Thông tin từ Tổng cục Thống kê ngày 29/3 cho biết: Khách quốc tế đến nước ta trong quý I/2021 ước tính đạt hơn 48.000 lượt người, giảm 98,7% so với cùng kỳ năm trước. Khách đến bằng đường hàng không, đường bộ và đường biển đều giảm trên 90%.
Trong quý I, khách đến từ châu Á chiếm 88,6% tổng số khách quốc tế đến nước ta, giảm 98,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ các thị trường chính đều giảm mạnh.
Nguyên nhân giảm là do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế. Do đó, lượng khách quốc tế đến chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam và lái xe vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ.
Hiện nay, dịch COVID-19 ở nước ta đã cơ bản được khống chế, lực lượng tuyến đầu chống dịch đã được tiêm vaccine phòng bệnh. Nhà nước, các cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực đàm phán với các đối tác quốc tế để nhanh chóng có đủ vaccine nhập khẩu tiêm chủng cho nhân dân; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm để sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước, chủ động phòng bệnh cho toàn dân trong thời gian sớm nhất.
Du lịch nội địa nước ta đã khởi động trở lại với nhiều tín hiệu tích cực, các địa phương đã tích cực thực hiện quảng bá, xúc tiến. Công ty lữ hành, đơn vị lưu trú đã chủ động xây dựng và chào bán nhiều sản phẩm hấp dẫn, giá ưu đãi cho du khách lựa chọn, thu hút dòng khách mở đầu cho đợt du lịch hè bắt đầu từ đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 tới đây.
Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã làm việc với đại diện một số bộ, ngành liên quan bàn bạc về đề xuất kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế vào Việt Nam trong thời gian tới. Đây là nhiệm vụ nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc đề xuất mở cửa đón khách du lịch quốc tế, đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19.
Tổng cục Du lịch cho rằng việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế là vấn đề cần thiết, nên làm và phải làm nhưng cách mở, điều kiện mở, phương thức thực hiện và quy trình kích hoạt phải thận trọng để vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch hiệu quả, thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển.
Phương thức thí điểm đón khách quốc tế cũng được các đại biểu đề cập. Cụ thể, với thị trường khách phải đảm bảo lựa chọn thị trường thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, có thỏa thuận song phương với Việt Nam trong việc chấp nhận kết quả của công tác phòng, chống dịch, có thể kể đến một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Các chuyến bay cần bay thẳng, do các công ty du lịch thuê bao, không bay cùng các khách thương mại khác. Đón khách vào phải là doanh nghiệp có năng lực về đội ngũ nhân lực và tài chính, tự nguyện, đáp ứng đầy đủ các điều kiện do cơ quan nhà nước quy định.
Điểm đến của khách quốc tế cần đáp ứng đầy đủ điều kiện phòng, chống dịch bệnh; chính quyền địa phương cam kết và sẵn sàng đón khách; cần lựa chọn những điểm du lịch tốt, điểm nghỉ dưỡng trên biển hoặc trên núi, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của du khách khi có nhu cầu đi du lịch trong điều kiện dịch bệnh…
Nguồn: Báo Tin tức