Quốc hội khóa XIV sắp hoàn thành nhiệm vụ, Quốc hội khóa XV sắp được bầu ra. Đây cũng là thời điểm mà các “mõ làng” trong giới “dân chủ” ráo riết phát ra những tiếng loa rè chống phá hoạt động của Quốc hội.
Tiếng loa rè của “mõ làng dân chủ”
RFA là một trong những trang mạng thường xuyên tung ra những bài viết, bình luận, video … có nội dung sai lệch, tiêu cực, xuyên tạc tình hình tại Việt Nam. Núp dưới danh nghĩa hoạt động báo chí, thúc đẩy tự do ngôn luận, nhưng thực chất RFA lại là kẻ đứng sau các hoạt động chống phá, tung hứng trong các “cuộc chơi” mang danh “dân chủ”, “nhân quyền” nhằm bôi nhọ, hạ bệ uy tín, hình ảnh của Việt Nam.
Gần đây, khi Quốc hội khóa XIV của Việt Nam sắp kết thúc nhiệm kỳ, khi mà công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV đang được tích cực chuẩn bị, RFA lại tiếp tục bổn soạn cũ. Bài viết “Những món nợ mà Quốc hội khóa XIV nợ dân”, thông qua thủ đoạn phỏng vấn các “con buôn dân chủ” như Nguyễn Đình Cống, Nguyễn Quang A …, RFA đã lồng ghép những thông tin, nhận định mang tính cá nhân, quy chụp, phủ nhận thành công của Quốc hội khóa XIV. Như “Quốc hội khóa XIV có hoàn thành nhiệm vụ của đất nước và nhân dân như lời bà Nguyễn Thị Kim Ngân? Hay chỉ hoàn thành nhiệm vụ được đảng giao phó?”, “Quốc hội khóa XIV để lại hai món nợ lớn với nhân dân, món nợ thứ nhất thuộc về chức năng lập pháp, món nợ thứ hai thuộc chức năng giám sát”… Thậm chí, RFA cũng không quên đánh võng sang vụ án Đồng Tâm, vụ án Hồ Quy Hải để từ đó tạo cớ quy chụp, xuyên tạc vai trò của Quốc hội.
Những thành tựu lớn của Quốc hội khóa XIV
Trong suốt 5 năm qua, dù có không ít biến động nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng Quốc hội khóa XIV đã thành công tốt đẹp. Như đánh giá của Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV rất trọn vẹn.
Trước hết, về chức năng lập pháp, 5 năm qua, Quốc hội đã ban hành hơn 70 Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết, qua đó tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Trong đó, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như: Bộ Luật hình sự (sửa đổi, bổ sung 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung 2017), Luật An ninh mạng (2018), Luật Phòng, chống tham nhũng (2018), Luật Tố cáo (2018), Luật Quốc phòng (2018), Luật Đầu tư công (2019) …
Về chức năng giám sát, thông qua các cơ quan chuyên trách như Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và Ðại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Đặc biệt, thông qua những phiên chất vấn sôi nổi, rõ ràng, thẳng thắn giữa các đại biểu Quốc hội với lãnh đạo Chính phủ, Bộ, Ngành, có thể thấy những vấn đề nóng, cấp thiết của xã hội đã được đưa đến nghị trường một cách nhanh chóng. Đặc biệt, đúng như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhận định, “Phản biện sâu sắc, chọn đúng và trúng vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm. Chọn đúng những điểm mà đất nước cần tháo gỡ để phát triển đi lên. Đó là những thành tựu, những dấu ấn mà chúng ta phải đánh giá sâu sắc để lại những bài học kinh nghiệm cho Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới và phát triển hơn”.
Về chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội khóa XIV đã thông qua nhiều quyết sách lớn, quan trọng như: Nghị quyết về tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA); Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Xóa bỏ lao động cưỡng bức …
Trong suốt thời gian vừa qua, có thể thấy Quốc hội khóa XIV đã ghi đậm dấu ấn trong quần chúng nhân dân. Từng hơi thở của cuộc sống đã được thể hiện trong nghị trường. Dĩ nhiên, một số Dự án luật theo kế hoạch chưa được thông qua nhưng đây là nguyên nhân khách quan. Việc chưa thông qua một số Dự luật là để đảm bảo luật được xây dựng một cách hoàn chỉnh, toàn diện, tránh sự nóng vội, chủ quan. Nhìn chung, Quốc hội XIV đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó. Việc phủ nhận những thành tựu của Quốc hội XIV là thủ đoạn gây nhiễu tình hình, chống phá đất nước, cần phải kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn.
Bảo An
*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả
Nguồn: Cánh cò