Theo PGS,TS Trần Ngọc Long, có những đối tượng thường lợi dụng một số vấn đề lịch sử phức tạp, để tung ra những tư liệu mà họ cho là mới, nhưng thực ra thiếu những chứng cứ khoa học, phiến diện, mập mờ. Và chính tính mập mờ đó, làm người đọc hoang mang.
Đất nước vừa qua những ngày kỷ niệm lớn của dân tộc. Ngày 30/4 – kỷ niệm 46 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; ngày 7/5 kỷ niệm 67 năm chiến thắng Điện Biên Phủ – lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Người dân cả nước hướng về những ngày kỉ niệm để tri ân thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương bảo vệ nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thêm ý thức, trách nhiệm gìn giữ hòa bình, xây dựng đất nước phát triển, xứng đáng với công lao của lớp lớp cha anh. Trong khi đó, một số đối tượng phản động, chống đối đòi “xét lại lịch sử”, tìm mọi cách bóp méo lịch sử, nhằm tạo ra những nghi hoặc, thậm chí là phủ nhận công trạng của những người đã có công lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Mục đích của họ là gì? Và làm gì để nhận rõ những âm mưu, thủ đoạn xấu dưới những chiêu bài, luận điệu rất tinh vi này ? Phóng viên đã bàn luận nội dung này với vị Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
PV: Lịch sử là một dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ, lịch sử cũng có những khúc quanh nhưng sự thật lịch sử chỉ có một. Để khẳng định sự thật lịch sử, nhận thức đúng về lịch sử dân tộc nhiều khi phải trải qua thời gian, trên cơ sở các tư liệu, hình ảnh, nhân chứng,…Là một nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
PGS,TS Trần Ngọc Long: Lịch sử chỉ diễn ra một lần, nhưng viết sử phải viết nhiều lần. Chức năng của Khoa học Lịch sử bao gồm hai mặt. Thứ nhất, để dựng lại lịch sử như đã diễn ra. Thứ hai, phát hiện ra quy luật, đúc kết lý luận từ thực tiễn lịch sử. Hai mặt này có quan hệ biện chứng với nhau.
Dựng lại lịch sử gần đúng, hoặc đúng như đã diễn ra chúng ta mới có cơ sở để phát hiện ra quy luật và có nghiên cứu, phát hiện, hiểu đúng bản chất của sự kiện lịch sử, quy luật vận động khách quan của lịch sử… Tuy nhiên, việc nhận thức lịch sử là quá trình tiệm cận chân lý đã và đang bị một số phần tử phản động chưa hiểu, lợi dụng nhằm mục đích xét lại lịch sử.
PV: Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975), lịch sử đã ghi nhận chiếc xe tăng đầu tiên đánh chiếm Dinh Độc lập, nhưng để đi đến sự thật lịch sử phải có một quá trình xác minh các cứ liệu lịch sử, ông có thể chia sẻ điều này?
PGS,TS Trần Ngọc Long: Nhận thức lịch sử là một quá trình. Việc có những sự thật lịch sử chưa được xác minh, chưa thật làm rõ trong lịch sử hiện đại nói chung, đặc biệt, trong lịch sử hai cuộc kháng chiến của nhân dân ta nói riêng, tôi cho đó cũng là lẽ đương nhiên.
Trở lại vấn đề này xe tăng, như chúng ta biết, nhiều phương tiện thông tin đại chúng lâu nay đã thông tin sai về xe tăng vào Dinh Độc lập. Chúng ta biết xe tăng 843 là xe tăng đầu tiên húc vào cổng của Dinh Độc lập nhưng bị kẹt lại đấy.
“Giả sử”- tất nhiên lịch sử không có “nếu như”, nhưng “nếu như” lúc đấy Dinh Độc lập chưa được cắt điện, những chiến sĩ xe tăng 843 sẽ là chiến sỹ đầu tiên hy sinh ngay ở cổng dinh vì bị kẹt lại tại đây.
Chúng ta biết thời khắc rất nhanh, ngay sau đó xe tăng 390 lao vào cổng chính Dinh và đi vào trong sân. Hình xe tăng 390 được nhà báo Pháp- Francois lúc bấy giờ chụp lại. Vì nhiều lý do, sau này bức ảnh đấy mới được công bố. Tôi cho đó là điều đương nhiên, chỉ có điều phải hiểu được bối cảnh lịch sử của lúc xuất hiện 2 xe tăng ở cổng Dinh Độc lập lúc đó.
PV: Phải chăng, do những vấn đề lịch sử còn chưa được thông tin đầy đủ nên một số thế lực thù địch chống phá đã lợi dụng điều này để xuyên tạc, phê phán Đảng và Nhà nước ta, thưa ông?
PGS,TS Trần Ngọc Long: Điều đáng nói ở đây, họ thường lợi dụng một số vấn đề lịch sử phức tạp, để tung ra những tư liệu mà họ cho là mới, nhưng thực ra thiếu những chứng cứ khoa học. Những phân tích, bình luận họ đưa ra thường mang nặng tính suy diễn chủ quan, phiến diện, mập mờ. Và chính tính mập mờ đó, gây nhiễu thông tin, làm cho người đọc cảm thấy hoang mang. Đặc biệt, là nguồn tư liệu chưa được xác minh, thẩm định một cách kỹ lưỡng và rõ ràng.
