Trang chủ Tin tức Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL – Bài...

Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL – Bài 2: Đẩy mạnh liên kết, gắn với văn hóa bản địa 

130
0

Với đặc tính là ngành kinh tế tổng hợp, gắn với sự di chuyển của du khách, hoạt động du lịch có tính chất liên vùng rất cao.

Do đó việc liên kết giữa các địa phương, hợp tác giữa các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cộng đồng, gắn kết với yếu tố văn hóa sẽ đem lại nhiều hiệu quả không thể phủ nhận. Với loại hình du lịch nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long, đặc tính này được thể hiện rõ rệt.

Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL - Bài 2: Đẩy mạnh liên kết, gắn với văn hóa bản địa Các đội ghe Ngo tập kết chuẩn bị thi đấu tại giải đua ghe Ngo Sóc Trăng 2020. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Tăng kết nối, khai thác thế mạnh của vùng

Đối với phát triển du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp nói riêng, mỗi địa phương có lợi thế riêng về vị trí địa lý, tài nguyên du lịch, nguồn lực phát triển. Hoạt động kết nối được thực hiện sẽ tạo ra những chuỗi giá trị, gia tăng tính hấp dẫn và đa dạng của các sản phẩm, dịch vụ du lịch, từ đó đem lại thêm nhiều nguồn lợi cho các bên liên quan. Không chỉ vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không thực hiện liên kết vùng trong phát triển du lịch, địa phương nào cũng tự phát sẽ “phá” tiềm năng, không tạo ra được sản phẩm có sức cạnh tranh.

Nghiên cứu, khảo sát về du lịch nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Giáo sư Ngô Thị Phương Lan và Phó Giáo sư Nguyễn Thị Vân Hạnh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá: Với lợi thế là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, được thiên nhiên ưu đãi và sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, những năm gần đây Đồng bằng sông Cửu Long đã chú trọng phát triển loại hình du lịch này. Nhiều chương trình tour du lịch nông nghiệp đem lại những trải nghiệm thú vị thể hiện rõ tính kết nối, liên kết các địa phương trong vùng như tour “Một ngày làm nông dân”, “Hạt gạo từ đâu”, “Vui cùng hoa lúa”, “Trải nghiệm mùa nước nổi của ngư dân vùng Đồng Tháp Mười”, “Mỗi ngày một nghề”, “Đi trong màu xanh của vườn cây trái” đi tới nhiều địa phương trong vùng như Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau…

Trong các tour nối kết liên tỉnh, nhiều hoạt động du lịch nông nghiệp đã hiện diện, ví dụ tour “Lục tỉnh Nam Kỳ” đưa du khách khám phá các tỉnh miền Tây, trong đó có các hoạt động nông nghiệp như tát mương bắt cá, làm nông dân, tìm hiểu đời sống cư dân miệt vườn, tham quan vựa hoa kiểng, vườn cây ăn trái.

Đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong phát triển các sản phẩm du lịch, mà du lịch nông nghiệp là một trong những điểm nhấn, theo lãnh đạo Tổng Công ty Du lịch Sài gòn (Saigontourist Group): Thực hiện Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa  Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025, doanh nghiệp này đã hoàn thiện, khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới theo các tuyến kết nối đến các tỉnh miền Tây, trong đó hầu hết tour, tuyến đều có các hoạt động du lịch nông nghiệp như tour “Sắc màu Khmer” với lộ trình Trà Vinh – Vĩnh Long có hoạt động tham quan vựa bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, tour Bến Tre – Trà Vinh có trải nghiệm câu cua, đi xe lôi hoặc xe đạp trên đường làng trong vườn dừa, tour đi Long An hay tour đến Đồng Tháp đưa du khách khám phá Khu bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười, Làng hoa Sa Đéc.

