Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và lây lan trong cộng đồng ngay trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 khiến cho nhiều hoạt động nghệ thuật biểu diễn dù đã lên kế hoạch trước đó đã bị hoãn lại. Nhưng ngay sau khi dịch được khống chế, các nhà hát lại tiếp tục thực hiện những kế hoạch còn dang dở, sân khấu Thủ đô lại sáng đèn phục vụ khán giả…
Đồng loạt đỏ đèn
Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc khởi động biểu diễn trở lại, cuối tuần qua, Nhà hát Múa rối Việt Nam (361 Trường Chinh, Hà Nội) đã có 3 buổi diễn thành công với hai chương trình nghệ thuật mới “Trăng đất Việt” và “Con yêu mẹ”, thu hút được đông đảo khán giả thiếu nhi đến tham gia. Tới đây, theo dự kiến, vào ngày 25/3 và 26/3, Nhà hát Múa rối Việt Nam sẽ tiếp tục biểu diễn phục vụ khán giả.
Tối 12/3, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã có một buổi trình diễn thành công buổi hòa nhạc với chủ đề “Hy vọng” tại Nhà hát Lớn Hà Nội, mở màn cho mùa diễn 2021. Chương trình đã đem đến những tác phẩm, trích đoạn tác phẩm của các nhà soạn nhạc Việt Nam và quốc tế thể hiện tinh thần đoàn kết, sự lạc quan, niềm tin và hy vọng vượt qua thách thức của dịch COVID-19, ổn định đời sống và phát triển. Đó là bản giao hưởng “Hy vọng” (Đỗ Hồng Quân), “Song my mother taught me” (Dvorak), “Intermezzo” trong vở opera “Cavalleria Rusticana” (Mascagni), “Parigi o cara” trong vở opera “La Traviata” (Verdi), “Nessun Dorma” trong vở opera “Turandot” (Puccini), “Enigma Variations” (Elgar). Chương trình do nhạc trưởng Honna Tetsuji chỉ huy, cùng với sự tham gia của các nghệ sỹ Bùi Thị Trang (soprano), Thế Tùng Lâm (tenor) và các nghệ sỹ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
Đây là chương trình mở màn cho mùa diễn 2021-2022 có phần muộn màng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, Dàn nhạc cũng đã có một kế hoạch biểu diễn cả năm với hàng chục chương trình lớn kéo dài từ tháng 3/2021 đến tháng 1/2022. Trong mùa diễn năm 2021, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ tập trung thực hiện các chương trình hòa nhạc trực tiếp tại sân khấu và trực tuyến qua kênh Youtube, Facebook với nhiều thể loại. Cách làm này sẽ được duy trì cả trong những năm sau nhằm giới thiệu các tác phẩm âm nhạc chất lượng của các nhà soạn nhạc nổi tiếng quốc tế và Việt Nam đến với công chúng. Từ đó, giúp công chúng hiểu rõ hơn về nhạc giao hưởng.
Sau thời gian tạm dừng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, tối 13/3, Nhà hát Tuổi trẻ đã “sáng đèn” trở lại với chương trình ca nhạc – hài kịch “Thank xuân 21”. Chương trình sử dụng nhiều bài hát bắt kịp xu hướng thời đại cùng với chất liệu âm nhạc hiện đại từ EDM, Wold Music đến Reggae, với RnB, Chill Out tạo nên sự mới lạ, bùng nổ kết hợp cùng những vở hài kịch vui nhộn, đặc sắc, hấp dẫn với nhiều gương mặt nổi tiếng và có phong vị rất riêng của Nhà hát Tuổi Trẻ.
Với chương trình ca nhạc – hài kịch “Thank xuân 21”, khán giả được gặp lại những giai điệu sôi động mang tinh thần phóng khoáng của tuổi trẻ qua các ca khúc “hot” như: Thanh xuân của chúng ta (Châu Đăng Khoa), Đúng người đúng thời điểm (Thanh Hưng), Thích rồi đấy (Khắc Hưng), Sống trẻ từng giây (Huỳnh Hiển Năng), Có không giữ, mất đừng tìm (Bùi Công Nam), Em không sai, chúng ta sai (Nguyễn Phúc Thiện), Trên tình bạn, dưới tình yêu (Khắc Hưng)… Các bài hát kết hợp với những màn vũ đạo đặc sắc tạo không khí sôi động, tươi trẻ cho các tiết mục biểu diễn.