PV: Vậy, ông có thể giúp độc giả VOV.VN nhận diện được hành vi lợi dụng việc nghiên cứu để đưa ra những bình luận, những phân tích mập mờ, thiếu cứ liệu lịch sử?
PGS,TS Trần Ngọc Long: Các luồng thông tin đó thường tập trung vào một số vấn đề sau. Thứ nhất, tập trung vào xuyên tạc lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là lịch sử hai cuộc kháng chiến. Qua đó, hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thứ hai, bôi nhọ, nhào nặn, đưa ra tình tiết xuyên tạc về tiểu sử, thân thế, tư tưởng và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là điều hết sức bậy bạ và lố bịch.
Thứ ba, khi tuyên truyền về lịch sử Việt Nam, nhất là về lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, các luồng thông tin này thường tập trung vào việc hạ uy tín, xuyên tạc các lãnh tụ của Đảng, đặc biệt là các tướng lĩnh của QĐND Việt Nam.
Chúng xuyên tạc các mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo, giữa các tướng lĩnh. Họ cố tình suy diễn một cách chủ quan, mối quan hệ giữa tướng A với tướng B, vị này, vị kia….cái sâu xa nhất của những dạng thông tin như vậy nhằm để gây nghi ngờ chia rẽ, làm giảm lòng tin của dân về lịch sử vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến. Đặc biệt, giảm lòng tin của dân về nội bộ quân đội dẫn đến gây hoang mang, gây khủng hoảng lòng tin, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay.
PV: Là người nghiên cứu lịch sử quân sự, ông có thể cung cấp một vài chi tiết lịch sử về thời điểm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cụ thể, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật tại Tổng hành dinh trong thành cổ Hà Nội tại thời điểm đó đã làm việc ra sao và đã đưa ra những phương án, hay quyết định mang tính chiến lược như thế nào?
PGS,TS Trần Ngọc Long: Khác với Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, lúc bấy giờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp thân chinh cầm quân ra mặt trận. Ông gần như được giao toàn quyền quyết định. Thế nhưng, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa 1975 diễn ra trong hoàn cảnh khác.
Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chủ yếu hoạt động, chỉ đạo ở tổng hành dinh. Cho nên, những phát hiện có tầm chiến lược, những ý kiến, những đề xuất sắc sảo mang tầm chiến lược của Đại tướng cho Thường trực quân ủy, cho Bộ Chính trị, những Quyết định, Chỉ thị của ông với tư cách là Tổng Tư lệnh cho các mặt trận, cho các cánh quân có thể một phần do tính chất bảo mật nên ít, hoặc chưa được phổ biến một cách công khai rộng rãi mà nhiều người chưa hiểu được hết.
Đại tướng tham gia hầu hết các cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị, Thường trực Quân ủy, thông qua kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Chúng ta nên nhớ, Bản Dự thảo Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam phải qua 8 lần bổ sung hoàn chỉnh, chúng ta mới có được. Từ kế hoạch 2 năm thành kế hoạch giải phóng miền Nam ngay trong tháng 4.
Tất cả những cái đấy rõ ràng Đại tướng đều có những ý kiến cực kỳ sắc sảo, giúp Bộ Chính trị có điều chỉnh kịp thời chính xác kế hoạch chiến lược. Ví như, khi bản đề cương, thông qua lần thứ 4, có ý kiến cho rằng, đánh Tây Nguyên sẽ động, địch sẽ ra sức đối phó ở Sài Gòn và Đông Nam Bộ, sau này sẽ gây khó khăn cho ta để đánh Sài Gòn. Thế nhưng, Đại tướng nói ngay, “phải chọn Tây Nguyên làm hướng chính. Bởi, nơi đây ta có thuận lợi để thực hiện ý đồ đánh tiêu diệt lớn” và ý kiến sắc sảo của Đại tướng đã nhận được sự đồng thuận của nhiều người trong hội nghị. Sau đó, thực tế kiểm chứng thì đó hoàn toàn là một quyết định đúng.
Trong cuộc trao đổi với Đại tướng Văn Tiến Dũng trước ngày Đại tướng Dũng và đoàn A75 lên đường vào miền Nam mở cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trao đổi, đàm đạo rất thân tình với Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Liên quan đến chủ trương giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa, đó là chủ trương của Bộ Chính trị, của Thường trực quân ủy, của tập thể nhưng khi Đà Nẵng vừa giải phóng, chính Đại tưởng Võ Nguyên Giáp là người Chỉ thị phải ra giải phóng Trường Sa ngay lập tức.
Nếu lúc bấy giờ giải phóng Sài Gòn xong, tất nhiên lịch sử không có “nếu như”, nhưng giả sử để chờ giải phóng Sài Gòn xong mới ra giải phóng Trường Sa thì chưa chắc đã thành công. Bởi thời điểm này rất phức tạp, nhiều nước đang lăm le, có những nước lớn sẵn sàng nhảy vào Trường Sa. Lúc đó chúng ta liệu có đòi lại được hay không?. Thế cho nên, đây là một quyết định trong tích tắc rất sáng suốt trong những thời khắc như vậy.
