Giáo sư Carl Thayer và giáo sư Edmund Malesky kỳ vọng tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, với sự cởi mở và khả năng lãnh đạo, sẽ mang đến bước phát triển tích cực cho Việt Nam.
Chiều 5/4, Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ.
Là người tham gia trực tiếp vào việc xây dựng chỉ số PCI, giáo sư Malesky rất ấn tượng với tỉnh Quảng Ninh dưới sự lãnh đạo của ông Phạm Minh Chính, với hàng loạt sự thay đổi được tiến hành ở tỉnh này.
Giáo sư Malesky: Ông Phạm Minh Chính cởi mở, thực tế
Khi ông Phạm Minh Chính kết thúc nhiệm kỳ bí thư tỉnh ủy, chỉ số PCI của tỉnh này đứng thứ ba cả nước. Trong 3 năm liên tiếp gần đây (2017-2019), giáo sư Malesky lưu ý Quảng Ninh luôn dẫn đầu bảng xếp hạng về chỉ số PCI.
Giáo sư Malesky ghi nhận Quảng Ninh đã triển khai hàng loạt chiến lược sáng tạo. Đầu tiên, tỉnh này có sự thường xuyên hợp tác ở các cấp cao nhất giữa khối đảng và chính quyền.
Thứ hai, ông Malesky cho biết Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên áp dụng mô hình PCI để lập ra phiên bản riêng về chỉ số cạnh tranh cấp quận, cũng như giữa các sở, ban, ngành. Tỉnh này cũng triển khai nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn và cải cách kinh tế một cách hiệu quả.
Nhiều năm trước, kinh tế Quảng Ninh phụ thuộc nhiều vào khu vực công và các ngành công nghiệp nặng như than hay nhà máy giấy. Giờ đây, Quảng Ninh có nền kinh tế dịch vụ phát triển mạnh, bao gồm du lịch, các ngành công nghiệp, theo giáo sư Malesky.
“Lãnh đạo tỉnh rất nỗ lực để tạo ra sự cải cách, và tôi nghĩ ông Phạm Minh Chính xứng đáng được ghi công. Tôi nghĩ ông ấy biết cách thực hiện những cải cách quản trị hiệu quả, khiến cấp dưới cảm thấy trách nhiệm và cách trở thành một người lãnh đạo tốt. Đó là những điều bạn có thể nhìn thấy từ chỉ số PCI”, giáo sư Malesky nói với PV.
Khi ông Phạm Minh Chính rời Quảng Ninh và tiến vào bộ máy trung ương, “theo những gì tôi biết, ông Chính là một người theo xu hướng kỹ trị và thực tế, cởi mở với các ý tưởng mới. Và tôi nghĩ đó là điểm mấu chốt khi nhìn nhận về ông”, giáo sư Malesky nói.
Trả lời PV, giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia) và giáo sư Edmund Malesky (Đại học Duke, Mỹ) kỳ vọng tân Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chính phủ mới của ông sẽ mang đến những bước phát triển tích cực cho Việt Nam.
Giáo sư Thayer: Ông Phạm Minh Chính có được sự ủng hộ rộng rãi
Nhà quan sát Australia ghi nhận tân Thủ tướng đã trải qua nhiều lĩnh vực trước khi trở thành người đứng đầu Chính phủ. Ở kinh nghiệm quản lý địa phương, giáo sư Thayer nhận xét “ông Phạm Minh Chính có một nhiệm kỳ rất thành công ở Quảng Ninh”.
Giáo sư Thayer chỉ ra tốc độ thăng hạng của tỉnh Quảng Ninh trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong giai đoạn ông Phạm Minh Chính là Bí thư Tỉnh ủy ở đây. Vị chuyên gia lưu ý khi ông Chính kết thúc nhiệm kỳ Bí thư Tỉnh ủy ở Quảng Ninh năm 2015, chỉ số PCI của tỉnh này đứng thứ 3, và luôn duy trì đầu bảng trong những năm sau này.
“Rõ ràng là ông Chính xứng đáng được ghi nhận công lao. Đó là một điển hình về năng lực lãnh đạo cấp tỉnh vượt trội, không chỉ là việc phát triển của tỉnh, mà còn là sự khuyến khích, và vận dụng viện trợ nước ngoài vào đầu tư hiệu quả”, giáo sư Thayer nói.
Ông Thayer lưu ý rằng kinh nghiệm sự nghiệp ở nhiều đơn vị của ông Chính chứng tỏ ông có khả năng phối hợp tốt với các bên.
Trong thời gian tới, việc ông Phạm Minh Chính sẽ vận dụng kinh nghiệm này vào điều hành Chính phủ như thế nào là điều còn phải theo dõi.
“Điều rõ ràng là việc ông Chính được tín nhiệm bầu vào chức Thủ tướng chứng tỏ ông có được sự ủng hộ rộng lớn. Đó là điều rất quan trọng, chứng tỏ vị thế riêng của ông”, giáo sư Thayer nói với PV.
Trong ngắn hạn nhà quan sát Australia cho rằng “hai ưu tiên khẩn trương nhất” đối với tân Thủ tướng đã được xác lập: Đẩy lùi đại dịch Covid-19 và bắt đầu quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.
“Đầu tiên, Việt Nam cần giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 bằng cách khẩn trương tiêm chủng cho người dân. Đồng thời, Việt Nam cần triển khai gói kích cầu để đưa các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 quay trở lại sản xuất”, giáo sư Thayer.
Ông Thayer nhấn mạnh việc Việt Nam có hoàn toàn vượt qua đại dịch hay không còn tùy thuộc vào cuộc chiến chống Covid-19 của cả thế giới.
“Việt Nam không thể đạt được những mục tiêu đề ra nếu các hàng xóm chưa ‘khỏe mạnh’ và nền kinh tế thế giới chưa phục hồi. Nên công việc trước mắt là khắc phục hậu quả dịch và triển khai tiêm chủng toàn dân. Sau đó tôi nghĩ cần có một gói kích thích và phục hồi”, ông Thayer đánh giá.
Hương Ly – Hồng Ngọc
Nguồn: Cánh cò