Tròn 1 tháng dồn sức, Bắc Giang hạ quyết tâm sẽ “quét” Covid-19 khỏi tỉnh cuối tháng này. Tất cả chuẩn bị cho một “Bắc Giang đứng lên” sau thời gian hy sinh nhiệm vụ phát triển kinh tế để tập trung chống dịch.
Nhận định về dịch bệnh Covid-19 diễn biến tại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương thẳng thắn, đây là biến cố chưa từng có mà người dân phải đương đầu.
“Covid-19 gây đình trệ sản xuất công nghiệp của tỉnh; ảnh hưởng toàn bộ đời sống kinh tế xã hội; rơi đúng vào mùa thu hoạch nông sản; thời điểm dịch bùng phát là ngày hội toàn dân đi bầu cử; làm chững lại đà đầu tư nước ngoài đang tăng trưởng rất tốt.
Đây là thử thách rất lớn, chưa từng có. Lần đầu tiên người dân trong tỉnh cảm thấy bị uy hiếp, đe dọa… về an toàn, sức khỏe”, ông nói.
Quyết định khó khăn
Thưa ông, Bắc Giang làm gì để thuyết phục những nhà đầu tư “đại bàng” như Apple, Samsung, Foxconn… chấp nhận dừng hoạt động sản xuất?
Khi dịch vào khu công nghiệp (KCN), điều chúng tôi lo lắng nhất chính là ảnh hưởng tới quá trình sản xuất, đầu tư, vị thế của Bắc Giang trong chuỗi cung ứng toàn cầu… Chúng tôi phải đưa ra chiến lược là ưu tiên kiểm soát dịch, đóng cửa KCN nhưng không phải để làm mỗi việc dập dịch.
Trước khi đóng cửa KCN, chúng tôi họp với toàn bộ doanh nghiệp. Các nhà đầu tư đang ở nước ngoài cũng tham gia họp trực tuyến.
Có ý kiến cho rằng cần đóng cửa ngay, lại có người phản đối vì lo mất đơn hàng, bị phạt tiến độ, mất lợi thế cạnh tranh, công nhân phân tán…
Khi đó, tôi thuyết phục họ phải dừng sản xuất là để tập trung chống dịch, chữa cái nóng trước. Trong thời gian đóng cửa, cùng nhau thiết kế mô hình sản xuất mới. Sẽ không thể duy trì sản xuất ổn định trong tình trạng dịch bệnh vẫn đe dọa. Các nhà đầu tư đều đồng tình với phương án này.
DN khó cái gì sẽ giúp cái đó
Ngay trong đêm ban hành quyết định (18/5), không DN nào có phản ứng tiêu cực. Họ còn phát biểu với các hãng thông tấn trên thế giới bày tỏ sự đồng thuận với phương án chống dịch của Việt Nam.
Ví dụ, tập đoàn Foxconn ra thông cáo báo chí khẳng định ủng hộ phương án chống dịch của Bắc Giang và năng lực sản xuất không bị ảnh hưởng từ việc tạm thời ngừng hoạt động.
Đáp lại sự đồng thuận của DN, Bắc Giang thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư, thành lập tổ công tác phối hợp, hỗ trợ họ kiểm tra, rà soát đánh giá lại quy mô sản xuất, khả năng phòng chống dịch của mỗi đơn vị theo các tiêu chí phân loại.
Từ việc phân loại này sẽ tư vấn cho họ điều chỉnh mô hình sản xuất, khôi phục lại sản xuất. Ngay khi có chủ trương khôi phục lại sản xuất theo kế hoạch 213, tỉnh thành lập bộ phận hỗ trợ xác nhận lao động đủ điều kiện đi làm, đưa đón công nhân trở lại DN.