Liên quan đến việc đẩy mạnh liên kết, tăng cường kết nối để phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, trong đó có lĩnh vực du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều hoạt động nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ hơn cho các mặt hàng nông sản cũng như sản phẩm du lịch của địa phương. Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã thành lập Trung tâm Giới thiệu trưng bày đặc sản và Du lịch Đồng Tháp ngay tại Thủ đô Hà Nội; phối hợp, kết nối với các đơn vị, địa phương để tổ chức các tuần giới thiệu hàng cá tra, cá ba sa và đặc sản của Đồng Tháp tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Gắn với cộng đồng và những nét văn hóa đặc sắc

Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL - Bài 2: Đẩy mạnh liên kết, gắn với văn hóa bản địa Du khách tham quan nuôi cá bè trên dòng sông Hậu, gần Cồn Sơn, Cần Thơ. Ảnh: XC/Báo Tin tức

Khẳng định du lịch nông nghiệp muốn thành công tất yếu phải gắn với cộng đồng và nét văn hóa tại điểm đến, Tiến sỹ Đoàn Ngọc Xuân, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương lý giải: Đặc điểm nông thôn nước ta, các khu vực sản xuất nông nghiệp thường nằm liền kề hoặc xen kẽ với khu dân cư nên khó có hoạt động du lịch nông nghiệp riêng lẻ mà phần lớn là chúng đều nằm trong không gian của du lịch nông thôn. Chủ thể tham gia tổ chức du lịch nông nghiệp có thể là chủ hộ, nhà vườn, chủ rừng, chủ trang trại, chủ cơ sở, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác, chủ doanh nghiệp nông nghiệp…

Còn theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, du lịch nông nghiệp, nông thôn và nông dân làm du lịch là không thể tách rời nhau. Người nông dân làm du lịch từ các mô hình sản xuất nông nghiệp không chỉ dựa vào những vườn hoa, cây trái, thửa ruộng… hữu hình, mà còn phải biết khai thác vốn văn hóa bản địa, vốn xã hội của cộng đồng dân cư tại địa phương mình.

Thực tế cho thấy thời gian qua, du lịch nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang được các địa phương phát triển hiệu quả theo hướng gắn với cộng đồng và những nét văn hóa bản địa một cách rất hiệu quả.

Chị Đinh Quỳnh Trang, du khách đến từ quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết, khi đến điểm du lịch Cồn Sơn ở quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ), được hòa mình vào đời sống của người nông dân thực thụ, đi thu hoạch trái cây, hái rau, được những người nông dân giới thiệu tên của từng loại cây ăn quả, từng loại rau trong vườn, các thành viên trong gia đình chị đều cảm thấy rất thú vị. Không những vậy, điều khiến chị và nhiều du khách cảm nhận rất rõ khi đến Cồn Sơn là không gian làng quê bình dị mà sống động, được chứng kiến khung cảnh sinh hoạt, nếp sống hằng ngày của người dân nông thôn miền Tây chứ không phải là khung cảnh tái hiện. Tiếp xúc và trò chuyện người dân trên cồn, chị hiểu hơn về nhiều nét văn hóa của người dân miền Tây Nam Bộ, từ cách quấn khăn rằn, mặc chiếc áo bà ba đúng chất Nam Bộ, đặc biệt là được khám phá văn hóa ẩm thực với rất nhiều món ăn và các loại bánh dân gian phong phú, hấp dẫn.

Tương tự, nhiều du khách đến xứ Dừa Bến Tre cảm thấy hài lòng bởi được trải nghiệm khung cảnh làng quê êm ả, xem những người nông dân sơ chế và chế biến nhiều sản phẩm từ dừa, hiểu thêm về nhiều nét văn hóa trong đời sống sinh hoạt của người dân xứ Dừa.

Ông Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty Du lịch và truyền thông C2T- Bến Tre cho biết: Trong hành trình đón du khách đến du lịch Bến Tre, bên cạnh tham quan miệt vườn, trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp này còn chú trọng giới thiệu, đưa du khách đến tham quan nhà người dân, khám phá những nét văn hóa đặc sắc của người nông dân xứ Dừa, như dự đám cưới, đám giỗ ở làng quê, giới thiệu đến du khách từng chi tiết nhỏ như chiếc cổng trang trí đám cưới tết bằng lá dừa, những món ăn đồng quê được bày biện ngay trong lòng trái dừa…

Bài cuối: Thay đổi tư duy – phát triển “vùng du lịch”

Thanh Trà (TTXVN)

Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL - Bài 2: Đẩy mạnh liên kết, gắn với văn hóa bản địa 

Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL – Bài 1: Từng bước định vị thương hiệu

Nằm ở phía Nam đất nước, Đồng bằng sông Cửu Long được mệnh danh là vựa lúa, vựa trái cây, thủy sản của cả nước. Nắm bắt lợi thế, từ các mô hình sản xuất nông nghiệp, nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp được hình thành, đưa vào khai thác, phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây