Trang chủ Tin tức Đầu tư phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống

Đầu tư phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống

129
0

Phát triển du lịch làng nghề truyền thống là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn.

Để khai thác thế mạnh, tiềm năng du lịch làng nghề, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt Đề án thí điểm phát triển du lịch làng nghề truyền thống tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 – 2025, với tổng kinh phí hơn 14,3 tỷ đồng.

Đầu tư phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thốngSự nổi tiếng của rượu Bàu Đá Bình Định, đặc sản của thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn một phần nhờ phương pháp nấu rất thủ công, tạo hương vị riêng, cay nồng đậm đà khó tả.

Bình Định hiện có 67 làng nghề, giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động, trong đó, 38 làng nghề đạt tiêu chí theo quy định của UBND tỉnh Bình Định; 8 làng nghề đạt tiêu chí theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngành du lịch Bình Định đã lựa chọn 4 làng nghề truyền thống đặc sắc nhất để phát triển du lịch, gồm: Làng nghề Rượu Bàu Đá (thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn); làng nghề Nón ngựa Phú Gia (thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát); làng nghề trồng bí đao khổng lồ (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ) và làng nghề Bún số 8 – bánh tráng Tam Quan Nam (phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn).

Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, Nguyễn Văn Dũng cho biết mục tiêu phát triển du lịch làng nghề truyền thống nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hình thành các điểm đến thu hút du khách; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho cư dân làng nghề, góp phần xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động du lịch góp phần quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa lâu đời của các làng nghề của Bình Định.

Rượu Bàu Đá là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bình Định. Tương truyền, chính bàu nước trong vùng, nơi hội tụ của những mạch nước ngầm chảy ra từ lòng các ngọn núi xung quanh làm nên mùi thơm, cay nồng, đậm đà khó tả của rượu Bàu Đá. Không chỉ vậy, sự nổi tiếng rượu Bàu Đá còn nằm ở phương pháp nấu rất thủ công tạo hương vị riêng. Hiện rượu Bàu Đá đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, trở thành một món quà khó thiếu với du khách về thăm Bình Định.

Ông Lê Văn Thưởng, Chủ tịch Hiệp hội rượu Bàu Đá Bình Định, chia sẻ: “Hiện làng nghề còn có 33 hộ nấu rượu Bàu Đá theo phương thức thủ công truyền thống. Nhờ tạo dựng được thương hiệu, rượu Bàu Đá được nhiều nơi biết đến, nên sản phẩm làm ra được xuất bán đi mọi miền, thu nhập ổn định, người dân gắn bó hơn với nghề”. Ông Thưởng cho biết, khi làng rượu Bàu Đá được chọn làm thí điểm phát triển du lịch gắn với làng nghề, chính quyền đã quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống thoát nước, bãi đỗ xe; hỗ trợ các hộ dân bộ nồi nấu rượu bằng đồng chất lượng tốt.

Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, Mai Xuân Tiên cho biết: Thị xã An Nhơn xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020-2025. Hiện An Nhơn có 21 làng nghề truyền thống, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống đặc sắc của vùng đất võ Bình Định, là thế mạnh để phát triển du lịch làng nghề, thu hút khách du lịch.

Thời gian tới, địa phương sẽ huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng du lịch, ưu tiên phát triển giao thông, hỗ trợ người dân xây dựng hệ thống vệ sinh, thu gom rác thải, nước thải; các hộ kinh doanh du lịch được hỗ trợ lãi suất. Ngoài làng nghề rượu Bàu Đá, thị xã An Nhơn còn chọn làng nghề gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, làng rèn Tây Phương Danh và làng mai Nhơn An… để đầu tư, phát triển du lịch.

Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Dũng, Sở Du lịch đang triển khai đào tạo, bồi dưỡng cho các hộ gia đình kỹ năng về nghiệp vụ lễ tân, hướng dẫn viên du lịch; nghiệp vụ buồng, đặt giữ buồng; vận hành cơ sở lưu trú nhỏ – homestay; chế biến món ăn; phục vụ nhà hàng; giao tiếp với khách du lịch; ngoại ngữ du lịch… để cung cấp các dịch vụ một cách có chất lượng.

Đồng thời, Sở Du lịch tỉnh cũng tổ chức tập huấn kỹ năng nghề du lịch cho các nghệ nhân tại các làng nghề; trang bị kiến thức về sản phẩm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu khách du lịch; hướng dẫn quy trình phục vụ khách tham quan, trải nghiệm; nâng cao nhận thức về phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát triển nghề truyền thống cho người dân.

Tại 4 làng nghề truyền thống được tỉnh Bình Định chọn triển khai Đề án sẽ có dịch vụ homestay để du khách có được những trải nghiệm gần gũi nhất qua việc sống và sinh hoạt tại nhà các hộ dân; có khu lịch ẩm thực; du lịch mua sắm, giải trí; giao lưu văn nghệ…“Tại các làng nghề này, trước mắt tuyển chọn khoảng 5 – 10 hộ gia đình đủ điều kiện phục vụ khách du lịch tại mỗi làng nghề. Đến năm 2025 sẽ triển khai nhân rộng mô hình đến các làng nghề khác trong tỉnh. Dự kiến, đến năm 2025, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Định sẽ thu hút trên 6.000 lượt khách du lịch đến tham quan. Các hộ hoạt động làng nghề gắn với phát triển du lịch sẽ nâng cao mức thu nhập từ 3 – 5 lần so với sản xuất thuần nông”,  ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.

Đầu tư phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thốngLàng nghề trồng bí đao khổng lồ (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ) là một trong những làng nghề được tỉnh Bình Định chọn để đầu tư phát triển du lịch.

Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh, Bình Định sẽ huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống đường giao thông để đáp ứng được các phương tiện vận chuyển lớn; hoàn thiện điện, nước, nhà vệ sinh; xây dựng các khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm; khu vực trải nghiệm cho khách du lịch. Đề án phát triển du lịch làng nghề truyền thống tỉnh Bình Định được triển khai sẽ tạo thêm điểm đến cho du lịch Bình Định, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và tạo thêm việc làm cho người lao động.

Bài và ảnh: Nguyên Linh (TTXVN)

Đầu tư phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống

Xây dựng nông thôn mới gắn với OCOP và du lịch làng nghề

Thực hiện nhiều đột phá trong sản xuất nông nghiệp sạch gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển du lịch làng nghề, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, 100% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới… là những điểm nhấn trong chặng đường về đích nông thôn mới của huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên trong gần 10 năm qua.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây