Từ trước đến giờ những câu chuyện ngoài lề liên quan đến chính khách luôn thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Đặc biệt, trong thời gian qua khi bốn vị trí lãnh đạo quan trọng của đất nước được kiện toàn. Và tất nhiên những câu chuyện về thân thế, tuổi thơ, quá trình phấn đấu của những vị lãnh đạo này được quan tâm một cách đặc biệt. Cũng chính sự đặc biệt đó, đã hình thành nên một câu chuyện nực cười về đom đóm trong sự nghiệp chính trị của chính khách Việt Nam.
Như mới đây, tổ chức phản động Việt Tân đã lu loa rằng, “Từ Đại tướng Trần Đại Quang đến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều được ban Tuyên giáo thêu dệt và thần thánh hóa về câu chuyện dùng đom đóm để học”. Từ đó, đưa ra hẳn một bài phân tích về việc liệu đom đóm có đủ ánh sáng để học không, hay cần bao nhiêu con đom đóm đủ ánh sáng để học… và tất nhiên sau đó lại là chiêu trò công kích uy tín lãnh đạo.
Nếu nói về việc sử dụng đom đóm để làm đèn học thì không phải nó xuất phát từ thời ông Trần Đại Quang hay ông Vương Đình Huệ mà đã gắn với các tên tuổi lừng lẫy của các danh nhân từ Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hiền cho đến Bùi Xương Trạch, Huy Tốn…. Và chúng ta ai cũng hiểu rằng, đây là một câu chuyện để biểu thị về tấm gương nhà nghèo, nhưng hiếu học, tìm mọi cách vượt qua mọi khó khăn để vươn lên sau đó trở thành những người tài của đất nước. Thông qua hình ảnh bắt đom đóm, cái chúng ta nhìn thấy đó là một tấm gương về tinh thần vượt lên số phận, chứ không phải đi tranh cãi cần bao nhiêu con đom đóm để phục vụ cho tấm gương đó. Và thú thật chẳng ai đi tranh cãi chuyện đó, ngoài những kẻ bới lông tìm vết.
Thực ra, ai ở nông thôn thì đều biết đến trò chơi bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng hay quả cà rỗng để làm đồ chơi chiếu sáng. Vậy nên, cũng chẳng có gì quá khó hiểu nếu ông Quang hay ông Huệ cũng dùng đom đóm làm đèn nhưng không phải để chơi mà để học. Cùng đồng trang lứa, các ông có thể suy nghĩ khác các bạn, điều đó đáng khen chứ sao lại xỉa xói. Hơn nữa, chẳng có câu chuyện nào nói rằng, đó là nguồn sáng duy nhất để các ông sử dụng cho việc học. Việc dùng đom đóm cũng chỉ là qua lời kể của người xung quanh, họ ngưỡng mộ, đó là tình cảm, ấn tượng, cớ gì phải đi so bì, tranh cãi. Tại sao không dám nói đến những gì mà ông Huệ đã từng cống hiến để được tín nhiệm giao phó nhiệm vụ Chủ tịch Quốc hội mà đi so đo với con đom đóm trong tuổi thơ ông ấy làm gì?
Nói chung, con đóm đóm trong quả cà rỗng vốn dĩ không có tội, nếu không nói đó là một hình ảnh rất đẹp trong tuổi thơ của mỗi người, chỉ đối với những kẻ chống phá thì mới đi so đo tính toán với những vật vô tri vậy thôi.
Thu An
Nguồn: Cánh cò