Cùng với việc tiếp tục yêu cầu các “gã khổng lồ” công nghệ này ngăn chặn tin giả, thông tin xấu độc để góp phần “làm sạch” môi trường mạng, cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ tăng cường đàm phán, đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok trong việc bảo vệ người dùng và chăm sóc khách hàng tại Việt Nam; chấn chỉnh tình trạng vi phạm quy định về quảng cáo trực tuyến và vi phạm bản quyền báo chí .
Thời gian qua, các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đàm phán, đấu tranh yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Cùng với việc tiếp tục yêu cầu các “gã khổng lồ” công nghệ này ngăn chặn tin giả, thông tin xấu độc để góp phần “làm sạch” môi trường mạng, cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ tăng cường đàm phán, đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok trong việc bảo vệ người dùng và chăm sóc khách hàng tại Việt Nam; chấn chỉnh tình trạng vi phạm quy định về quảng cáo trực tuyến và vi phạm bản quyền báo chí .
PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT xung quanh vấn đề này.
Ông Lê Quang Tự Do.
PV: Trước đây, vào các thời điểm diễn ra các sự kiện quan trọng của đất nước, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, chống phá Nhà nước thường được phát tán tràn lan trên môi trường Internet, đặc biệt là mạng xã hội. Tuy nhiên, tình trạng trên không tái diễn trong thời gian diễn ra các sự kiện quan trọng của đất nước năm 2020, đặc biệt là Đại hội Đảng lần thứ XIII. Vì sao chúng ta có được kết quả này, thưa ông?
Ông Lê Quang Tự Do: Tiếp nối những kết quả đạt được từ những năm trước. Năm 2020, Bộ TT&TT đã có những giải pháp đấu tranh mang đến nhiều kết quả đột phá. Các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, đặc biệt là thông tin chống phá Đại hội Đảng XIII.
Bộ TT&TT cũng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, sử dụng đồng loạt các biện pháp quyết liệt, nhịp nhàng, đồng bộ từ pháp lý, truyền thông, kinh tế và kỹ thuật. Facebook và Google đều đã cam kết và triển khai thực hiện tốt trong thực tế. Kết quả là tin giả, thông tin sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước giảm 80%, thời gian gỡ bỏ giảm xuống chỉ còn 1 ngày thay vì 2 ngày như trước. Điều này góp phần bảo vệ thành công Đại hội Đảng, chấn chỉnh tình trạng nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội.
PV: Thưa ông, Luật An ninh mạng đi vào thực tiễn đã đóng góp gì trong việc quản lý nội dung thông tin trên môi trường Internet, đặc biệt là mạng xã hội?
Ông Lê Quang Tự Do: Luật An ninh mạng ra đời và chính thức có hiệu lực đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện cho lực lượng Công an và Thông tin &Truyền thông có căn cứ pháp lý để xử phạt người tung tin giả, tin sai sự thật. Thực tế cho thấy, số lượng vụ việc xử lý đối tượng tung tin giả, tin sai sự thật đã tăng mạnh trong năm 2020.
Điều này xuất phát từ 2 lý do, đó là Luật An ninh mạng có hiệu lực và dịch COVID-19 trong giai đoạn bùng phát. Trước đây, mặc dù chúng ta có quy định xử lý những không rõ, chế tài kèm theo cũng chưa phù hợp. Khi có Luật An ninh mạng, việc phân công nhiệm vụ điều tra, xử lý hành chính, thậm chí hình sự rõ ràng nên các đơn vị chức năng thực hiện dễ hơn, thuận lợi hơn. Người dân qua những vụ việc đã bị cơ quan chức năng xử lý được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng tìm hiểu về Luật An ninh mạng nhiều hơn.
PV: Cùng với việc tiếp tục ngăn chặn thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật góp phần “làm sạch” không gian mạng, trong thời gian tới, cơ quan chức năng của Bộ TT&TT nói chung, Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử nói riêng sẽ chú trọng vào những phần việc nào trong đàm phán, đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới?
Ông Lê Quang Tự Do: Giai đoạn tới, Bộ TT&TT và đầu mối là Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ tập trung đàm phán, đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới Facebook, Google, TikTok về các nội dung như tiếp tục ngăn chặn tin giả, thông tin xấu độc; bảo vệ người dùng tại Việt Nam, chăm sóc khách hàng tại Việt Nam. Hiện nay các nền tảng xuyên biên giới tuy đang hoạt động, kinh doanh và thu tiền từ thị trường Việt Nam, từ khách hàng tại Việt Nam nhưng lại không có bộ phận chăm sóc khách hàng.
