Trang chủ Luận bàn - Phản biện Thử nghiệm trồng cây phong lá đỏ: Sao lại là bài học...

Thử nghiệm trồng cây phong lá đỏ: Sao lại là bài học cay đắng hả anh Nhưỡng?

203
0

Tôi quan tâm tới phát biểu của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng trong bài “Đại biểu Quốc hội: “Cây phong lá đỏ thất bại là bài học cay đắng!” của tác giả Phùng Đô trên báo Giao Thông nhân việc các ĐBQH luận bàn về việc TP Hà Nội thay thế cây phong sau khi trồng được 3 năm bên hành lang Quốc hội.

Thử nghiệm trồng cây phong lá đỏ: Sao lại là bài học cay đắng hả anh Nhưỡng?

Anh Nhưỡng cho rằng: “trồng cây phong lá đỏ là một bài học cay đắng”.

Thưa anh Nhưỡng, sao lại “Cay đắng” khi đó chỉ là thử nghiệm và việc thử nghiệm thất bại như chúng ta thấy hoàn toàn không gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho ngân sách nhà nước?

Nếu anh chịu đọc, chịu nghe một chút thì sẽ biết Hà Nội trồng cây phong lá đỏ trên phố Trần Duy Hưng và Nguyễn Chí Thanh chỉ là thử nghiệm (anh có thể kiểm tra bằng cách gõ vào ô tìm kiếm của google cụm từ “cây phong lá đỏ” hoặc “thử nghiệm trồng cây phong lá đỏ” thì sẽ thấy hàng vạn kết quả). Bản chất của hoạt động thử nghiệm là hoạt động nghiên cứu khoa học.

Đã là thử nghiệm thì có thể thành công và cũng có thể là thất bại. Vì thế, khi người ta trồng thử nghiệm cây phong lá đỏ thì chắc chắn người ta đã nghĩ đến phương án thất bại và chấp nhận nó.

Hà Nội nói rõ, “Trồng thử nghiệm trên phố 262 cây, nếu thành công sẽ nhân rộng”. Từ “Nếu” ở đây là một giả thiết, nó cũng cho thấy ngay từ khi trồng thử nghiệm thì cũng có thể thành công hoặc thất bại. Chả lẽ anh Nhưỡng không hiểu được từ “Nếu” này? 

Nói cho anh Lưu Bình Nhưỡng rõ, về nguồn chi phí cho cây phong đã trồng không dùng tiền ngân sách. Sở Xây dựng Hà Nội và Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, 262 cây phong do một doanh nghiệp tặng thành phố và được trồng thử nghiệm từ năm 2018. Trong đó, tuyến Nguyễn Chí Thanh trồng 119 cây, tuyến Trần Duy Hưng trồng 143 cây. Sau 3 năm thử nghiệm, cây chưa thích nghi với điều kiện khí hậu của Hà Nội. Hiện 45 cây đã chết, 217 cây sống, nhưng sinh trưởng, phát triển kém.

Tôi không hài lòng khi anh nói với báo chí bên hành lang Quốc hội rằng, “khi trồng loại cây nào cho đường phố, công cộng cần phải lấy ý kiến của người dân, liên hệ với nhân dân, phải xin ý kiến các nhà khoa học để đảm bảo làm sao cho phù hợp”. Anh nói như thế thì khác gì bảo Hà Nội không lấy ý kiến các nhà khoa học và nói như thế thì nhà khoa học không phải là người dân hay sao? 

Thưa anh Nhưỡng, tôi ghét nhất thói cắt xén câu chữ làm biến đổi ngữ nghĩa, làm người đọc, người nghe hiểu sai vấn đề. Trả lời báo chí mà anh cắt xén chữ “thử nghiệm” thì khác gì kết tội Hà Nội?

Xin thưa anh, trước khi trồng thử nghiệm, tức chỉ trong phạm vi nhỏ, không phải là đại trà thì chỉ cần xin ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về cây xanh là đủ, anh ạ.

Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam cho biết, ông đã đi thực tế và ở miền Nam Trung Quốc trồng cây phong lá đỏ rất nhiều. Theo GS Hùng, ưu điểm của cây phong lá đỏ là thân không to lắm, 30 năm chỉ 30-40 phân; cao vừa phải, chừng 5, 6 m; lá rất đẹp, lúc xanh màu nõn chuối, già có thể chuyển sang vàng hoặc đỏ tùy điều kiện nhiệt độ. “Trồng ở đường phố là rất phù hợp. Nhiệt độ ở Hà Nội gần tương đương với miền Nam Trung Quốc, nên tôi đánh giá là nó sẽ mọc tốt”, ông nói.

GS Nguyễn Lân Hùng nhấn mạnh, đây là dự án thử nghiệm do một doanh nghiệp tài trợ chứ không phải thành phố dùng tiền ngân sách nhà nước, nên yên tâm là không có thiệt hại ngân sách nếu thất bại.

Về thực tế, ngoài việc chứng kiến cây phong lá đỏ sinh trưởng tốt ở miền Nam Trung Quốc thì ai cũng biết cây này đã có mặt và thích nghi ở nhiều vùng của nước ta như Tam Đảo, Sa Pa, Đà Lạt.

Với những gì đã trình bày ở trên, tôi nghĩ anh đang nợ Hà Nội một lời xin lỗi đấy.

Khoai@ 

Nguồn: Tre làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây