Ngày 03/03/2021, tổ chức Freedom House đã công bố báo cáo Tự do trên Thế giới năm 2021, có tựa đề “Dân Chủ Bị Bao Vây”. Báo cáo cho biết năm 2020 là năm thứ 15 liên tiếp mà “quyền tự do trên toàn cầu bị suy giảm”. Không những thế, trong vòng 15 năm qua, 2020 còn là năm mà tỉ lệ các quốc gia “không tự do” đạt mức cao nhất, và là năm mà lượng quốc gia cải thiện điểm số đạt mức thấp nhất.
Đặc biệt, báo cáo này đã ghi nhận đà giảm điểm đáng kể của Mỹ và Ấn Độ – 2 quốc gia thường được xem là đồng minh trong “khối tự do”.
Cụ thể, trong năm 2020, điểm số của Mỹ đã giảm 3 điểm, từ 86 xuống còn 83; trong khi điểm số của Ấn Độ giảm 4 điểm, từ 71 xuống 67. Đà giảm điểm này còn khiến Ấn Độ bị rớt từ hạng “Tự do” xuống hạng “Bán Tự do”. Đà giảm điểm của cả Mỹ lẫn Ấn Độ đều liên quan tới việc lãnh đạo của hai quốc gia này, là cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tìm cách củng cố quyền lực chính trị dựa trên các phong trào dân túy mang màu sắc kỳ thị chủng tộc và tôn giáo.
Mức giảm điểm đáng chú ý vừa nêu cũng khiến Mỹ và Ấn Độ lọt vào top 10 quốc gia có mức giảm điểm cao nhất trong năm 2020:
Vì Ấn Độ vừa chuyển từ hạng “Tự do” xuống hạng “Bán Tự do” trong thang xếp loại của Freedom House, tỉ lệ dân số thế giới được sống ở một nước “Tự do” đã giảm xuống còn 1/5, mức thấp nhất từ năm 1995 đến hiện tại. Trong khi đó, nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump được xem là đã để lại nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho nền dân chủ đa đảng của Mỹ, mà nước Mỹ sẽ cần nhiều năm để ước lượng và khắc phục.
Trong bối cảnh này, tưởng chừng các nước dân chủ đa đảng cần tập trung khắc phục cuộc khủng hoảng trong chính nền chính trị của họ trước, để cái cây mà họ trồng không bị thối từ gốc. Dù vậy, bất chấp tình huống đáng quan ngại mà báo cáo của mình đã chỉ ra, tổ chức Freedom House vẫn khuyến khích Mỹ và các nước đồng minh cứu vãn tình thế bằng cách tăng cường can thiệp vào nền chính trị của các quốc gia khác, nhằm“thúc đẩy dân chủ”. Cụ thể, các khuyến nghị mà Freedom House đưa ra đã được mở đầu bằng những hành động can thiệp như:
– Ủng hộ các tổ chức và phong trào “đấu tranh cho dân chủ” ở nước ngoài, thông qua việc cung cấp cho họ tài chính, đào tạo, cơ hội đi tị nạn và áp lực quốc tế.
– Cung cấp kết nối xuyên biên giới cho các “nhà hoạt động dân chủ”.
– Tạo và củng cố liên minh giữa các nước dân chủ đa đảng, để gây sức ép lên các nước được xếp vào diện “Không Tự do”
– Tập trung tác động vào những quốc gia và vùng lãnh thổ đang trong giai đoạn thay đổi quan trọng – như những nơi vừa chuyển đổi thể chế như Sudan, hoặc những nơi đang gặp nhiều sức ép như Hong Kong.
Với cách nhìn này, Mỹ và các đồng minh sẽ thay đổi hẳn bản chất của cụm từ “dân chủ”. Thay vì là một cách để tổ chức nền chính trị, và một vấn đề đặt ra giữa người dân và chính quyền, “dân chủ” sẽ trở thành một khẩu hiệu để các cường quốc tranh giành ảnh hưởng, địa bàn trên trường quốc tế. Những nước nhỏ không nhận thấy mặt trái này của vấn đề có thể dễ dàng bị xé nát trong cuộc tranh giành nhân danh “dân chủ”, như những gì đã xảy ra với các nước trong cuộc cách mạng “Mùa Xuân Arab”.
VKL
Nguồn: Diễn đàn Dân chủ