Thế nên, khi xảy ra khiếu nại, khiếu kiện, người bỏ tiền ra chạy quảng cáo trên các nền tảng này không biết liên hệ với đầu mối nào, không biết tìm ai để phản ánh. Bên cạnh đó, các nền tảng này còn có những chính sách, quyết định không phù hợp với quy định pháp luật của nước sở tại. Thực tế cho thấy, thời gian qua, có nhiều kênh, nhiều Group bị Facebook chặn mà không rõ lý do, nhiều mạng lưới quản lý đa kênh cũng bị Google không hợp tác với lý do không rõ ràng nên việc thành lập đầu mối tiếp nhận khiếu nại, khiếu kiện, chăm sóc khách hàng của các nền tảng xuyên biên giới tại Việt Nam là vô cùng cần thiết.
Trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, các nền tảng xuyên biên giới cũng vi phạm pháp luật tràn lan, đưa doanh nghiệp trong nước vào thế bị cạnh tranh không lành mạnh. Trong khi các doanh nghiệp quảng cáo trong nước bị kiểm soát chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật Việt Nam còn Facebook, Google thì lại quảng cáo vi phạm pháp luật tràn lan, thậm chí còn quảng cáo cả những dịch vụ như cờ bạc, vũ khí, tiền giả, buôn bán động vật hoang dã, mại dâm. Ngoài ra, các nền tảng xuyên biên giới này còn vi phạm bản quyền của các cơ quan báo chí.
PV: Gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần yêu cầu Google, Facebook phải trả phí bản quyền cho báo chí Việt Nam. Ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện này?
Hiện nay, Facebook và Googe đang nhượng bộ một số quốc gia như Úc và một số quốc gia khác cũng đang quyết liệt yêu cầu Google, Facebook phải trả phí bản quyền cho báo chí.
Ông Lê Quang Tự Do: Mặc dù nguồn thu quảng cáo của Google và Facebook tại Việt Nam có sự đóng góp lớn từ mảng tin tức sử dụng lại nguồn từ các báo và trang tin, qua đó giúp tăng lượng views và giữ chân người dùng. Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm qua, các đường link tin tức báo chí được dẫn lại trên Facebook hay những bài viết được Google lấy lại sử dụng cho dịch vụ Google News đều không hề có sự chia sẻ lại nguồn doanh thu quảng cáo thu được nhờ mảng tin tức này.
Hiện nay, Facebook và Googe đang nhượng bộ một số quốc gia như Úc và một số quốc gia khác cũng đang quyết liệt yêu cầu Google, Facebook phải trả phí bản quyền cho báo chí. Trong xu thế chung đó, Việt Nam cũng nên tính đến việc đàm phán để báo chí trong nước có được một khung thỏa thuận mang lại nguồn thu chính đáng cho báo chí do bản quyền của một số cơ quan báo chí đã bị các nền tảng xuyên biên giới này vi phạm trong suốt một thời gian dài.
PV: Rõ ràng, việc Chính phủ như Úc và một số quốc gia khối EU đang quyết liệt đòi các ông lớn công nghệ như Google, Facebook phải trả phí bản quyền cho báo chí là một gợi ý cho Việt Nam. Theo ông, chúng ta cần triển khai theo lộ trình, cách thức như thế nào để đạt được hiệu quả?
Ông Lê Quang Tự Do: Chúng ta cần thời gian, kinh nghiệm của các nước đã đàm phán thành công. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có 2 cách làm. Phía Liên minh Châu Âu, xây dựng đạo luật yêu cầu Google, Facebook lấy từ nguồn thuế hỗ trợ cho các cơ quan báo chí hoặc nhà nước sẽ thu thuế nhiều và lấy một phần từ nguồn thu này để hỗ trợ cho cơ quan báo chí.
Còn Chính phủ Úc thì lại đặt ra quy định về quy tắc ứng xử giữa các công ty công nghệ với cơ quan báo chí theo hướng hai bên cùng ngồi vào bàn đàm phán để đi đến thoả thuận chung. Trong trường hợp hai bên không đàm phán được, nhà nước sẽ can thiệp để đưa ra một mức thu phù hợp mà cả hai bên đều có thể chấp nhận. Theo quan sát của cá nhân tôi, cách làm của Úc có vẻ như phù hợp với Việt Nam.
PV: Theo ông, trong câu chuyện này, các cơ quan báo chí đóng vai trò như thế nào và cần phải làm gì?
