Có 3 bài học trong hàng trăm ngàn bài học lịch sử phải khắc cốt ghi tâm. Bài học thứ nhất là chớ đem chuyện nhà lên trên chuyện nước giống như An Dương Vương, khiến đất nước rơi vào nghìn năm Bắc thuộc. Bài học thứ hai là chớ cậy thành cao hào sâu mà không chú trọng đến yếu tố “lòng dân” giống như Hồ Quý Ly. Và, bài học thứ ba là chớ tha hóa, biến chất đến mức rơi vào cảnh “sợ dân hơn sợ giặc” như ở cuối thời nhà Nguyễn.
Thế kỷ 21 mở ra những chân trời sáng tạo mới nhưng cũng đồng thời tiềm ẩn những biến động mới, nằm ngoài mọi sự tưởng tượng của chúng ta. Chỉ qua 2 thập niên đầu của thế kỷ 21, chúng ta đã nhiều phen giật mình với những biến động như vậy, trải dài ở nhiều phương diện khác nhau của đời sống: chính trị, khoa học, thiên tai, dịch dã… Nó đòi hỏi mỗi quốc gia, dân tộc phải có những cách ứng biến chuẩn xác, nếu không muốn phải trả giá đắt.
Trong quá trình tìm kiếm các giải pháp ứng biến, những gì xảy ra trong quá khứ liệu còn ý nghĩa gì không? Con người của thế kỷ 21 liệu có thể nhìn vào lịch sử để truy tìm những hướng đi khả dĩ cho thực tại và tương lai của mình?.
Lịch sử khác sử học
– Nhà báo Phan Đăng: Thưa giáo sư, tôi nghĩ rằng lịch sử chỉ diễn ra một lần nhưng nhận thức về lịch sử thì phải diễn ra nhiều lần và trong quá trình “nhận thức nhiều lần” đó, con người hiện đại hoàn toàn có thể soi mình vào lịch sử, để từ đó tìm ra những gói giải pháp cho thực tại. Là một nhà nghiên cứu lịch sử lâu năm, ông có đồng tình với một cách đặt vấn đề như vậy hay không?
– GS.TSKH Vũ Minh Giang: Tôi nghĩ đấy là một cách đặt vấn đề khá lí thú. Nhưng, để hiểu chuẩn xác hơn thì trước khi bàn bạc cụ thể phải phân biệt rất rõ sự khác nhau giữa lịch sử và sử học. Cái này thì những người làm ngành sử ai cũng hiểu nhưng người ngoài ngành có thể nhầm lẫn. Lịch sử là cái khách quan, cái đã diễn ra, chúng ta không thay đổi được. Chúng ta chỉ có thể dựa vào những dấu vết của nó thông qua những ghi chép, những hiện vật chôn vùi dưới lòng đất và các thông tin tản mạn để tái hiện lại mà thôi. Và toàn bộ quá trình tái hiện, nhận thức đó chính là sử học.
Mà phải nói thêm là sự tái hiện đó cũng không thể chuẩn xác tuyệt đối như những gì nó đã diễn ra. Cho nên, người làm sử không thể nói một cuốn sách lịch sử đến đây là chấm hết, đến đây là chân lí. Tôi thường nói đùa là nếu nói như vậy thì chúng ta hãy đóng tất cả các khoa lịch sử ở các trường đào tạo lại, bởi chỉ cần đọc một cuốn sách như vậy là xong. Tóm lại, phải phân biệt rất rõ sự khác nhau giữa khái niệm “lịch sử” với tư cách bản thể và khái niệm “sử học” với tư cách nhận thức.
– Khía cạnh mà chúng ta đang đề cập là “sử học”?
– Đúng rồi! Nhà sử học Trung Quốc Hạ Tăng Hựu, thầy của những người học trò nổi tiếng như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi đã viết cuốn “Trung Quốc cổ đại sử”, trong đó có một câu rất hay: “Trí mạc đại ư tri lai”, nghĩa là nhiệm vụ của trí thức không có gì lớn lao hơn là biết được tương lai. Câu tiếp theo là: “Lai hà dĩ năng tri/ Cứ vãng dĩ suy/ Cố hữu sử học giả”, tức là những chuyện còn ở tương lai làm sao mà biết, chẳng qua là căn cứ vào dĩ vãng để suy ra đấy thôi, vì vậy mới cần đến nhà sử học. Khoa học lịch sử chính là xây dựng một hệ dữ liệu để có thể góp phần lý giải những gì đang diễn ra và dự báo được những gì sẽ xảy ra.
