Thông cáo viết:
“Cô Phạm Đoan Trang là người sáng lập ‘Luât Khoa tạp chí’ và là biên tập viên tạp chí ‘The Vietnamese’. Cả hai tờ báo đều giúp người dân Việt Nam dễ dàng hiểu luật pháp, bảo vệ quyền lợi của mình và phản đối sự cai trị độc đoán của Đảng Cộng sản. Một tháng trước khi bị bắt, cô Trang đã công bố báo cáo của cô về hành động bạo lực đổ máu của cảnh sát tại làng Đồng Tâm ở ngoại ô Hà Nội, người dân trong làng đã phản đối kịch liệt việc chế độ CS tịch thu đất của họ.
Vì các hoạt động của cô, cô thường bị nhà nước theo dõi. Tháng 8 năm 2018, cô bị bắt giữ và phải nhập viện điều trị. Bị bắt lần này, có nguy cơ cô sẽ lại bị ngược đãi trong tù. Năm 2014, cô Trang là người nhận học bổng nghiên cứu của thư viện mang tên là Feuchtwanger ở đại học nam California (University of Southern California- USC) và của tổ chức Villa Aurora & Thomas Mann House e.V., một tổ chức của các văn sĩ Đức lưu vong tỵ nạn thời Hitler với chế độ độc tài Đức quốc xã. Tổ chức này thường cấp học bổng qua Mỹ ba tháng nghiên cứu cho các nhà nghệ thuật, các nhà hoạt động dân chủ nhân quyền khắp thế giới.”
Trong thông cáo trên, Đoan Trang không hề hiện lên như một phần của đời sống chính trị Việt Nam – tức như một người Việt đang tìm cách giải quyết các vấn đề của cộng đồng cùng những người Việt khác. Thay vào đó, Trang hiện lên như một phụ tùng của nền chính trị phương Tây, chuyên làm cầu nối giữa phương Tây và Việt Nam để đổi lấy việc được phương Tây thừa nhận. Cụ thể:
– Biểu hiện cho thấy Trang là cầu nối đem phương Tây đến Việt Nam: Việc Trang làm biên tập viên Luật khoa Tạp chí. Thực ra trang này chọn hệ quy chiếu là pháp luật của phương Tây hoặc của chế độ Việt Nam Cộng hòa, chứ không phải pháp luật Việt Nam hiện nay để suy diễn và bóp méo hiện trạng dân chủ, nhân quyền Việt Nam.
– Biểu hiện cho thấy Trang là cầu nối đưa thông tin về Việt Nam đến phương Tây: Việc Trang soạn báo cáo về vụ nổ súng ở xã Đồng Tâm, để gửi đến các tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài nhằm cung cấp “đơn hàng” như được đặt, giúp cho phương Tây có “công cụ”, có cái cớ can thiệp vào nội bộ Việt Nam.
– Biểu hiện cho thấy Trang được phương Tây công nhận: Việc Trang nhận học bổng nghiên cứu của thư viện Feuchtwanger của USC và của tổ chức Villa Aurora & Thomas Mann House e.V. Học bổng này do VOICE-Việt tân can thiệp, xin được nên hầu hết thời gian ở Mỹ này, mọi hoạt động của Trang đều gắn bó khắng khít với Việt tân, từ việc điều trần vận động chính khách Mỹ can thiệp Việt Nam, cùng Việt tân đi vận động Facebook mở lại tài khoản cho đồng bọn, tay chân Việt tân trong nước bị cộng đồng mạng report, đi biểu tình, đón người làm truyền thông cho Việt tân…
– Biểu hiện cho thấy Trang tham gia đời sống chính trị, đời sống cộng đồng ở Viêt Nam: Không có gì ngoài việc Trang bị bắt, bị đánh.
Trong mắt PEN không có các vấn đề của người Việt Nam, cũng không có Đoan Trang với tư cách một người Việt Nam. Phương Tây chỉ thấy các vấn đề của phương Tây tại Việt Nam, và các phần thưởng mà phương Tây trao cho những người Việt Nam giúp họ “giải quyết” số vấn đề đó. Nhãn quan của PEN là một lăng kính mà phương Tây áp đặt lên người Việt Nam, và bất cứ người Việt Nam nào chấp nhận nó, thậm chí còn tự hào về nó, cũng sẽ tự đẩy mình vào tình trạng vong bản và vong thân. Thái độ của giới chống Cộng trong vụ việc này giải thích vì sao họ không thể bám rễ vào dân tộc, và luôn lệ thuộc vào phương Tây theo những cách làm mất phẩm giá vốn có lúc ban đầu của họ.
Nguồn: Loa phường