Ông Lê Quang Tự Do: Cơ quan báo chí cần chủ động xúc tiến thành lập liên minh bảo vệ bản quyền. Hiện nay cơ quan báo chí bị vi phạm bản quyền nhiều nhất là trên các trang tin điện tử tổng hợp, nền tảng xuyên biên giới… nhưng một cơ quan báo chí riêng lẻ sẽ không đủ nguồn lực rà soát cả không gian mạng rộng lớn để tìm ra đơn vị ăn cắp bản quyền. Do vậy, điều cơ quan báo chí cần và nên làm ngay là thành lập liên minh rà soát các nơi vi phạm bản quyền, đấu tranh đòi các đơn vị vi phạm bản quyền phải trả phí.
Mới đây, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội thảo bảo vệ bản quyền báo chí, tại diễn đàn này, các cơ quan báo chí gồm cả đài truyền hình và báo điện tử đều ủng hộ sáng kiến thành lập liên minh. Đây có thể xem là sự đồng thuận bước đầu. Bước tiếp theo là cơ quan báo chí cần sớm thành lập liên minh, có bộ phận chuyên trách, ví dụ như Trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí để đi đấu tranh, đàm phán. Hiện các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT cũng đang phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo Hà Nội, Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh để nghiên cứu hướng đi, tìm mô hình phù hợp cho vấn đề này.
PV: Điều này liệu có khả thi trong bối cảnh hiện nay không, thưa ông?
Ông Lê Quang Tự Do: Khả năng thành công là có nhưng nó phụ thuộc vào hai yếu tố rất quan trọng. Thứ nhất là sự đoàn kết của cơ quan báo chí. Nếu cơ quan báo chí không tập hợp lại sẽ có nguy cơ bị “bẻ gãy” từng que như trong câu chuyện bó đũa. Thứ hai, là cơ sở pháp lý của chúng ta trong vấn đề này. Nếu xét ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, ở đây là Bộ TT&TT và Cục Phát thanh-Truyền hình – Thông tin điện tử, quyết tâm là có thật, kinh nghiệm và giải pháp cũng có nhưng nếu chúng ta không biến thành cơ sở pháp lý, quy định pháp luật rõ ràng thì sẽ không dễ dàng bởi các nền tảng xuyên biên giới luôn dựa trên nền tảng pháp luật để làm việc.
Do vậy, nếu cơ quan báo chí không xây dựng liên minh thành 1 khối có trọng lực, có tiếng nói đủ mạnh thì sẽ không có đủ sức nặng, tiềm lực để đàm phán với các tập đoàn xuyên quốc gia hùng mạnh hơn chúng ta rất nhiều. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí còn phải tập hợp nguồn lực, hội tụ được những người am hiểu về Luật Sở hữu trí tuệ để cùng đấu tranh, bảo vệ bản quyền cho cơ quan báo chí.
PV: Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có số lượng người dùng Facebook nhiều nhất thế giới và nền tảng này cũng đang là kênh quảng cáo trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam. Liệu đây có được xem là lợi thế khi chúng ta đấu tranh, đàm phán?
Ông Lê Quang Tự Do: Đó là lợi thế lớn bởi cả Google và Facebook đều xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm, không chỉ trong khu vực Đông Nam Á. Xu hướng người dùng sử dụng công cụ của các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google tại Việt Nam cũng đã và đang có sự phát triển với tốc độ cao, nguồn lợi thu được cũng khá lớn nên các nền tảng này không có lý do gì để không chăm sóc khách hàng. Bên cạnh khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, báo chí cũng là khách hàng đặc biệt của các ông lớn công nghệ bởi họ sử dụng tin bài trên báo chí để tăng lượng truy cập, tăng nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến.
Trước đây, Facebook lập luận mình có công giúp báo chí tăng view. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, chúng tôi luôn khẳng định, điều đó chỉ đúng một phần. Thực tế cho thấy, dù có thể tăng view nhưng cơ quan báo chí không phải mang ơn Facebook vì mọi nguồn lợi đều chảy về Facebook. Cơ quan báo chí thậm chí còn mất thị trường này vì người ta không quảng cáo trên báo chí mà chuyển sang quảng cáo trên Facebook. Các cơ quan báo chí trên thế giới cũng đã chứng minh điều này và các nền tảng này bước đầu đã phải công nhận, có những động thái nhượng bộ.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Huyền Thanh (thực hiện)
Nguồn: Công an nhân dân