– Tôi muốn chúng ta thử bàn về một câu chuyện cụ thể, đó là việc phòng chống COVID-19 ở Việt Nam. Rõ ràng đây là câu chuyện của thời hiện đại 100% nhưng câu chuyện hiện đại này có khiến một nhà làm sử như ông ngẫm nghĩ về những sợi dây liên kết nào đó với quá khứ hay không? Liệu có quá lời không nếu nói rằng chúng ta phòng, chống dịch không chỉ bằng sự vào cuộc của một hệ thống chính trị, không chỉ bằng những giải pháp y tế, mà bằng cả những đặc điểm lịch sử truyền thống nào đó của người Việt Nam?
– Bạn hãy nhớ lại giai đoạn chúng ta phải cách li xã hội triệt để trên diện rộng để phòng, chống dịch. Lúc đó Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi người dân “Chống dịch như chống giặc”. Tôi cho rằng, khẩu hiệu ấy đã khơi dậy truyền thống văn hóa vốn có của người Việt Nam. Coi “dịch” như “giặc” thì không khác gì một lời hiệu triệu toàn dân khi Tổ quốc lâm nguy. Mỗi khi tình thế như vậy xuất hiện thì người Việt luôn quyết liệt gồng mình lên ứng phó.
Trong lịch sử, người Việt thường xuyên phải đối phó với giặc ngoại xâm, bởi nằm trong một vùng địa chiến lược rất quan trọng. Đặc điểm này giải thích tại sao trong khẩu ngữ của người Việt, từ “chết” và “loạn” lại xuất hiện nhiều đến thế: nào là “chết rồi”, nào là “thôi chết rồi”, nào là “chết tôi rồi” hay chỉ vì một chuyện không lấy gì làm to tát vẫn có thể nói “thế có mà loạn à”… Đôi khi chỉ đơn giản là quên cái chìa khóa, hay nhỡ một chuyến xe, người Việt cũng hay thốt lên “thế có chết không”.
Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, người Việt đã quá nhiều lần bị đẩy vào những tình huống một sống hai chết và quá hiểu là trong những tình huống đó, mình phải làm gì để tồn tại. Cho nên, khi xuất hiện lời hiệu triệu “chống dịch như chống giặc” thì không ai bảo ai, toàn dân ngăn nắp, xếp hàng một tức thời. Như thế có nghĩa chúng ta đang giải quyết một vấn đề hiện tại không chỉ bằng những giải pháp của hiện tại, mà bằng cả chiều sâu văn hóa của mình.
Nếu dám ngồi lên đầu lên cổ nhân dân thì…
– Theo tôi, khai thác những đặc tính lịch sử để cấu tạo những gói giải pháp cho thực tại là câu chuyện đòi hỏi tầm vóc và sự tinh tế vô cùng. Bởi có khi nó đem đến hiệu quả, như câu chuyện chống dịch bệnh mà chúng ta vừa phân tích, nhưng không cẩn thận nó có thể dẫn đến tác dụng ngược. Chẳng hạn như khi đọc sử, cá nhân tôi rất trằn trọc với câu chuyện Hồ Quý Ly lấy ngôi nhà Trần. Tôi nghĩ là khi thực hiện hành động mang tính bước ngoặt này, Hồ Quý Ly cũng đã nhìn vào lịch sử, đó là giai đoạn cuối thời Lý, khi triều chính cũng xuống dốc và các vị vua cuối triều Lý cũng yếu đuối hệt như những vị vua cuối triều Trần. Khi đó, Trần Thủ Độ đã nổi lên, thực hiện hàng loạt thủ đoạn chính trị để giành lấy ngôi từ tay nhà Lý. Đến thời của mình, khi trở thành nhạc phụ của vua Trần Thuận Tông, rồi ông ngoại của Trần Thiếu Đế, có lẽ Hồ Quý Ly cũng nghĩ rằng: tại sao mình lại không thể trở thành một Trần Thủ Độ thứ hai? Tại sao lịch sử lại không thể lặp lại theo đúng quy luật của nó? Nhưng, cái kết cục mà Trần Thủ Độ và Hồ Quý Ly tạo ra cuối cùng lại khác nhau một trời một vực. Càng ngẫm nghĩ hiện tượng này, tôi càng nghĩ rằng, việc nhìn vào lịch sử là tốt nhưng lại phải đặt những câu chuyện và những bài học lịch sử vào đặc tính của thời đại mình đang sống một cách tinh tế. Xin nhấn mạnh, tôi chỉ là một người đọc sử nghiệp dư và luôn xác định rằng những ý nghĩ của mình có thể rất sai. Ông là một nhà làm sử chuyên nghiệp, xin ông lý giải giúp tôi hiện tượng này.
