Theo Luật Quốc tịch Việt Nam, công dân Việt Nam có thể có hai quốc tịch, nhưng đã là ĐBQH thì chỉ giữ lại quốc tịch Việt Nam.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ được diễn ra vào chủ nhật, ngày 23/5 tới. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2021 này.
Đại biểu quốc hội chỉ có một quốc tịch Việt Nam
Quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp có nhiều điểm mới so vo với luật cũ. Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty luật Sblaw (đoàn Luật sư Hà Nội) thông tin, theo Điều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và được sửa đổi, bổ sung năm 2020, đại biểu Quốc hội cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau. Thứ nhất, có quốc tịch Việt Nam. Đây là điểm mới gần đây chúng ta thông qua. Theo Luật Quốc tịch Việt Nam, công dân Việt Nam có thể có hai quốc tịch, nhưng đã là ĐBQH thì chỉ giữ lại quốc tịch Việt Nam.
Thứ hai, trung thành với tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Thứ ba, có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật, có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Thứ tư, có trình độ văn hóa chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ của đại biểu. Thứ năm, liên hệ chặt chẽ với nhân dân lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm và có điều kiện tham gia vào các hoạt động Quốc hội.
Để trở thành đại biểu HĐND, được quy định ở trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và được sửa đổi, bổ sung năm 2016 có quy định: Thứ nhất, có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Thứ hai, trung thành với tổ quốc, nhân dân, hiến pháp và phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Thứ ba, có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật và có bản lĩnh kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Thứ tư, có trình độ văn hóa chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Có điều kiện tham gia vào các hoạt động của HĐND. Thứ 5, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và được nhân dân tín nhiệm.
Trước, trong và sau bầu cử, một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm, đó là giải quyết các vụ việc phức tạp, nổi cộm, đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là liên quan đến người ứng cử.
Trả lời vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty luật Sblaw phân tích, điều 61 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND 2015 quy định về khiếu nại, tố cáo liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.Theo đó, đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, khiếu nại, tố cáo được gửi đến Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Hội đồng bầu cử quốc gia. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Hội đồng bầu cử quốc gia. Quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia là quyết định cuối cùng.
Đối với người ứng cử đại biểu HĐND, khiếu nại, tố cáo ứng cử viên đại biểu HĐND ở cấp nào thì thì được gửi tới Ban bầu cử đại biểu HĐND ở cấp đó. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng. Quyết định của Ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng. Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.
Luật sư Hà cho biết thêm, trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì Hội đồng bầu cử quốc gia (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) hoặc Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân) quyết định xóa tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết.
Liên quan đến việc công khai tài sản của các ứng cử viên làm sao để bảo đảm bí mật tài sản cá nhân, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, dù trong Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND 2015 quy định người ứng cử có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND ngoài việc công khai tại nơi thường xuyên làm việc còn phải công khai tại hội nghị cử tri theo quy định của Hội đồng bầu cử. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc giám sát kê khai tài sản, thu nhập như thế nào? việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân còn mang tính hình thức, chưa thực chất. Trong thời gian tới, rất cần có quy định hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, đã là đại biểu của nhân dân thì việc công khai tài sản là đương nhiên và phải có cơ chế kiểm tra xem có kê khai đúng không.
Nguyễn Hiền/ VOV
Nguồn: Cánh cò