Vừa qua, video clip “xin vía búp bê để học giỏi” của youtuber Thơ Nguyễn đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về các video clip xấu độc đang tràn lan trên mạng. Luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Phú (Hà Nội) cho biết việc tăng mức xử phạt với các youtuber là cần thiết để đảm bảo tính răn đe.
Vừa qua, video clip “xin vía búp bê để học giỏi” của youtuber Thơ Nguyễn đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về các video clip xấu độc đang tràn lan trên mạng. Các video clip xấu độc thường hướng dẫn trẻ tin và làm theo những suy nghĩ lệch lạc, hành động không đúng chuẩn mực, tự làm tổn thương chính mình thậm chí đã có những hậu quả đáng tiếc xảy ra như cái chết thương tâm của bé gái 5 tuổi tại TP Hồ Chí Minh sau khi học theo trò thắt cổ nhưng không chết năm 2020.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Phú (Hà Nội) xung quanh tác động đáng lo ngại từ những video clip này đến trẻ em và những căn cứ pháp luật để xử lý hành vi sản xuất, cung cấp các video clip có nội dung xấu, độc.
Luật sư Trương Tiến Hùng
Phóng viên (PV): Thưa luật sư, vụ việc clip “xin vía học giỏi từ búp bê” của youtuber Thơ Nguyễn đã gặp phải làn sóng phẫn nộ, phản ứng của dư luận trong mấy ngày qua. Theo ông, nội dung video clip này sẽ tác động như thế nào đến tâm sinh lý của trẻ em?
Luật sư Trương Tiến Hùng: Kết quả của rất nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra đặc tính của trẻ em là thích bắt chước người lớn, thích làm thứ mình muốn. Vì thế, nguy cơ các bé bắt chước “xin vía học giỏi từ búp bê” của youtuber Thơ Nguyễn là hiện hữu. Thay vì, trẻ chăm chỉ học tập để đạt được kết quả cao, thì nghĩ rằng lười biếng cũng có thể học giỏi bằng cách xin vía búp bê. Với nội dung như thế, clip này đã đầu độc tư tưởng các bé bằng nhận thức lệch lạc mê tín, dẫn đến hành vi chống đối, không nghe lời bố mẹ thầy cô phải chăm chỉ học, thiếu hiểu biết cũng là nguyên nhân thực hiện các hành động phạm tội mà ngành tâm lý học tội phạm đã chỉ ra.
PV: Trước video clip “xin vía học giỏi từ búp bê”, chúng ta đã từng biết đến hiện tượng mạng xã hội “Khá Bảnh” với những video clip về cuộc sống giang hồ, xã hội đen thu hút hàng triệu lượt theo dõi. Lại đã từng có cả những video clip hướng dẫn các em tự sát như “Thử thách cùng Momo” hay “Thắt cổ nhưng vẫn thở được”… Có thể thấy, những video clip xấu độc đang định hướng một cách méo mó, lệch lạc về nhận thức và hành động của trẻ?
Luật sư Trương Tiến Hùng: Như phóng viên vừa liệt kê, gần đây mạng xã hội ngày càng xuất hiện nhiều hơn các video clip về cuộc sống giang hồ, xã hội đen, các trò thử thách nguy hiểm đến tính mạng, mê tín dị đoan, ăn mặc hở hang gợi dục, lời nói thô tục khiêu khích, những trò chơi khăm trong học đường, kích thích trẻ đòi mua trò chơi mới liên tục, ăn kẹo thối…
Theo báo cáo của Vietnam Digital Atvertising năm 2019, mỗi người Việt Nam trung bình hằng ngày dành 2 tiếng 33 phút để truy cập vào các mạng xã hội. Nghĩa là những nội dung clip trên hoàn toàn có cơ hội xâm lấn vào tư tưởng và nhận thức của người dân.
Từ đó, dẫn đến nguy cơ, xã hội có rất nhiều “Khá Bảnh” mới, có rất nhiều trẻ có thể gặp nguy hiểm về tính mạng bởi trò thắt cổ, sự ám ảnh gợi dục làm tăng nguy cơ tội xâm phạm hại tình dục đặc biệt đối với trẻ em, những lời lẽ văng tục chửi bậy, thái độ thách thức ngông nghênh sẵn sàng đâm chém cũng làm gia tăng tội phạm.