– Cách nghĩ của nhà báo rất lý thú và gợi cho tôi nhiều ý tưởng. Trước hết, tôi muốn nói rằng những bài học lịch sử không chỉ là những bài học thành công mà còn có cả những bài học thất bại. Việc áp dụng một bài học lịch sử vào hiện tại không chỉ rơi vào một trong hai trường hợp: hoặc là phù hợp, hoặc không phù hợp, mà có thể rơi vào trường hợp phù hợp nhưng chỉ ở một giai đoạn nhỏ nào đó của hiện tại chứ không phải là tất cả.
Trong câu chuyện giữa Trần Thủ Độ và Hồ Quý Ly mà nhà báo đặt ra, có thể cả nhà Trần lẫn nhà Hồ đều giống nhau ở giai đoạn giành ngôi vị, nhưng lại khác nhau ở giai đoạn sau khi cướp ngôi. Tôi nói thế là bởi sau khi có được quyền lực, nhà Trần đã tạo dựng một thiết chế nhà nước có liên hệ mật thiết với các làng xã, dựa vào nhân dân.
Tôi cho rằng tổ chức bộ máy nhà nước thời Trần có đặc trưng Việt Nam hơn bất cứ triều đại quân chủ nào. Trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức, mà các nhà sử học gọi là “tập quyền thân dân” mới sinh ra những nhân vật lịch sử lỗi lạc như Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo. Còn Hồ Quý Ly lại rất khác. Chúng ta không nghi ngờ lòng yêu nước và quyết tâm chống giặc của ông nhưng sau khi có được quyền lực, Hồ Quý Ly lại ra sức xây dựng một đội quân thường trực 1 triệu người, dựng thành kiên cố, chế tạo vũ khí hiện đại (pháo thần cơ, thuyền cổ lâu, xây thành Tây Giai…). Và ngay lúc đó, một vị tướng giỏi, con trai ông, Tả tướng Hồ Nguyên Trừng đã nói: “Đánh thần không sợ, chỉ sợ lòng dân không theo”.
– “Nhân họ Hồ chính sự phiền hà/ Để trong nước lòng dân oán hận” – Nguyễn Trãi, một người từng làm quan nhà Hồ, sau này cùng Lê Lợi đánh giặc Minh đã viết về nhà Hồ như vậy!
– Trong lịch sử quân chủ Việt Nam, làm gì có ai xây dựng được một tòa thành kiên cố như nhà Hồ. Lại có cả cổ lâu thuyền, súng thần cơ, nghĩa là những thứ vũ khí tối tân hơn cả vũ khí nhà Minh. Ấy vậy mà chỉ sau 6 tháng nhà Hồ để mất nước, đến mức cha con Hồ Quý Ly còn bị bắt sang Trung Quốc. Dựa vào thành quách kiên cố, vũ khí tối tân, quân đội hùng mạnh nhưng lại không có được lòng dân thì kết cục ấy là tất yếu. Nếu học theo cách nhà Trần thì phải “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc”, phải dựa vào dân chứ. Cho nên việc áp dụng các bài học lịch sử còn phải được xem xét ở nhiều khía cạnh như: áp dụng trọn vẹn hay bộ phận? Áp dụng máy móc hay sáng tạo? Áp dụng cái cốt lõi bản chất hay cái hình thức bên ngoài?
– Chúng ta đều biết nhà Trần đánh quân Nguyên Mông bằng chiến thuật “vườn không nhà trống” và tôi nghĩ điều kiện tiên quyết để thực hiện “vườn không nhà trống” là phải có được lòng dân!
– Đúng là như thế! Bài học sức mạnh của dân sau đó còn được thể hiện rõ nét ở cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Khi Lê Lợi khởi sự chỉ có hai bàn tay trắng, bị quân Minh truy đuổi tới mức có lúc phải cùng đường chạy lên núi, thế mà cuối cùng vẫn thu phục được giang sơn. Là bởi đâu? Bởi thành quách kiên cố, vũ khí tối tân, quân đội ưu việt ư? Không! Là do nghĩa quân có được lòng dân. Câu chuyện “lòng dân” mà ta đang nói tới ở đây không chỉ đúng một cách chung chung, nguyên tắc, mà đặt vào bối cảnh lịch sử của riêng Việt Nam còn có những nét rất đặc thù.
