Theo dõi tin tức Ấn Độ mà không khỏi bàng hoàng, chỉ trong 24 giờ số người mắc và chết do Covid ở Ấn Độ đang tăng khủng khiếp, với 346.786 ca nhiễm mới, 2.624 ca tử vong. Nhà hỏa táng quá tải, những dàn thiêu bằng củi được dựng lên ở ngay Thủ đô New Delhi.
Ấn Độ trở thành “tâm chấn” hoành hành của đại dịch Covid-19. Mất mát, đau thương chất chồng, được tính bằng phút, bằng giây, chứ không còn đong đếm bằng ngày. Những khung hình về người bệnh thiếu ôxy để thở, giành giật nhau; hình ảnh bệnh viện không còn giường, cơ sở y tế dường như tê liệt, người dân chưa kịp đến bệnh viện đã chết; hàng nghìn người đã gào khóc, nhìn cha, mẹ của mình cứ thế ra đi trong bất lực, mặc dù cách đó không lâu, họ vẫn còn khỏe mạnh. Nỗi đau, sự khốc liệt tại Ấn Độ lúc này, như lời chia sẻ của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu “kể cả những lúc nằm trong hầm trú ẩn để tránh máy bay ném bom của Mỹ vào những năm 1970, chưa bao giờ thấy lằn ranh giữa cái chết và sự sống lại mỏng manh đến thế”.
Tuy nhiên, nỗi đau này chưa có tín hiệu dừng lại, dự kiến số người chết sẽ ngày càng tăng, sau khi Ấn Độ ghi nhận kỷ lục toàn cầu. Cả quốc gia này, từ lãnh đạo đến người dân đều đang nỗ lực chiến đấu với Covid-19. Cái chết không từ một ai, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ cũng có người con trai lớn vừa chết vì Covid. Ngay cả cựu Thủ tướng Momanhat Singh cũng đã bị nhiễm virus corona dù ông đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.
Người dân Ấn Độ đang chiến đấu trong tuyệt vọng để bổ sung nguồn cung cấp khí ôxy y tế trợ thở, khi các bệnh viện đang phải vật lộn để đối phó với tình trạng lây nhiễm tăng vọt. Các hãng xưởng, công ty sản xuất ôxy được cảnh sát bảo vệ nghiêm mật, không khác gì bảo vệ “lò hạt nhân” – vì đó là niềm hy vọng, quyết định đến sự sống của người dân cả đất nước Ấn Độ. “Mọi thứ đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Ôxy cạn kiệt. Rất khó để tìm giường bệnh. Không thể làm xét nghiệm vì phải chờ đợi hơn một tuần lễ. Hệ thống y tế gần như sụp đổ”, Ramanan Laxminarayan, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dịch bệnh tại New Delhi chia sẻ trong bế tắc.
Và đây cũng là thời khắc nguy khó, ngặt nghèo nhất – là lúc người dân, đất nước Ấn Độ cần sự chung tay, sẻ chia, quan tâm, họ rất cần những lời chúc phúc bằng những yêu thương. Điều người dân Ấn Độ cần – cấp bách nhất lúc này, không chỉ là khẩu trang, các sản phẩm y tế, bình ôxy, kit xét nghiệm Covid, thuốc đặc trị, thuốc hạ sốt, vitamin tăng đề kháng, mà họ cũng cần lương thực, gạo, bột mì, sữa để sử dụng cho những ngày chông chênh phía trước.
Dù biết rằng, việc vận chuyển nhu yếu phẩm, hàng hóa và vật tư y tế đến Ấn Độ trong thời điểm này là vô cùng khó khăn, nhiều hiểm nguy. Và dẫu biết Việt Nam cũng đang căng mình chống dịch, khi biên giới phía Tây Nam tình hình dịch bệnh đang rất căng thẳng, làn sóng người Việt mang mầm bệnh Covid nhập cảnh lậu về rất nhiều, cả nước đang trong giai đoạn chống dịch căng thẳng. Thế nhưng giúp các bạn Ấn Độ cũng là giúp mình, dù ít dù nhiều nhưng đó thể hiện tinh thần sẻ chia, sống nhân văn, nghĩa tình của người Việt và cũng góp phần nâng cao vị thế quốc gia dân tộc trong hoạn nạn.
Còn nhớ, vào năm 2020, dịch Covid bùng phát toàn cầu, Ấn Độ cùng chung số phận, tuy nhiên tại thời khắc đó, Chính phủ Ấn Độ vẫn quyết định trao tặng 15 tấn hàng viện trợ, giúp đỡ Việt Nam giữa thời đại dịch Covid-19, và nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở miền Trung. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết: “Sự giúp đỡ này phản ánh mối liên hệ gắn bó sâu sắc giữa nhân dân của hai đất nước thân thiện”. Và, gần đây nhất tháng 1-2021, Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam xây dựng Công viên phần mềm Quân đội, cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá hơn 5 triệu USD cho dự án xây dựng Trung tâm Trung tâm Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ. Những tình cảm thân thiết, mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa hai quốc gia Việt – Ấn chính là cầu nối, và tin rằng hành động từ trái tim sẽ đến trái tim.
Trên tinh thần tương thân tương ái, một miếng khi đói, bằng một gói khi no, thiết nghĩ người dân và lãnh đạo Việt Nam nhanh chóng hành động, thông qua cánh cửa ngoại giao có thể chia sẻ kịp thời, nhanh chóng đến người dân Ấn Độ một cách nhanh nhất: Khẩu trang, vật tư y tế. Lúc khó khăn, lúc cấp bách, nhất là vào thời khắc sinh tử, bất cứ món quà gì được sẻ chia cũng quý, có giá trị vô cùng và cũng là lúc họ cần nhất sự sẻ chia.
Trước khi bài viết này được đăng tải, cách đây vài phút, một nhóm bạn trẻ du học sinh người Việt đang học tập tại Ấn Độ, lần lượt chia sẻ thông tin với Ban Biên tập Cánh Cò: Từ Việt Nam chuyển khoản sang, họ có thể đi rút được vào các khoảng thời gian không “lockdown” trong ngày; Tiền có thể mua sữa, bột mì, gạo để dùng trong 2 tuần, có thể mua thuốc dự phòng và không phải ra ngoài trước sự bùng phát dữ dội của dịch bệnh.
Có câu, một cánh én không thể làm nên mùa xuân, nhưng nhiều cánh én thì chắc chắn sẽ làm được điều đó, càng nhiều cánh én – mùa xuân càng lan tỏa, nỗi đang càng được xoa dịu.
Thanh Thảo
Nguồn: Cánh cò