Sáng nay (2-4), Quốc hội Quốc hội đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Theo đó, Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ khi Quốc hội bầu được Thủ tướng mới. Như vậy, ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ Thủ tướng cho đến khi chuyển giao cho Thủ tướng kế nhiệm (dự kiến Quốc hội sẽ bầu và tân Thủ tướng Chính phủ sẽ tuyên thệ vào ngày 5-4).
Trước đó, chiều 1-4, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ với ông Nguyễn Xuân Phúc. Việc bỏ phiếu kín miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ sẽ được thực hiện trong sáng nay.
Sau đó, quy trình miễn nhiệm Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Phú Trọng sẽ được hoàn tất trong buổi chiều.
Ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Trước đó, thông tin tại họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước và đây là lần đầu tiên Quốc hội sẽ bầu một đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước.
Theo chương trình kỳ họp, việc bầu Chủ tịch nước và Thủ tướng mới sẽ được thực hiện trong ngày 5-4.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944, quê ở Hà Nội, là giáo sư, tiến sĩ chính trị học chuyên ngành xây dựng Đảng; đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV.
Với việc miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhiệm kỳ 2016 – 2021 được ghi nhận là nhiệm kỳ có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước. Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần (ngày 21-9-2018), Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ Quyền Chủ tịch nước từ ngày 23-9 đến ngày 23-10-2018.
Đến ngày 23-10-2018, Quốc hội khóa XIV bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước và trở thành người thứ ba trong lịch sử của Đảng đồng thời giữ cả hai chức vụ đứng đầu Đảng và Nhà nước sau Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trường Chinh.
Như vậy, Quốc hội khóa XIV có đến 4 chủ tịch nước gồm: Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và ngày 5-4 sẽ có thêm một chủ tịch nước. Trong đó, ngoài bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, ba Chủ tịch nước còn lại đều tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội.
Trước đó, phát biểu nhậm chức Chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng chia sẻ “vừa mừng, vừa lo” nhưng cũng nhiều lần khẳng định sẽ ra sức phấn đấu, cố gắng làm hết sức mình để đáp ứng yêu cầu và những tình cảm mà Quốc hội, nhân dân đã dành cho ông.
Tổng kết công tác của mình trong vai trò Chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng cho biết Chủ tịch nước luôn nỗ lực thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước đã tham gia chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án, chiến lược quan trọng bảo đảm giữ vững chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chủ tịch nước cũng chỉ đạo các cơ quan tư pháp đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính; nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn.
TIẾN LONG
Nguồn: Cánh cò