Người Việt Nam ở trong một môi trường luôn phải ứng phó với những thử thách lớn hơn sức chịu đựng của mình. Cho nên, để vượt qua những giờ phút hoạn nạn, người Việt bắt buộc phải tựa vào nhau, trên dưới một lòng để tạo ra sức mạnh hơn những gì mình vốn có. Nghiên cứu các triều đại lịch sử Việt Nam, tôi thấy rằng triều đại nào có một chút thành công mà nghĩ rằng mình có thể ngồi lên đầu lên cổ nhân dân thì thất bại sẽ đến tức thời. Anh nhớ lịch sử nhà Nguyễn với ông vua đầu triều Gia Long chứ?
– Vâng! Đấy là ông vua đầu tiên tạo ra một đất nước nhất thống có lãnh thổ liền mạch, khẳng định vững chắc chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đến thời vua Minh Mạng thì thậm chí còn mở rộng cương giới đất nước và còn tạo ra tầm ảnh hưởng rất lớn trong khu vực, thế mà sau đó…
– Khi Gia Long thu phục giang sơn vào năm 1802, ông đã đánh tan tác quân Tây Sơn, truy cùng diệt tận từng người không còn đường chạy. Sau đó đất nước mà ông trị vì trở thành một cường quốc ở Đông Nam Á, đến mức tổng thống thứ ba của Hợp chủng quốc Hoa Kì là Thomas Jefferson cử phái bộ sang xin kí hiệp định thương mại mà ông còn không kí. Robert Hopkins Miller đã kể lại trong cuốn sách “The Relation of United States and Vietnam 1787-1941” rằng nửa đầu thế kỉ XIX, Đại Nam là một đế chế hùng mạnh. Nghĩ rằng đế chế của mình không ai có thể đụng đến nên nhà Nguyễn sau đó có nhiều biểu hiện quay lưng lại với dân. Vì thế bắt đầu xuất hiện những cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ, sau đó cứ tăng dần và đến cuối thời Nguyễn thì mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân đã ở trạng thái đối kháng gay gắt. Vì vậy, trong hồi kí của mình, ông Trần Huy Liệu đã đưa ra nhận định: “Một trong nhưng nguyên nhân mất nước dưới thời nhà Nguyễn là do triều đình sợ dân hơn sợ giặc”.
Nhìn lại tất cả những câu chuyện nói trên, tôi cho rằng đối với những nhà cầm quyền Việt Nam, xưa cũng thế, nay cũng thế, sau này cũng thế, có 3 bài học trong hàng trăm ngàn bài học lịch sử phải khắc cốt ghi tâm. Bài học thứ nhất là chớ đem chuyện nhà lên trên chuyện nước giống như An Dương Vương, khiến đất nước rơi vào nghìn năm Bắc thuộc. Bài học thứ hai là chớ cậy thành cao hào sâu mà không chú trọng đến yếu tố “lòng dân” giống như Hồ Quý Ly. Và, bài học thứ ba là chớ tha hóa, biến chất đến mức rơi vào cảnh “sợ dân hơn sợ giặc” như ở cuối thời nhà Nguyễn.
Không sợ cái mới
– Từ câu chuyện nhà Nguyễn để mất nước vào tay thực dân Pháp, tôi nghĩ còn một bài học căn cốt nữa, đó là bài học về việc ứng xử với cái mới. Giữa thế kỷ XIX, khi người Pháp tới đây thì nhà Nguyễn phải đối diện với một kẻ thù khác xa tất cả những kẻ thù trước đây của mình và lịch sử cho thấy triều đại này đã ứng xử không đúng với “cái mới”.
Mỗi lần nghĩ đến điều này, tôi thường nghĩ về cách ứng xử với “đối thủ” mới của người Nhật. Ở thời kỳ đó, khi chiến hạm đầu tiên của Mỹ do Phó Đề đốc Perry chỉ huy đến gây sự với nước Nhật thì học giả Fukuzawa Yukichi lại thốt lên một câu nổi tiếng: “May thay, Phó Đề đốc Perry đã đến”. Không phải vì ông không yêu nước, mà vì ông và những người cấp tiến như ông hiểu rằng, chính nhờ pháo hạm này mà người Nhật nhận ra: mình đang thấp kém hơn đối thủ và thấp kém hơn thời đại cả một thế kỷ văn minh.
