Dịch COVID-19 đã tạo ra những thách thức với ngành du lịch, đòi hỏi những người làm du lịch ở Nghệ An không ngừng đổi mới để thích ứng.
Đổi mới sản phẩm du lịch không chỉ là phát triển sản phẩm mới, mà còn làm mới những sản phẩm cũ để thu hút du khách bằng sự khác biệt.
Người Nghệ An đi du lịch Nghệ An
Từ trước tới nay, người ta chỉ biết tới việc đưa khách Nghệ An đi du lịch các vùng miền khác hay ra nước ngoài, mà bỏ qua việc thu hút du khách chính là người Nghệ An. Tiềm năng du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch canh nông, cùng vô số các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, các làng nghề… là những điểm đến hấp dẫn để người Nghệ An khám phá ngay chính quê hương mình.
Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác là một trong những mô hình phát triển du lịch trải nghiệm lý tưởng khi du khách về với quê Bác – xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Với mục tiêu xây dựng vùng trồng sen có quy mô lớn, đủ các loại hoa sen, tạo nguyên liệu chế biến ra các sản phẩm từ cây sen, nhằm thu hút và phục vụ khách tham quan, đến nay Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác đã trồng 65 giống sen khác nhau trên diện tích 120 ha.
Trước đây, về Kim Liên chỉ thấy giống sen cổ màu hồng, năm 2019 Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác đã đưa về giống sen trắng và năm 2021 có thêm giống sen vàng. Ngoài chụp ảnh với sen, khi về Kim Liên, du khách được tham gia trải nghiệm các kỹ thuật trồng, thu hoạch, chế biến sen và thưởng thức nghệ thuật ẩm thực từ sen.
Anh Phạm Kim Tiến, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Sen Quê Bác chia sẻ: “Tôi lựa chọn Sen khi bắt đầu làm nông trại, vừa thực hiện ý nguyện của Bác Hồ vừa gìn giữ và phát triển văn hóa quê hương. Hàng năm, quê Bác đón lượng lớn khách du lịch, ai cũng muốn mua một vài sản phẩm đem về làm kỷ niệm. Vì vậy, đến nay Hợp tác xã đã cho ra đời 12 sản phẩm chế biến từ sen làm quà lưu niệm”.
Ngoài đa dạng hóa sản phẩm từ sen, thời gian bị tác động vì dịch COVID-19, anh Tiến làm mới chuỗi dịch vụ, xây dựng thêm các hoạt động mới gắn với nông nghiệp xanh độc đáo, thu hút du khách. Hiện Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác đang hoàn thiện mô hình trải nghiệm du lịch canh nông, tổ chức tour “Một ngày làm nông dân” vào cuối tuần cho các hộ gia đình, nhóm bạn (10 người), đặc biệt là trẻ nhỏ được tham gia trải nghiệm cuộc sống dân dã như nơm cá, nướng cá, trồng sen, làm sản phẩm thủ công từ sen, hát dân ca ví dặm…
Từ những ao sen, những loài cây ăn trái sẵn có, hiện đã có 4 gia đình được chính quyền huyện Nam Đàn và xã Kim Liên chọn làm mô hình du lịch cộng đồng. “Để đồng hành cùng với du khách, Tổ hợp tác dịch vụ du lịch cộng đồng đã đầu tư 20 chiếc xe đạp để du khách được thăm thú các nơi, các thành viên sẽ như những hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về lịch sử – văn hóa, về các di tích tâm linh và phong cảnh Kim Liên”, ông Nguyễn Sinh Lạc, xóm Sen 2, xã Kim Liên, cho biết.
Huyện Con Cuông biến thách thức do dịch COVID-19 thành cơ hội. “Thời gian không đón khách, bà con xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, hoàn thiện những sản phẩm cũ, xây dựng sản phẩm mới. Mọi người cùng trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng, học tiếng Anh, tập huấn về làm du lịch, sáng tạo món ăn mới… Với mục tiêu hướng đến sự bền vững, trách nhiệm với môi trường và cộng đồng, người dân nơi đây làm du lịch từ chính ưu đãi của tài nguyên thiên nhiên quê hương, đồng thời không ngừng học cách nâng giá trị sản phẩm”, ông Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Huyện ủy Con Cuông cho biết.
Giờ đây, đặt chân đến Con Cuông, du khách có thể trải nghiệm hoạt động chèo thuyền Kayak, đi bộ, leo núi, đạp xe địa hình leo núi từ Phà Lài, Bản Xiềng đi bản Cò Phạt, xã Môn Sơn. Chèo thuyền lênh đênh giữa mặt hồ rộng lớn, quan sát cảnh núi non ở cự ly gần hay tìm kiếm những góc đẹp nhất để ngắm nhìn cảnh hồ, săn những bức ảnh đẹp thì Kayak là lựa chọn tuyệt vời dành cho du khách.
Hình thức đi bộ, leo núi, du khách sẽ cảm nhận rõ hơn cuộc sống của đồng bào nơi đây. Với cung đường không quá dài, du khách sẽ có cơ hội được đi bộ xuyên qua những khu rừng nguyên sinh, hay men theo những đường mòn ven núi của đồng bào, được cảm nhận trực tiếp cuộc sống thường ngày của đồng bào, đặc biệt là nghỉ lại các bản làng của người Thái. Về đêm, du khách lại hòa mình trong điệu nhảy sạp truyền thống, cùng hát múa quanh lửa trại.