Các hiện tượng này đang làm phá vỡ các quy tắc đạo đức xã hội. Chúng ta cần có những hành động bảo vệ giới trẻ, tương lai của đất nước, khỏi sự xâm lấn của sản phẩm đồi trụy, độc hại.
PV: Như vậy, nội dung các video clip xấu độc tràn lan trên mạng xã hội đang tác động không chỉ đến tâm lý mà là cả hành vi của trẻ em và để lại những hậu quả khôn lường thậm chí là chính tính mạng của trẻ. Tuy nhiên, đây lại là những kênh thu hút hàng triệu lượt theo dõi. Luật sư có thể lý giải vì sao?
Luật sư Trương Tiến Hùng: Những video clip trên có nội dung ngắn dễ làm, dễ theo dõi, khác biệt và ấn tượng mạnh làm trẻ tò mò thích thú, bởi trẻ chưa có khả năng nhận thức được đâu là tốt đâu là xấu. Cộng thêm đặc tính của giới trẻ thích thể hiện mình, muốn khẳng định bản thân trong xã hội, thì sự khác biệt, sự nổi tiếng bằng cách gây tai tiếng mà ngay cả các ngôi sao điện ảnh không bị xử lý, thì về mặt tâm lý đương nhiên các bạn trẻ cũng làm theo.
PV: Sau video clip “xin vía học giỏi từ búp bê”, youtuber Thơ Nguyễn chỉ bị xử phạt hành chính về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin, cổ súy mê tín dị đoan với mức phạt 7,5 triệu đồng. Ông có cho rằng mức xử phạt này là quá nhẹ so với hậu quả mà video clip mang lại cũng như lợi nhuận mà youtuber này thu được?
Luật sư Trương Tiến Hùng: Điều đó là hiển nhiên mà hầu như người dân nào cũng thấy được thông qua các bình luận trên mạng của cộng đồng. Mức xử phạt nhẹ không đủ sức răn đe khiến cho người vi phạm vẫn có thể tái phạm, người dân lo lắng về khả năng bảo vệ con em mình bằng hàng rào pháp luật. Họ có thể tự tìm cách bảo vệ con mình bằng nhiều cách: cấm con, chặn kênh, tuyên truyền giáo dục tư tưởng… Nhưng chúng ta biết là rất khó để các bậc phụ huynh có thể kiểm soát được suy nghĩ của trẻ và bảo vệ chúng ở mọi lúc mọi nơi.
Như mức xử phạt hành vi uống rượu bia khi tham gia giao thông, trước kia với mức xử phạt nhẹ, dẫn đến người vi phạm coi nhẹ, nên tai nạn giao thông do rượu bia gây ra vẫn tiếp tục gia tăng. Từ ngày Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ra đời tăng mức xử phạt lên đáng kể đã giảm thiểu được rất nhiều số vụ tai nạn giao thông, ý thức của người dân cũng nâng lên đáng kể, thậm chí nhiều quán rượu bia phải đóng cửa vì doanh thu giảm hoặc phải bố trí xe ôtô chở khách về. Vì vậy, việc tăng mức xử phạt với các youtuber là cần thiết để đảm bảo tính răn đe.
PV: Thời gian qua, cơ quan Công an đã phối hợp với các cơ quan chức năng gỡ bỏ, vô hiệu hóa hàng ngàn video clip xấu độc, xử lý các cá nhân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, mức xử lý mới chỉ là phạt hành chính. Luật sư có cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải hình sự hóa các hành vi cung cấp video clip xấu độc trên mạng khi hậu quả để lại khôn lường thậm chí là đã có cả cái chết thương tâm của trẻ nhỏ?
Luật sư Trương Tiến Hùng: Qua đây, tôi xin chia buồn với gia đình của cháu bé bị chết thương tâm vì làm theo clip “Thắt cổ nhưng vẫn thở được”. Hành vi tung video clip “thắt cổ nhưng vẫn thở được” khiến cháu bé tưởng thật làm theo và gây hậu quả chết người đã phạm vào tội vô ý gây chết người.
