Nằm bên sông Mã thơ mộng, được bao bọc bởi những dãy núi, đồi đan xen, làng cổ Đông Sơn (Phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) là một trong những ngôi làng cổ tiêu biểu của xứ Thanh mang đậm nét văn hóa lâu đời.
Làng cổ Đông Sơn nằm gần cầu Hàm Rồng lịch sử, tọa lạc trên một thung lũng tựa lưng vào chân núi Cánh Tiên, bên cạnh có dòng sông Mã. Nơi đây cũng là nơi đầu tiên tìm thấy những di chỉ của nền văn minh Đông Sơn và là một trong những ngôi làng cổ tiêu biểu độc đáo của xứ Thanh.
Làng cổ Đông Sơn có cấu trúc theo kiểu làng thuần nông, mang sắc thái làng quê Bắc Bộ, làng có trục đường chính nằm ở giữa và nhiều nhánh nhỏ rẽ vào các hướng, gọi là ngõ xóm. Điều đặc biệt là các ngõ ở đây có những tên gọi rất ý nghĩa: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng.
Nơi đây được đánh giá là 1 trong 10 làng cổ đẹp nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, khác với những làng cổ như Đường Lâm, Phước Tích, Mai Xá… làng cổ Đông Sơn hội đủ 5 yếu tố về khảo cổ, lịch sử văn hóa, danh thắng, cách mạng kháng chiến và kiến trúc.
Hiện nay, nhiều hộ gia đình tại làng Đông Sơn đang “sống khỏe” nhờ cách đưa cây rau má về trồng đan xen lúa, ngô, khoai. Vì thế, nhiều khi người dân vẫn gọi vui nơi đây là “làng rau má”.
Chị Dương Thị Tâm, sống tại số 8, ngõ Trí cho biết, gia đình chị cũng như nhiều gia đình tại làng Đông Sơn, sống chủ yếu làm nghề nông. Những năm gần đây, nhiều hộ trong làng đã chuyển sang trồng cây rau má, đan xen các loại hoa màu như lúa, ngô, khoai… đã đem lại thu nhập tốt và cuộc sống của nhiều hộ dân cũng thay đổi rõ rệt.
“Nhà tôi đã trồng rau má được 10 năm nay, với 2 sào ruộng trồng rau, mỗi tháng thu hoạch một lần, sản lượng mỗi sào khoảng vài chục kg. Do đặc thù là cây ngắn ngày, nên chủ yếu trồng theo kiểu cuốn chiếu. Sau khi thu hoạch lứa này thì lứa khác sẽ đến vụ, cho thu hoạch quanh năm. Vụ nào được mùa thì mỗi ngày bán được 40 – 50 kg”, chị Dương Thị Tâm cho hay.
Với giá bán từ 15.000 – 20.000 đồng một kg, mỗi ngày trừ tất cả chi phí, người dân thu về vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, theo những người trồng rau má tại đây, để có 1 kg rau má bán ra thị trường phải qua nhiều công đoạn gian truân. Rau má sau khi đem về sẽ được rửa qua cho hết cặn bùn, sau đó nhặt lá héo, rồi rửa lại cho sạch… mất nhiều thời gian.
Nguồn: Báo Tin tức