Theo một số cựu Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), việc ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM không ứng cử ĐBQH khóa XV là điều bình thường.
Tại nhiều nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, thông thường, các Ủy viên Bộ Chính trị nói chung và người giữ chức Bí thư Thành ủy của hai thành phố Hà Nội, TP.HCM nói riêng đều tham gia Quốc hội đồng thời giữ chức Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội.
Tại kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã không tái ứng cử ĐBQH (ông đang là ĐBQH khóa XIV), có thể nói đây trường hợp ít gặp trong các khóa Quốc hội gần đây.
Nhìn nhận về việc này, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng: Việc một Ủy viên Bộ Chính trị hoặc Ủy viên Trung ương Đảng không ứng cử ĐBQH là bình thường. Không phải cứ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM phải tham gia Quốc hội. Thời gian qua tại nhiều tỉnh, thành, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy cũng không tham gia Quốc hội.
Theo ông Lê Việt Trường, tại nhiều nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, thông thường, các Ủy viên Bộ Chính trị nói chung và người giữ chức Bí thư Thành ủy của hai thành phố Hà Nội, TP.HCM đều tham gia Quốc hội đồng thời giữ chức Trưởng Đoàn ĐBQH.
Việc một Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy tham gia Quốc hội và giữ chức Trưởng Đoàn cũng có thuận lợi công tác lãnh đạo, chỉ đạo và mang tính chất toàn diện. Tuy nhiên nhìn ở khía cạnh khác thấy cũng có những điều khá bất cập, bởi một người được giao đảm nhiệm nhiều trọng trách thì họ sẽ vất vả.
Đối với TP.HCM có đặc thù là dân số đông nhất cả nước, là trung tâm kinh tế và là cực tăng trưởng đứng đầu cả nước, do đó Bí thư Thành ủy TP.HCM có trọng trách vô cùng nặng nề. “Chuyện Bí thư có tham gia được Quốc hội là tốt nhưng không tham gia được cũng không vấn đề gì, bởi sẽ có người khác trong cấp ủy tại đây tham gia”, ông Trường nói.
Đồng quan điểm với ông Trường, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII) và ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa cũng cho rằng: Việc Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy không tham gia Quốc hội cũng là bình thường. Khi đó họ sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ trong phát triển địa phương.
Ông Lê Văn Cuông nói thêm, qua các khóa Quốc hội, khi tổng kết nhiệm kỳ, các ĐBQH kiến nghị giảm đại biểu ở bên Đảng và bên chính quyền để tăng ĐBQH ở các đoàn thể, tổ chức, đặc biệt là tăng ĐBQH chuyên trách.
Minh Ngọc
Nguồn: Cánh cò