Rõ ràng các video clip độc hại để lại hậu quả vô cùng nguy hiểm, xâm hại trực tiếp đến tính mạng, nhân phẩm con người. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa nguyên nhân thiếu hiểu biết và hậu quả hành vi phạm tội là rất khó chứng minh, vì clip đầu độc từ rất lâu trước đó, đến một thời điểm sau này, thậm chí nhiều năm sau mới thể hiện ra.
Chính vì sự nguy hại sâu rộng không lường hết được đến cuộc sống mỗi người dân và toàn xã hội, nên tôi đề nghị các nhà lập pháp hình sự hóa các hành vi tung clip đầu độc trẻ em nói riêng và nhân dân nói chung như hiện nay, theo hướng chỉ cần có hành vi đã phải chịu trách nhiệm.
PV: Để ngăn chặn những video clip xấu độc, theo luật sư cần có những giải pháp quyết liệt như thế nào từ phía cơ quan chức năng?
Luật sư Trương Tiến Hùng: Hiện nay, Luật An toàn thông tin năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Viễn thông năm 2018 và các luật liên quan chưa quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước hay tổ chức dịch vụ viễn thông nào trong việc phát hiện, ngăn chặn bằng kỹ thuật viễn thông đối với việc gửi, truyền, nhận và xử lý chữ viết, hình ảnh, âm thanh có nội dung mê tín, đồi trụy, kích động bạo lực…
Đây là lỗ hổng pháp lý, đã đến lúc các nhà lập pháp quy định bổ sung trách nhiệm ngăn chặn bằng kỹ thuật viễn thông đối với các hành vi nêu trên. Và như tôi đã nói ở trên, các nhà lập pháp cần xem xét hình sự hóa các hành vi tung clip đầu độc trẻ em nói riêng và nhân dân nói chung như hiện nay, theo hướng chỉ cần có hành vi đã phải chịu trách nhiệm.
Còn về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, Nghị định số 15/ 2020/ NĐ-CP quy định rất nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử phạt, như thanh tra ngành viễn thông, ủy ban nhân dân các cấp, ngành Công an. Để xử lý hiệu quả, tôi cho rằng các cơ quan này cần phối hợp với nhau để có giải pháp đồng bộ. Phần lớn, khi dư luận xã hội và báo chí phản đối quyết liệt thì các clip phản cảm, nguy hại mới bị xử lý.
PV: Là một phụ huynh, tôi rất lo lắng khi những video clip xấu độc vẫn đang tràn lan trên mạng và con mình rất dễ tiếp cận. Luật sư có khuyến cáo như thế nào đối với bậc phụ huynh trong việc giúp trẻ tránh xa những video clip xấu độc, bảo vệ trẻ trên không gian mạng?
Luật sư Trương Tiến Hùng: Tôi cũng là một phụ huynh và tôi cũng đã nhìn thấy nguy cơ tiềm ẩn từ những video độc hại ngay từ khi con tôi còn rất nhỏ. Đặc biệt là trong thời đại hiện nay, thời gian trẻ em sử dụng máy tính, điện thoại có kết nối mạng rất nhiều vì những lí do khác nhau.
Theo tôi, muốn trẻ hiểu và nghe theo mình, các bậc phụ huynh cần phải dành thời gian chơi và nói chuyện với con nhiều hơn vào buổi tối và dịp cuối tuần. Tôi biết điều đó tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất khó với nhiều gia đình, khi mà sau giờ làm vẫn còn bộn bề bao việc. Tuy nhiên, trẻ em là tương lai của đất nước, chúng ta đừng để đến khi con cái xảy ra điều đáng tiếc rồi mới nói giá như…
Hơn nữa, để cho con nghe mình, thì chúng ta phải trở thành người bạn thực sự của con, lắng nghe con và thậm chí trở thành thần tượng của con. Có như thế những điều tốt đẹp mình dạy dỗ trẻ sẽ dễ dàng tiếp nhận nghe theo, giống như bắt chước các youtuber vậy.
Nguyễn Hương
Nguồn: Công an nhân dân