Nằm ở phía Nam đất nước, Đồng bằng sông Cửu Long được mệnh danh là vựa lúa, vựa trái cây, thủy sản của cả nước. Nắm bắt lợi thế, từ các mô hình sản xuất nông nghiệp, nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp được hình thành, đưa vào khai thác, phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, để du lịch nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long có thêm nhiều sản phẩm mới, gia tăng các giá trị trải nghiệm, mang lại hiệu quả tối đa cho cả sản xuất nông nghiệp và hoạt động du lịch thì vẫn còn rất nhiều thách thức đòi hỏi từng địa phương cũng như toàn vùng có những giải pháp, lộ trình phù hợp. TTXVN phản ánh nội dung này qua chùm ba bài viết với chủ đề: Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Bài 1: Từng bước định vị thương hiệu
Là một trong 7 vùng du lịch của cả nước, du lịch nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây phát triển mạnh với các điểm đến là những vườn cây ăn trái đa dạng về chủng loại, những làng hoa cây cảnh mang nét đặc trưng của nông nghiệp miền sông nước hay những mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao kết hợp với tìm hiểu, trải nghiệm các công đoạn chăm sóc, thu hoạch, sơ chế nông sản.
Từ sản xuất nông nghiệp hình thành nhiều điểm đến
Từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp mang tính đặc thù ở Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch thuộc loại hình du lịch nông nghiệp được “gọi tên” trong nhiều tour, tuyến du lịch về vùng đất “Chín Rồng”. Chính từ các sản phẩm du lịch đó, thương hiệu du lịch Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, du lịch nông nghiệp nói riêng của miền đất này đã được khẳng định với nhiều giá trị nổi trội, khác biệt.
Đề cập về loại hình du lịch nông nghiệp ở Cần Thơ – thành phố trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Giáo sư Đào Ngọc Cảnh, Trường Đại học Cần Thơ khẳng định: Là thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị loại 1, nhưng với vị thế trung tâm vùng-địa bàn sản xuất nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam Cần Thơ có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch nông nghiệp. Miệt vườn là tiềm năng to lớn của Cần Thơ để phát triển du lịch nông nghiệp.
Thực tế cho thấy, đến các địa phương thuộc Cần Thơ như huyện Phong Điền, các quận Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt, những vườn cây xanh mát, trái cây tươi ngon, người dân mến khách, cuộc sống thanh bình, thân thiện đã trở thành những điểm đến thu hút rất nhiều du khách. Dọc theo sông Hậu thuộc địa bàn Cần Thơ có các bãi bồi trên sông mà người dân quen gọi là “cù lao” hoặc “cồn” như cù lao Tân Lộc, cồn Sơn, cồn Khương, cồn Ấu là những địa bàn có đất đai màu mỡ với những vườn cây trái, hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản cùng với đời sống miệt vườn của người dân đã được khai thác, phát triển du lịch. Tại những điểm đến này, du khách được hướng dẫn cách trồng, chăm sóc nhiều loại cây ăn trái, tham gia làm vườn, hái rau quả, tìm hiểu cách chăm sóc nhiều loài cá có những cái tên rất ấn tượng ở vùng sông nước như: Cá thác lác cườm, cá mê rỗ, cá trà sóc, cá tra bần…
Cũng tại Đồng bằng sông Cửu Long, một điển hình sản phẩm du lịch bắt nguồn từ sản xuất nông nghiệp khá nổi bật là du lịch gắn với cây dừa tại tỉnh Bến Tre. Đây là tỉnh có quy mô trồng dừa lớn nhất cả nước và được trồng tập trung thành vùng nguyên liệu lớn với tổng diện tích lên tới khoảng trên 68.000 ha. Theo ông Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty Du lịch và truyền thông C2T Bến Tre: Từ những làng quê thanh bình xanh mát bóng dừa, chợ mua bán dừa trên sông, xưởng sơ chế, chế biến các sản phẩm từ dừa, các đặc sản được chế biến từ trái dừa và cả những món đồ lưu niệm ấn tượng được làm từ dừa, doanh nghiệp này đã khảo sát, đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang nét đặc trưng xứ Dừa khiến du khách mỗi lần đến Bến Tre đều cảm nhận được những điều mới mẻ, độc đáo.
Còn với tỉnh Đồng Tháp, những điểm đến là cánh đồng sen hồng trải dài ở các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông, Thanh Bình hay vườn hoa, cây cảnh ngay tại thành phố Sa Đéc trong những năm gần đây đã đem lại sự khởi sắc đáng kể cho du lịch của vùng đất này. Ông Trần Thanh Hùng, chủ homestay Ngôi nhà Hoa ếch ở làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) đồng thời là chủ nhiệm Hội quán “Cùng nhau làm du lịch” của nông dân làng hoa chia sẻ: Xuất phát từ trồng hoa, cây cảnh – một trong những ngành hàng chủ lực của nông nghiệp Đồng Tháp, người nông dân làng hoa đã hoàn thiện vườn tược, xây dựng các tiểu cảnh, tính toán thời điểm thu hoạch hoa rải vụ để vừa có hoa bán ra thị trường vừa làm du lịch. Do đó, bất cứ thời điểm nào trong năm du khách đến làng hoa Sa Đéc cũng luôn thấy làng hoa rực rỡ sắc màu.
Mang lại nhiều lợi ích
Nhiều chuyên gia đã đánh giá, phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ có ý nghĩa đối với du lịch mà còn tác động tích cực đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Du lịch nông nghiệp góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ nông phẩm, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực.
Theo Phó Giáo sư Đào Ngọc Cảnh (Trường Đại học Cần Thơ), nông nghiệp và du lịch nông nghiệp luôn có quan hệ tác động lẫn nhau. Nông nghiệp tạo điều kiện để hình thành các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của du khách, bảo đảm cho du lịch phát triển. Ngược lại, du lịch lại góp phần quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị nông phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển nông thôn bền vững.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, du lịch nông nghiệp phát triển đang góp phần mạnh mẽ vào việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh doanh cho người nông dân. Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp) cho rằng, việc tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nông dân tham gia hoạt động du lịch, giúp họ gia tăng thu nhập là hướng đi đúng đắn của Đồng Tháp và một số tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ví dụ, tại Đồng Tháp, chỉ tính trong giai đoạn 2016-2020, các điểm tham quan vườn cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đã đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng từ hoạt động du lịch bên cạnh nguồn thu từ việc bán nông sản đơn thuần. Nhiều nông dân ở Đồng Tháp cũng bày tỏ, họ phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm và lòng tự hào với quê hương. Khi làm du lịch bên cạnh sản xuất nông nghiệp, cái họ nhận được không chỉ là lợi nhuận ngay lập tức mà còn là những kiến thức, thông tin bổ ích qua tiếp xúc với du khách.
Từ thực tế kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch, ông Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc công ty Chanh Việt (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) chia sẻ: Lợi ích đem lại ở chỗ không chỉ là người nông dân có thêm thu nhập, du khách có thêm điểm đến. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng có thêm cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm rất thuyết phục cho người tiêu dùng từ chính du khách đến tham quan cánh đồng chanh, chứng kiến quy trình thu hoạch, sơ chế và đưa vào nhà máy chế biến. Thậm chí du khách còn được hướng dẫn và tự tay chế biến một số sản phẩm từ trái chanh được trồng trên đất phèn vùng Đồng Tháp Mười.
Bài 2: Đẩy mạnh liên kết, gắn với văn hóa bản địa
Nguồn: Báo Tin tức