Trang Diplomat của Anh đã có bài viết nói về cả con đường chính trị cũng như dấu ấn thành công trong cải cách kinh tế, chính trị tại Việt Nam giúp Việt Nam đạt được những thành tựu đáng mơ ước hôm nay.
Đại hội Đảng lần thứ 13 của Việt Nam đã kết thúc vô cùng an toàn, tốt đẹp giữa bối cảnh cả thế giới chìm vào khủng hoảng, chịu cảnh giãn cách vì đại dịch. Năm 2021 cũng là năm vô cùng đặc biệt của Đại hội 13, khi lần đầu tiên trong lịch sử ông Nguyễn Phú Trọng trở thành trường hợp ngoại lệ, tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 ở vị trí Tổng bí thư.
Tại một cuộc họp báo sau đó, ông Trọng cho biết ông không trông mong nhận nhiệm kỳ thứ ba, ông muốn nghỉ hưu vì “tuổi đã cao rồi”. Nhưng ông tuyên bố rằng đại hội muốn bầu lại ông, và “Đại hội bầu phải làm, Đảng viên thì phải chấp hành”.
Giờ đây, ông đã trở thành chính trị gia quyền lực nhất của Việt Nam kể từ thời Lê Duẩn, được củng cố với tiếng tăm là một nhà lãnh đạo liêm khiết, chỉ biết phụng sự quốc gia 98 triệu dân.
Ông Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944 tại Hà Nội, là sinh viên Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1967. Ông thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lê-nin, hoàn thành bằng Tiến sĩ chuyên ngành xây dựng đảng khi đang học tập tại Liên Xô từ năm 1981 đến 1983.
Sau đó ông Trọng có nhiều năm làm việc tại Tạp chí Cộng sản của đảng, và rồi trở thành Tổng biên tập tại chính tạp chí này (1991-1996). Năm 1997, ông Trọng được đề bạt vào Bộ Chính trị và trở thành người đứng đầu quốc hội vào năm 2006 sau đó vươn lên thành Tổng bí thư năm 2011.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vươn lên đỉnh cao của đảng trong bối cảnh kinh tế của Việt Nam và thế giới bất ổn định. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Việt Nam bị suy giảm kinh tế nghiêm trọng. Ngân hàng Thế giới (WB) khi đó lưu ý rằng ngành ngân hàng gặp khó khăn, với lợi nhuận trung bình trên tài sản của các ngân hàng đã giảm mạnh kể từ cuộc khủng hoảng (từ 1,8% năm 2007 xuống 0,5% năm 2012).
Thời điểm đó, WB cũng chỉ ra chu kỳ lạm phát trung bình đến cao, đạt mức đỉnh 28% vào tháng 8 và tháng 9 năm 2008, giảm xuống mức một con số từ tháng 4 năm 2009 đến tháng 10 năm 2010, và sau đó tăng lên mức đỉnh 23% vào tháng 8 năm 2011. Điển hình cho giọng điệu bi quan trong thời kỳ này, một bài báo của The Wall Street Journal đã đưa ra dự đoán rằng kinh tế Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng 5,03% trong năm 2012, tốc độ chậm nhất trong 13 năm “do nhu cầu toàn cầu và trong nước yếu và bong bóng bất động sản sụp đổ”.
Kể từ khi chính sách cải cách kinh tế “Đổi mới” được áp dụng năm 1986, thành tích hoạt động kinh tế xã hội đã trở thành nguồn chính danh cơ bản cho Việt Nam. Chừng nào tăng trưởng kinh tế của đất nước vẫn vững chắc, tài sản và thu nhập của người dân tiếp tục tăng lên, các vấn đề khác, như tham nhũng, bớt quan trọng. Tuy nhiên, do nợ xấu và tốc độ tăng trưởng chậm lại đe dọa chấm dứt một trong những câu chuyện thành công kinh tế sáng giá nhất châu Á vào cuối thập niên đầu tiên của những năm 2000, ông Trọng đã quyết định tăng cường chống tham nhũng, quyết định xử lí vấn đề này một cách vô cùng cấp bách để tăng cường sự ủng hộ của quần chúng đối với Đảng.
Động thái lớn đầu tiên của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng là vận động Đảng thông qua Nghị quyết số 12- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, vào đầu năm 2012. Đó là lời kêu gọi về xây dựng đảng, dẫn đến một cuộc vận động tự phê bình và phê bình trong đảng. Ông kêu gọi các quan chức phải làm gương và chịu trách nhiệm về hành vi tham nhũng và lãng phí. Ngay sau đó, Đảng đã rút Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khỏi sự quản lý của Chính phủ mà đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Bộ Chính trị. Đây được xem là nỗ lực để giải quyết vấn đề tham nhũng một cách triệt để.