PV: Trước đây, các phần tử cơ hội chính trị cực đoan và các tổ chức phản động lưu vong đưa ra những luận điệu rất cũ, gọi ngày thống nhất đất nước là ngày “Quốc hận” là “Tháng tư đen” nhằm kích động hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc thì nay chúng chuyển sang nhắm vào một số lãnh đạo và tướng lĩnh quân đội của ta thời kỳ đó để suy diễn, hạ thấp công trạng, vai trò của các tướng lĩnh với “cái mũ” là quan điểm khác, góc nhìn khác. Thưa tiến sĩ Trần Ngọc Long, ông có đánh giá như thế nào về những thủ đoạn mới này?
PGS,TS Trần Ngọc Long: Những chiêu trò cũ rích kiểu đó nó đã trở nên lỗi thời. Bởi cái gọi là ngày “Quốc hận”, ngày “Tháng tư đen” đã bị thực tế lịch sử diễn ra ở Việt Nam trong hơn 40 năm qua phủ nhận.
Đất nước Việt Nam chúng ta đã trải qua một quá trình hồi sinh, phát triển đi lên vững chắc. Chiêu trò chúng tung ra trước đây đã không mang lại kết quả. Bởi vậy, gần đây chúng đã thay đổi một chiêu trò chống phá kiểu mới, núp bóng dưới “mũ” quan điểm khác, góc nhìn khác. Thông qua cái gọi là “xét lại lịch sử, lật lại lịch sử” nhằm vào một số tướng lĩnh, một số sự kiện hay chi tiết lịch sử để hy vọng dễ đánh vào lòng người, dễ ru ngủ, dễ làm cho người ta tin.
PV: Theo ông, cần có những biện pháp gì để ngăn chặn việc một số người cố tình bóp méo sự thật lịch sử, bôi nhọ hoặc làm giảm uy tín của những người đã có công lớn đối với đất nước và đã được lịch sử, nhân dân ghi nhận và được những nhân chứng cùng thời điểm đó chứng minh?
PGS,TS Trần Ngọc Long: Cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng hiện nay diễn ra vô cùng gay go phức tạp. Bởi vậy, trước hết, tôi cho rằng, chúng ta cần phải tỉnh táo, bình tĩnh đấu tranh. Trước hết, khắc phục những biểu hiện chưa đúng ngay trong giới sử học, giới nghiên cứu lịch sử. Qua đó, bảo vệ sự thật lịch sự, bảo vệ tính khách quan, trung thực trong nhận thức lịch sử và chúng ta cũng cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục lịch sử.
Tôi cho rằng, điều cần thiết nhất chính là phải đổi mới cả nội dung và hình thức tuyên truyền thuộc lĩnh vực này. Bởi, lâu nay, tại sao bộ phận giới trẻ chúng ta cho rằng, lịch sử khô, ngại học lịch sử. Tôi thấy đã đến lúc cần phải đổi mới quyết liệt, kể cả về phương diện tuyên truyền giáo dục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, giáo dục ở trường, thông qua các công trình nghiên cứu, ở cả phương diện đổi mới sách giáo khoa lịch sử. Chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa.
Về mặt các cơ quan chức năng, tôi cho rằng, những tư liệu liên quan đến hai cuộc kháng chiến đã được giải mật, cũng nên công bố rộng rãi để cho quảng đại quần chúng biết. Bởi, nói đến lịch sử, tức là phải có chứng cứ, phải có tư liệu. Nhiều tư liệu, lâu nay chúng ta do chế độ bảo mật, phải lưu trữ bao nhiêu năm mới được công khai hóa.
Một khi mọi người đã tiếp cận được nguồn tư liệu chính thống, những nguồn tư liệu gốc, họ sẽ không bị hoang mang trước những thông tin trái chiều. Đặc biệt là việc đấu tranh hiệu quả với các chiêu trò mới, của cái gọi là “lật lại lịch sử” của các thế lực thù địch. Muốn vậy đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn quân, toàn dân. Cùng với đó, cần phải có sự đầu tư, nghiên cứu bài bản, công phu, sâu sắc và sự phản ứng nhanh nhạy, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị, cá nhân. Đặc biệt, những cơ quan chức năng gắn với vấn đề này, phải có những phản ứng nhanh nhạy đừng để dư luận hoang mang và không biết thực hư thế nào?
Cùng với đó, là sự lên tiếng của các nhà nghiên cứu sử học có chuyên môn sâu, của các nhân chứng lịch sử. Và hơn lúc nào hết, cơ quan nghiên cứu lịch sử trong và ngoài quân đội cần phải lên tiếng, để trao đổi, có bài phản bác lại những ý kiến trái chiều, những luận điệu, những biểu hiện lệch lạc trong nhận thức lịch sử để định hướng cho dư luận, đó là một điều rất quan trọng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS, TS Trần Ngọc Long.
PV/VOV
Nguồn: Cánh cò