Tham gia vào hoạt động quảng cáo từ lâu đã là một phần công việc của nhiều nghệ sỹ, giúp họ nổi tiếng và có thêm thu nhập. Tuy nhiên, sự dễ dãi của một số nghệ sỹ trong việc tham gia quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội đang đẩy họ đến con đường tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng.
Thông tin quảng cáo dàn dựng, sai sự thật
Vào tháng 4/2021, dư luận phẫn nộ khi thấy một nữ nghệ sỹ tham gia quảng cáo một sản phẩm với những thông tin dàn dựng, sai sự thật. Trong clip đăng tải trên mạng, nữ nghệ sỹ này xưng rõ danh tính, giới thiệu về một loại sản phẩm có khả năng tiêu u xơ, u nang bằng công nghệ nano Nhật Bản. Để người xem tin tưởng, nữ diễn viên này cho biết mình đang đứng trước cổng một bệnh viện, đưa ra giấy khám sức khỏe định kỳ, bệnh án chứng minh bệnh đã hết nhờ sử dụng sản phẩm có tên kia. Tuy nhiên, người xem đã kiểm chứng thông tin này, thấy rõ là những giấy tờ kể trên là không chính xác, phòng khám ghi trên giấy khám cũng như tên bác sỹ là không có thật.
Ngoài ra, nhiều nghệ sỹ từng bị lên án vì quảng cáo cho các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm chức năng chưa được phép lưu hành, thậm chí còn làm đại lý bán hàng cho những đường dây buôn bán hàng lậu bị Công an triệt phá. Bên cạnh đó là những nghệ sỹ vô tư quảng cáo thuốc chữa bệnh theo kiểu “thần dược” khiến nhiều người lầm tưởng, bỏ qua đơn thuốc điều trị của bác sĩ, gây hậu quả khôn lường.
Theo Tiến sỹ Huỳnh Văn Thông, nguyên Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, có không ít nghệ sỹ “thản nhiên” lên truyền hình, báo chí, mạng xã hội để quảng cáo cho những nhãn hàng và sản phẩm thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh vốn có ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thậm chí, họ phớt lờ các chuẩn mực về trách nhiệm xã hội của người nổi tiếng, cũng như xem thường các quy định của pháp luật liên quan.
Trước những vụ việc trên, cuối tháng 5 vừa qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi công văn đến các hội chuyên ngành Văn học nghệ thuật trên địa bàn, đề nghị lãnh đạo các hội kiểm tra, chấn chỉnh việc hội viên tham gia quảng cáo sản phẩm hàng hóa; vận động hội viên không tham gia nếu nội dung quảng cáo sai lệch, gây thiệt hại về kinh tế và làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Công văn lưu ý các văn nghệ sỹ tuyệt đối không tham gia quảng cáo các sản phẩm chưa được phép lưu hành, hay sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ không đúng với chất lượng sản phẩm, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Ở góc độ quản lý, Nghệ sỹ Ưu tú Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, việc nhiều diễn viên, nghệ sỹ quảng cáo trên mạng xã hội sai sự thật là tình trạng báo động và đang xảy ra nhiều trong thời gian gần đây. Đại diện Hội thường nhắc nhở các hội viên trước khi đăng tải thông tin về mặt hàng cần xem xét kỹ giấy tờ, nguồn gốc, thận trọng với những sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Các nghệ sỹ nên đề nghị phía sản xuất đưa ra các bằng chứng đảm bảo sản phẩm lành mạnh, đồng thời tự kiểm chứng trước khi giới thiệu với khán giả.
Chuyện không mới nhưng xử lý chưa tới
Nhiều luật sư cho rằng, nếu nghệ sỹ ký hợp đồng quảng cáo giới thiệu sản phẩm nhưng nói không đúng sự thật về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, người dùng không thấy có kết quả tốt như lời quảng cáo hoặc gây ra những hậu quả ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng, người truyền tải quảng cáo đó phải chịu trách nhiệm.
Luật sư Lê Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn T2H cho biết, hành vi quảng cáo cho những sản phẩm kém chất lượng, chưa được kiểm nghiệm chất lượng, trôi nổi trên thị trường thuộc hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo. Cụ thể, khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo quy định về hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
Tuy nhiên, hiện Luật Quảng cáo không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo cũng không quy định về việc xử phạt đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Trách nhiệm đang được quy về cho chủ sở hữu hàng hóa và bên phát hành sản phẩm quảng cáo. Đây là lý do vì sao nghệ sỹ quảng cáo sản phẩm kém chất lượng nhưng lại chưa có căn cứ để xử lý.
Tương tự, luật sư Nguyễn Quốc Cường, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nếu trường hợp bên sử dụng hình ảnh không làm đúng như thỏa thuận, nghệ sỹ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, thậm chí kiện ra tòa, yêu cầu bồi thường nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng về hình ảnh, quyền lợi. Bên sai phạm buộc phải gỡ các hình ảnh, clip quảng cáo, phát ngôn sử dụng sai mục đích, đồng thời xin lỗi công khai, bồi thường cho bên còn lại. Đồng thời, hợp đồng khi ký kết cần có các điều khoản quy định thật chặt chẽ để dễ xử lý nếu xảy ra vấn đề.
Tuy nhiên, đây cũng không phải căn cứ để nghệ sỹ, người nổi tiếng được quyền chủ quan, lơ là, cứ gặp sự cố rồi tái diễn lại. Bởi việc quảng cáo có ảnh hưởng đến cộng đồng, sự cân nhắc được mất, lợi hại luôn phải nằm ở ưu tiên hàng đầu.
Theo khoản 1, điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quảng cáo sẽ phạt tiền 50 -70 triệu đồng với cá nhân, tổ chức nếu có hành vi quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ cấm. Nghị định này có quy định phạt tiền từ 60-80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Trong lúc chưa có chế tài xử phạt phù hợp, luật sư Lê Trọng Thêm, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần kêu gọi nghệ sỹ nâng cao trách nhiệm với cộng đồng trong việc tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Việc các nghệ sỹ nhận lời quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội không còn là chuyện mới mẻ. Thù lao từ việc quảng cáo những sản phẩm này là rất lớn, tuy nhiên người tiêu dùng phải gánh chịu hậu quả. Vì vậy, người tiêu dùng nên trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình.
Theo Nghệ sỹ Nhân dân Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, các ban ngành đã bắt đầu có những động thái nhằm siết việc quảng cáo tràn lan, thiếu trách nhiệm của nghệ sỹ, người nổi tiếng. Với những gì đã và đang diễn ra, chính những người nghệ sỹ cũng phải tự tạo bộ lọc cho mình, chứ không nên chờ sự tác động từ bên ngoài. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là động thái cần thiết để nhắc nhở các nghệ sỹ cần nhìn lại việc làm của mình; họ phải có trách nhiệm hơn nữa với cộng đồng người tiêu dùng.
Song song đó, bên cạnh việc vận động, nhắc nhở, ngành chức năng cần có những giải pháp cụ thể mang tính lâu dài như quy định xử phạt để sớm chấm dứt tình trạng quảng cáo sản phẩm tùy tiện trên mạng xã hội, nhất là đối với người nổi tiếng, những người luôn có một lượng lớn người hâm mộ tin tưởng và làm theo.
Nguồn: Báo Tin tức