Cho nên, bước đầu phải nhượng bộ để học hỏi, rèn luyện và phát triển quốc gia theo phương thức mới. Đến một lúc nào đó, mình mạnh thật sự thì mới quay lại nói chuyện với những kẻ đã bắt nạt mình và đòi lại tất cả những gì đã mất.
Thưa giáo sư, ở đây tôi tuyệt đối không có ý so sánh cách ứng xử của ta và Nhật thời điểm đó, tôi cũng tuyệt đối không dám “bắn súng lục vào quá khứ”, vì tôi hiểu là suy cho cùng mọi diễn biến lịch sử đều có những lý lẽ riêng và tính tất yếu riêng của nó.
Nói đến những điều này, tôi muốn qua lăng kính lịch sử để cùng thử nhìn ra những bài học về cách “ứng xử với cái mới” của chính chúng ta ngày hôm nay. Thế kỷ 21 với sự lên ngôi của trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn dự báo sẽ có rất nhiều yếu tố mới mẻ, khôn lường ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau đổ vào các quốc gia. Do vậy, xây dựng một nhãn quan, phác thảo một thái độ, xác lập một phương pháp có tính chất tối ưu trong mối tương tác với cái mới là điều vô cùng cần thiết. Sợ cái mới đến mức đóng cửa với nó, thậm chí coi nó như cái thù địch là điều chắc chắn không lặp lại. Nhưng, chậm chạp ứng biến với nó, chậm chạp trong việc thử nghiệm một phần nào của nó, mà vẫn không làm ảnh hưởng tới sự phát triển cốt lõi của mình, rất có thể sẽ khiến một quốc gia tụt hậu. Giáo sư nghĩ gì về điều này?
– Đồng ý với anh là ở đây chúng ta không đặt vấn đề phê phán một con người, một triều đại cụ thể trong lịch sử, mà từ đó phải bàn những vấn đề rộng lớn hơn. Nếu nhìn vào lịch sử và văn hóa truyền thống, có thể thấy bên cạnh muôn vàn cái hay, những điều kỳ diệu, trong đó có khả năng giỏi thích ứng với hoàn cảnh và rất thông minh trong tiếp thu, tiếp biến những giá trị ngoại lai… thì chúng ta cũng phải thẳng thắn nói với nhau rằng người Việt có không ít hạn chế do đặc điểm của nông dân làng xã, chủ yếu sống trong lũy tre làng và làm nghề trồng lúa nước. Một trong những nhược điểm cố hữu là tầm nhìn hạn hẹp.
Các trí thức thường nói đùa với nhau rằng điều này không chỉ có trong một nhóm người cụ thể nào, mà có trong anh, trong tôi, trong tất cả chúng ta. Trong quá khứ, khi sinh ra, mỗi người Việt Nam đều đeo trên cổ mình 3 chữ “N” vô hình nhưng hiện hữu, đó là Nông dân – Nông nghiệp – Nông thôn. Và, không thể nói là ngày hôm nay chúng ta đã hoàn toàn rời xa được 3 chữ “N” này. Cho nên, mặc dù giỏi tiếp thu, ứng biến khi bị thả vào những hoàn cảnh mới nhưng ở trong tư thế chủ động chọn lựa thì chúng ta thường ngại thay đổi và dễ hài lòng với những gì mình đang có.
Cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp đến, chủ nghĩa thực dân xuất hiện thì triều đình nhà Nguyễn đã mắc 2 sai lầm sau đây: Một là, rất chủ quan với những gì mình đang có. Hai là, khi có những ý kiến đề đạt phải thay đổi thì nó lập tức bị cô lập.
Bây giờ nhìn lại, ta thấy tư tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ lúc đó cũng không khác mấy so với Fukuzawa của Nhật nhưng những đề xuất ông gửi lên triều đình đều bị chặn lại, trước hết là bởi các đại trí thức Nho học bảo thủ đương thời. Mà nhân đây tôi cũng muốn nói, giai đoạn đó không riêng gì Nhật Bản, ngay cả Thái Lan cũng ứng xử với cái mới khá mềm dẻo để bảo vệ và phát triển quốc gia.