DN khó cái gì mình sẽ giúp cái đấy. Tất cả các DN đều hưởng ứng, đồng lòng. Đây là điều chưa từng có, nhất là trong môi trường các nhà đầu tư ở nhiều quốc tịch, văn hóa, cá tính khác nhau…
Thời khắc cân não
Trong 1 tuần, ông ký 2 quyết định liên quan tới hoạt động sản xuất. Lần 1 là đóng cửa 6 DN tại KCN Vân Trung; tiếp đó là đóng cửa 4 KCN? Mỗi ngày đóng cửa, Bắc Giang mất 2.000 tỷ đồng. Ông có phải cân nhắc không?
Tất cả đều là quyết định quan trọng. Cá nhân tôi và tập thể lãnh đạo đều bàn bạc rất kỹ, thậm chí phải báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TƯ…
Công nhân ngồi chờ kết quả xét nghiệm tại một nhà máy trong KCN Vân Trung đêm 16/5Bắc Giang tổ chức lấy mẫu xét nghiệm y tế cộng đồngThời điểm dịch mới bắt đầu tại KCN Vân Trung, ổ dịch mới chỉ liên quan tới 6 công ty nhỏ thuê nhà xưởng. Ra quyết định đóng cửa là đương nhiên, không khó khăn gì.
Tuy nhiên, chúng tôi phải tiến hành xét nghiệm, tầm soát toàn bộ công nhân trong KCN. Năng lực xét nghiệm của chúng tôi chưa đáp ứng được số lượng hơn 9 vạn công nhân tại KCN này.
Quyết định thứ 2, đóng cửa 4 KCN một lúc, thực sự khó khăn hơn rất nhiều. Tại thời điểm đó, KCN Vân Trung, Quang Châu có dịch, bắt đầu có dấu hiệu lây nhiễm sang một vài công ty lân cận. Hai KCN Đình Trám, Song Khê Nội Hoàng chưa xuất hiện dịch.
Chúng tôi phải suy nghĩ đến nhiều vấn đề: quyền lợi của nhà đầu tư, các DN; quyền lợi của người lao động; quyền lợi chung của cả tỉnh. Có nhiều ý kiến nhưng tôi lấy tiêu chí đảm bảo an toàn cho công nhân lên hàng đầu để thuyết phục các DN.
Giữ lời hứa với doanh nghiệp
Một nhà đầu tư sản xuất linh kiện của tập đoàn Foxconn ở Hong Kong qua zoom đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện. Trong đó, ông nêu ý kiến DN cần đặt quyền lợi xuống dưới, đặt mục tiêu chống dịch, ổn định tình hình kinh tế, chính trị của địa phương lên trên.
Tuy nhiên, sau quyết định này lại là rất nhiều vấn đề khác: 67.000 lao động ngoại tỉnh nếu về địa phương, họ sẽ mang dịch đi khắp nơi.
Ngay ngày hôm sau, tỉnh ra lời kêu gọi các công nhân ở lại Bắc Giang, không về địa phương, một mặt có văn bản tới các DN yêu cầu công nhân ở lại, hợp tác đi lấy mẫu xét nghiệm y tế. Tỉnh cam kết sẽ đảm bảo cuộc sống cho họ.
Chiều cùng ngày, chúng tôi họp với các DN, đêm hôm đó báo cáo Thủ tướng. 12h đêm công bố lệnh phong tỏa toàn bộ huyện Việt Yên và 4 KCN.
Đó là quyết định khó khăn nhất mà tôi suy nghĩ trước khi ký.
Như thế, kế hoạch 213 được ban hành về việc phục hồi hoạt động sản xuất sau 10 ngày đóng cửa 4 KCN trên chính là lời hứa của Bắc Giang đối với các nhà đầu tư?
Chính xác. Khi ra quyết định đóng cửa 4 KCN tôi cũng chưa nói rõ ngày nào hoạt động trở lại. Họ chất vấn, tôi nói sẽ phấn đấu sau 2 tuần có thể mở cửa lại. Và chúng ta giữ đúng lời hứa, sau 2 tuần các DN được hoạt động trở lại có lộ trình.
Bài 2: ‘Mình nhìn rõ đường đi của dịch, biết nó sẽ ở chỗ nào’
Kiên Trung
Nguồn: Cánh cò