Ngoài phát triển, mở rộng các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, ông Nguyễn Phú Trọng đã phát động một chiến dịch chưa từng có trong lịch sử, chống lại nạn tham nhũng đang nở rộ ở đỉnh cao của giới chính trị và kinh doanh tại Việt Nam.
Trong 4 năm, từ 2017 đến 2020, Bộ Chính trị của ông Trọng đã thi hành kỷ luật đối với 110 đảng viên cao cấp, trong đó có 3 ủy viên Bộ Chính trị, một nguyên ủy viên Bộ Chính trị, 10 ủy viên Trung ương Đảng và 17 nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Ngoài các hình thức kỷ luật nội bộ, từ khiển trách đến khai trừ khỏi Đảng, một số người này còn phải đối mặt với các tội danh hình sự.
Chiến dịch chống tham nhũng ngày càng nóng lên hơn khi ông Trọng tái đắc cử năm 2016, dẫn đến một số vụ bắt giữ và truy tố lớn. Vụ bắt giữ ông Đinh La Thăng vào tháng 12/2017, cựu bí thư thành uy thành phố Hồ Chí Minh, đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều thập niên mới có một ủy viên Bộ Chính trị bị khởi tố. Ông Thăng cũng trở thành ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị cách chức vì quản lý kinh tế yếu kém và sau đó bị kết án tổng cộng 30 năm tù. Ông trùm ngân hàng Trầm Bê và Phạm Công Danh bị bỏ tù, trong khi nhiều quan chức cấp cao bị kết án liên quan đến bê bối tại tập đoàn dầu khí quốc doanh PetroVietnam.
Vì dính líu đến vụ lùm xùm mua hãng truyền hình tư nhân AVG, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Trương Minh Tuấn cũng bị cách chức vào tháng 7/2018 và bị kết án 14 năm tù. Người tiền nhiệm của ông, Nguyễn Bắc Son, nhận án chung thân vì nhận hối lộ số tiền ước tính 3 triệu USD.
Sau đó, cuộc chiến chống tham nhũng này còn mở rộng sang cả quân đội và công an. Khoảng 38 sĩ quan cấp cao, trong đó có 23 tướng lĩnh, đã bị kỷ luật hoặc truy tố. Điển hình nhất là việc cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến bị phạt 4 năm tù vì chuyển nhượng trái phép 3 lô đất tại TP.HCM cho tư nhân.
Trong một ẩn dụ nổi tiếng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ví công cuộc chống tham nhũng như: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát cũng không làm giảm hơi nóng của chiến dịch chống tham nhũng. Hai Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm là Hoàng Trung Hải và Nguyễn Văn Bình bị kỷ luật. Nguyên Chủ tịch Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung bị tuyên mức án 5 năm tù về tội ‘chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước’.
Song song với cuộc chiến chống tham nhũng là những chính sách cải cách về kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút FDI để kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển. Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có 714.755 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 99% là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài.
Theo báo cáo Doing Business của WB, điểm số về Môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã tăng từ 62,6 vào năm 2016 lên 69,8 (trên 100) vào năm 2020. Trong bài phát biểu nhậm chức sau khi được bổ nhiệm vào năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết “nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển”, một chính phủ trong sạch liêm chính, vì dân và vì doanh nghiệp.
Đồng thời, Việt Nam đã có thể duy trì tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định. Từ năm 2015, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trên 6%. Tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% năm 2018, mức cao nhất kể từ năm 2010, nhờ dòng vốn FDI mạnh và tăng trưởng trong các lĩnh vực dịch vụ và sản xuất, năng suất, tiêu dùng tư nhân và xuất khẩu.
Năm 2020, mặc dù chứng kiến sự khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất trong lịch sử nhưng Việt Nam lại gần như là quốc gia duy nhất đạt được thành tựu nổi bật khiến cả thế giới phải trầm trồ. Những mỹ từ đẹp đẽ như “ngôi sao sáng”, “quốc gia tỏa sáng”, “tấm gương sáng”… vì mức độ an toàn khi xử lí được dịch Covid-19 và cả mức độ phục hồi kinh tế đáng ngạc nhiên với GDP 2020 là 2.91%. Đây có thể nói là thành tựu vô cùng đáng nể cho tất cả sự nỗ lực dài hơi của Việt Nam.
Là Ủy viên Bộ Chính trị từ năm 1997, ông Nguyễn Phú Trọng đã vượt qua các suy nghĩ thông thường để tiếp tục đưa Việt Nam ngày càng đi lên trong tương lai. Theo The Diplomat, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba sẽ giúp Việt Nam giữ vững quỹ đạo chính trị và kinh tế hiện tại.
Bảo Trâm (Lược dịch theo Diplomat)
Nguồn: Cánh cò