Một ví dụ nho nhỏ: Họ đã cho thương thuyền của các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… vào mình một cách chủ động. Tất cả đều có mặt nên rốt cuộc, không ai có thể độc chiếm cho mình. Làm như thế họ cũng phải nín nhịn rất nhiều. Nhưng, tính cách “ngoại giao cây sậy” là như vậy, hễ gió đến thì rạp xuống, hết gió lại đứng thẳng lên. Tất nhiên, Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan có vị trí địa lý khác nhau, đặc tính dân tộc khác nhau, nên không thể lấy bất cứ ai ra làm chuẩn. Nhưng, chúng ta đang bàn tới khía cạnh ứng xử với cái mới và vì thế cần tham khảo những nước xung quanh, ở cùng thời điểm đã ứng xử với cái mới như thế nào.
– Một nhà nghiên cứu văn hóa nói rằng, trước cái mới, Việt Nam chỉ học những gì mình muốn học, chứ không học một cách toàn vẹn, cốt lõi. Tư duy “đi tắt, đón đầu” có lẽ sinh ra từ đặc tính này. Nhưng, thế kỷ 21 với những đòi hỏi lớn về phát triển bền vững có lẽ không còn đất cho kiểu học hỏi, tiếp biến này?
– Anh làm tôi nhớ đến một kỷ niệm diễn ra vào giữa những thập niên 80, khi tôi là nghiên cứu sinh ở Nga, đã được học ở một ngôi trường danh tiếng là Lomonosov. Khi tôi bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học thì cũng có chút hãnh diện nên đã hỏi thầy mình: “Thưa thầy, giữa nghiên cứu sinh Nhật Bản và nghiên cứu sinh Việt Nam thì ai hơn?”.
– Với chút hãnh diện vừa kể chắc ông đang đợi câu trả lời là “nghiên cứu sinh Việt Nam”?
– (Cười lớn…) Thầy tôi trả lời như sau: “Chẳng ai hơn ai. Nhưng khác nhau thì có”. Thầy tôi có thói quen hướng dẫn là luôn để cho nghiên cứu sinh phải chủ động, khi nào trong quá trình tìm tòi nghiên cứu, tập hợp đủ 10 vấn đề cần hỏi thì thầy mới cho gặp. Qua cách làm này, thầy phát hiện ra sự khác biệt giữa nghiên cứu sinh Nhật và Việt. 10 câu hỏi của nghiên cứu sinh Nhật Bản bao giờ cũng xoay quanh một vấn đề lớn, nghĩa là họ khai thác vấn đề lớn một cách chi tiết, tỉ mỉ. Còn 10 câu hỏi của nghiên cứu sinh Việt Nam lại thường trải dài trên những vấn đề rất khác nhau. Có nghiên cứu sinh Việt Nam hỏi được vài câu rồi quay sang hỏi thầy: Thưa thầy, em đang hỏi đến câu thứ mấy rồi ạ? Có nghĩa là sự chuẩn bị cho buổi gặp cũng chưa thật kỹ càng, nghiêm túc (Cười lớn…). Tôi luôn kể điều này cho đồng nghiệp, học trò của mình nghe để chúng ta cùng nhau thay đổi.
– Xin cảm ơn ông!
“Một dân tộc sao có thể hình thành bản sắc văn hóa trong một ngày! Bản sắc ấy hình thành qua nhiều ngày, nhiều quá trình và đó chính là lịch sử. Cho nên, lịch sử là chìa khóa vàng giúp một dân tộc tự nhận thức được mình là ai. Một chính khách từng nói câu nổi tiếng: “Nếu một người lớn lên mà không biết về lịch sử thì không khác gì một đứa trẻ lớn lên trong trại trẻ mồ côi, không biết bố mẹ mình là ai, quê quán mình ở chỗ nào”.
“Nếu coi lịch sử là một phòng thí nghiệm thì nó khác tất cả những phòng thí nghiệm khác ở 2 điểm. Một, tất cả những đối tượng tham gia vào phòng thí nghiệm đó đều là thật: người thật, việc thật, cười thật, khóc thật. Hai, những cái giá phải trả ở phòng thí nghiệm đó chính là xương máu của không biết bao nhiêu con người, bao nhiêu thế hệ. Cho nên, những kết luận – những bài học được đúc rút từ một phòng thí nghiệm đặc biệt như vậy lại không được nghiền ngẫm đúng mức thì vô cùng lãng phí”.
Phan Đăng
Nguồn: Cánh cò