Xây dựng các điểm đến an toàn, hấp dẫn
Với mục tiêu phục vụ nhu cầu tham quan mua sắm của du khách, kéo dài thời gian lưu trú, tăng doanh thu hoạt động du lịch, thị xã Cửa Lò đã xây dựng các điểm đến phù hợp, tạo sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, hấp dẫn với nhu cầu của du khách. Kế hoạch xây dựng ba điểm đến du lịch Cửa Lò là sản phẩm mới được địa phương đã và đang thực hiện, hoàn thiện từ nay đến năm 2025.
Cụ thể là các điểm đến về tâm linh (đền Vạn Lộc, đền Làng Hiếu, chùa Song Ngư, đền Mai Bảng, đền Thu Lũng, đền Diên Nhất); các điểm đến về tham quan, trải nghiệm (đảo Lan Châu, sân Golf, khu ẩm thực phường Nghi Hòa, khu du lịch Vinpearl Cửa Hội, cảng Cửa Lò, khu Bàu Sen Nghi Hương) và các điểm đến mua sắm (chợ bến cá, làng chài và chợ điện tử Nghi Thủy, chợ hải sản phường Thu Thủy, làng nghề nước mắm và cá thu nướng Hải Giang 1, phường Nghi Hải).
“Ngoài tắm biển, nghỉ dưỡng và thưởng thức món ăn ngon từ hải sản, giờ đây khi về với Cửa Lò, du khách sẽ dễ dàng tiếp cận với những địa điểm, sản phẩm, dịch vụ chất lượng. Thị xã Cửa Lò đang tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa ứng xử, môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện, nhằm quảng bá hình ảnh các điểm đến của Cửa Lò với du khách trong và ngoài nước”, ông Hoàng Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò nhấn mạnh.
Phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm “Chinh phục Đỉnh Pù Xai Lai Leng” tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn cũng là một trong những điểm mới trong hành trình du khách khám phá Nghệ An. Pù Xai Lai Leng là ngọn núi thuộc dãy Trường Sơn Bắc, có đỉnh cao vượt trội 2.720m, nằm trên đường biên giới Việt Nam và nước bạn Lào.
Là một trong những đơn vị tiên phong trong việc xây dựng sản phẩm Caravan and Trekking (loại hình du lịch tự lái và leo núi mạo hiểm) tại Pù Xai Lai Leng, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Năm Sao (Fivestar Travel) đang nỗ lực liên kết các đơn vị lữ hành, vận chuyển trên địa bàn Hà Nội với chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng cùng các cơ sở dịch vụ, lưu trú trên địa bàn xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn để xây dựng sản phẩm.
Ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty cho biết, dịch COVID-19 đã làm thay đổi xu hướng du lịch. Theo đó, du khách thường đi thành các nhóm nhỏ, tự túc và ưa chuộng hình thức khám phá thiên nhiên, du lịch mạo hiểm. Nắm bắt xu hướng này, Fivestar Travel đã liên kết với địa phương phát triển sản phẩm du lịch tự lái kết hợp với leo núi mạo hiểm, nhằm làm mới các sản phẩm cũ và gia tăng trải nghiệm cho du khách.
Phát triển các sản phẩm du lịch mới không chỉ là khai thác những gì sẵn có từ vùng đất và tài nguyên thiên nhiên mà bản thân các doanh nghiệp, người làm du lịch cũng như chính quyền địa phương đều phải luôn chủ động đổi mới dịch vụ, sáng tạo sản phẩm mới. Đó là hình thành các trung tâm mua sắm hiện đại, đồng thời với hệ thống cửa hàng lưu niệm, đặc sản vùng miền, sản phẩm thủ công truyền thống; trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, phong tục và tri thức bản địa, tìm hiểu ẩm thực địa phương, có sự tham gia tích cực, chia sẻ lợi ích với cộng đồng, gắn với bảo vệ tài nguyên tự nhiên và văn hóa. Song song đó là công tác quản lý điểm đến, bảo đảm môi trường an toàn, sạch sẽ, văn minh, thân thiện.
Nghệ An vốn có thế mạnh về du lịch văn hóa, du lịch biển, được nhiều du khách yêu thích và được ngành du lịch Nghệ An đầu tư khai thác, phát huy trong nhiều năm qua. “Song trong thời điểm cần kích cầu mạnh như hiện nay, việc xây dựng sản phẩm mới, độc đáo, có dấu ấn riêng sẽ hấp dẫn du khách hơn. Bởi vậy, cùng với việc duy trì sản phẩm truyền thống như trước kia, ngành du lịch Nghệ An đang khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng những tour, tuyến, sản phẩm du lịch mới, mang dấu ấn đặc trưng, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá điểm đến mới và kết nối các điểm đến, làm hài lòng du khách”, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An khẳng định.
Bài cuối: Liên kết vùng miền
Nguồn: Báo Tin tức