Không ít nhà chống Cộng vẫn đang xem các giá trị của chủ nghĩa tư bản của Mỹ và phương Tây – như tự do cá nhân và thị trường tự do – là hệ chuẩn mực duy nhất đúng. Họ không hiểu rằng từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, giới trí thức ở các nước phương Tây đã liên tục xét lại hệ chuẩn mực này, do bị shock trước các thiệt hại về mặt kinh tế và nhân mạng của phương Tây trong đại dịch. Trong khi không ít người dân Âu-Mỹ tiếp tục nhân danh tự do dân sự để vi phạm các quy định về đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, còn chính giới cánh hữu thì nhân danh tự do kinh tế để thúc người dân đi làm bất chấp số ca lây nhiễm đang tăng cao; việc phương Tây đi chậm hơn Trung Quốc trong cả khâu phục hồi kinh tế lẫn khâu kiểm soát dịch bệnh đã cho thấy chủ nghĩa tư bản không phải là phương thuốc thần chữa bách bệnh. Thêm nữa, việc người giàu ngày càng giàu lên, còn người nghèo thì ngày một nghèo đi trong đại dịch đã cho thấy dường như người nghèo đang phải hy sinh tính mạng để nuôi người giàu, chứ không phải để cứu nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, Hubert Testard, tác giả của cuốn “Đại dịch, sự chuyển hướng của thế giới”, đã bình luận rằng dịch COVID-19 đang khiến toàn cầu hóa nghiêng về phía Đông Á và Đông Nam Á nhiều hơn, do công tác phòng dịch tại đây hiệu quả hơn. Trong một cuộc phỏng vấn mới được tờ Asialyst tiến hành hồi tháng 4, Testard đã liệt kê 3 yếu tố khiến khu vực này xử lý đại dịch tốt hơn phần còn lại của thế giới.
Yếu tố đầu tiên, theo Testard, là việc Đông Á và Đông Nam Á ứng phó rất nhanh với đại dịch. Ông viết: “Chúng ta có một nhóm các nước Đông Á với nhiều phương pháp ứng phó đại dịch khác nhau, tất nhiên, một bên là Trung Quốc rất chuyên quyền và một bên là Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan. Nhưng tất cả các nước đó đều biết cách ứng phó rất nhanh. Con số tử vong trên đầu người ở các nước đó thấp hơn từ một trăm đến hai trăm lần so với ở phương Tây. Các nước đó đã biết thể hiện sự nhanh nhạy đáng kể khi đối mặt với một sự kiện chưa từng có. Họ, chắc chắn, đã có kinh nghiệm trước đây từ Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và các dạng đại dịch khác. Tuy nhiên, phản ứng của họ cực kỳ nhanh. Ngay từ ngày 31 tháng 12 năm 2019, Đài Loan đã cảnh báo WHO về một trường hợp lây nhiễm đáng lo ngại đang diễn ra ở Vũ Hán, và ngay từ ngày 2 tháng 1, họ đã thiết lập một cơ chế kiểm soát các máy bay đến từ Trung Quốc. Trong khi chúng ta, ở Pháp và châu Âu, chúng ta không hiểu điều gì đang chờ chúng ta cho đến tận cuối tháng 2 năm 2020.”
Kế đó, phải thừa nhận rằng các nước vừa nêu đã không đưa ra những giải pháp nửa với. Testard bình luận rằng “Các nước nói trên đã hành động một cách rất kiên quyết, không có các cuộc tranh luận nội bộ lớn, không giống như ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Điều đó không có nghĩa là người châu Á là những người dễ bảo. Nhưng đó là những nước có nền văn hóa dựa trên giá trị của sự cấp bách và cộng đồng mạnh hơn ở Châu Âu. Nhật Bản là một trường hợp ngoại lệ, vì đã không thực hiện những biện pháp ứng phó đại dịch tương tự như các nước khác, vì về mặt pháp lý chính quyền trung ương không thể áp đặt việc phong tỏa – mà đó là quyết định của các chính quyền địa phương. Nhưng Nhật Bản là một đất nước có nền văn hóa dựa trên giá trị của sự giãn cách và thực tiễn ứng phó đại dịch rất mạnh, với thói quen bảo vệ bản thân và người xung quanh.”
Sau cùng, Đông Á và Đông Nam Á cũng nhanh nhạy hơn trong việc ứng dụng kỹ thuật số cho công tác phòng dịch. Testard viết: “Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan đã triển khai rất nhanh các ứng dụng kỹ thuật số để đối phó với tình hình. Trong ba tuần, một tháng, tất cả các loại ứng dụng đã hội tụ lại với nhau và giúp người dân biết được nguy cơ lây nhiễm hoặc các ổ lây nhiễm nằm ở đâu để tránh. Tương tự, các xét nghiệm đã được xác lập và nhanh chóng sẵn có cho công chúng. Phản ứng thông qua ứng dụng công nghệ được tiến hành nhanh hơn và hiệu quả hơn rất nhiều ở Đông Á so với phương Tây. Khi đại dịch nhanh chóng được kiềm chế, thì hậu quả kinh tế thiệt hại ít hơn và công cuộc phục hồi kinh tế diễn ra nhanh hơn. Chúng ta đã thấy xu hướng tăng trưởng ở Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam, vào cuối năm 2020, một xu hướng không thấy ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Tất nhiên ngày nay, phần còn lại của thế giới, và đặc biệt là Hoa Kỳ, cũng đang bước vào giai đoạn phục hồi nền kinh tế. Nhưng châu Á đang đi trước một bước, trong đó có sự bùng nổ kỹ thuật số. Họ đã thử nghiệm, trên quy mô lớn, rất nhiều giải pháp – thương mại điện tử, giáo dục từ xa hoặc chăm sóc y tế từ xa – và sẽ tiếp tục đà phát triển này. Việc có ở lại cuộc đua hay không là tùy thuộc vào chúng ta.”
Trong phần còn lại của cuộc phỏng vấn, Testard bình luận rằng 3 yếu tố vừa nêu sẽ giúp khu vực Đông Á và Đông Nam Á chủ động hơn phương Tây trong việc ứng phó với các nguy cơ toàn cầu sắp tới, như biến đổi khí hậu. Qua cuộc phỏng vấn này, chúng ta thấy việc trao đổi văn hóa không thể chỉ diễn ra theo một chiều: chính Mỹ và phương Tây cũng đang cần học hỏi từ các nền văn hóa và các thể chế khác.
Nguồn: Loa phường