Đan xen giữa các tiết mục âm nhạc là tiểu phẩm hài “Chiếc hòm bí mật” do Nghệ sỹ ưu tú Chí Trung làm đạo diễn. Tiểu phẩm xoay quanh một người đàn ông sống khổ sở 20 năm cạnh bãi rác để chờ đợi ân nhân và gửi trả chiếc hòm bí mật. Nghĩ có thứ quý giá trong đó, người con trai dự định lấy cắp chiếc hòm của bố nhưng không thành. Vị ân nhân cuối cùng cũng xuất hiện nhưng sự thật về chiếc hòm, về ơn cứu mạng đã được hé lộ đầy bi – hài…
Nghệ sỹ ưu tú Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, đây là một chương trình rất ý nghĩa đầu năm mới, nhưng vì lý do dịch bệnh nên đã phải nhiều lần lùi thời gian công diễn, cho đến thời điểm hiện tại khi nhà hát mở cửa trở lại. “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi chương trình nhận được sự ủng hộ của khán giả. Chương trình với tiêu đề “Thank Xuân 21″ với mong muốn mang đến không khí xuân và năng lượng của tuổi trẻ cho khán giả, để đóng góp cho xã hội trở về trạng thái bình thường mới”, Nghệ sỹ ưu tú Cao Ngọc Ánh chia sẻ.
Ngoài tiểu phẩm hài, Nhà hát Tuổi Trẻ còn giới thiệu với công chúng vở kịch ngắn “Thank xuân và Kiều” với đầy những thể nghiệm mới mẻ. Đây là vở kịch ngắn do đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer dàn dựng cho Nhà hát Tuổi Trẻ từ kịch bản lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” của biên kịch trẻ Hoàng Trang. Tiểu phẩm có sự tham gia của các diễn viên: Thu Quỳnh, Huy Hoàng, Du Ka, Phan Thắng, Hoàng Minh, Hoàng Trang, Thanh Huyền, Anh Tú…
Trong khi đó, Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam khai xuân tại Cung Văn hoá hữu nghị Việt Xô với chương trình biểu diễn nhân kỷ niệm 70 năm Báo Nhân Dân ra số đầu, tiếp nối là chương trình nghệ thuật tưởng nhớ 20 năm ngày nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ra đi dự kiến diễn ra vào ngày 29/3 và 30/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Rạp Đông Kinh (79 Hàng Trống, Hà Nội) của Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam cũng sẽ mở lại phục vụ khách đi bộ từ 20/3.
Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa kịp khai trương suất diễn đầu tiên vào 13/3 tại phố cổ Hà Nội. Rạp Xiếc Trung ương cũng mở cửa đón khán giả trở lại sân khấu tròn 67-69 Trần Nhân Tông, Hà Nội từ ngày 14/3 với chương trình “Trâu vàng du xuân” hấp dẫn. Nhiều tiết mục xiếc người, xiếc thú, hề, ảo thuật đặc sắc được các nghệ sỹ xiếc cháy hết mình cống hiến cho khán giả… Nhà hát Kịch Việt Nam dự kiến sẽ biểu diễn vở “Ngũ hổ tướng” vào ngày 30/3.
Sân khấu sẽ không ngừng sáng tạo
Cùng với việc kéo khán giả trở lại với sân khấu trong thời điểm này, các đơn vị nghệ thuật vẫn không ngừng tìm tòi, thử nghiệm, sáng tạo để cho ra mắt những sản phẩm, chương trình nghệ thuật mới, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khán giả, vừa nỗ lực tập luyện để nâng cao chất lượng nghệ thuật.
Theo đạo diễn, Nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát đang hướng tới việc đa dạng hóa các sản phẩm nghệ thuật để phục vụ nhiều đối tượng khán giả đến xem múa rối. Bên cạnh đó, Nhà hát vẫn mong muốn và không ngừng nỗ lực trong các hoạt động để có thể đưa rối vào các sân khấu học đường một cách chiến lược, bài bản, dài hơi. “Với đối tượng khán giả nhỏ tuổi, chúng tôi lấy giá rất thấp bởi xác định đây không phải để kiếm doanh thu mà là đối tượng để chúng ta gửi gắm, gìn giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống”, nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Nghệ sỹ nhân dân Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, bên cạnh việc tổ chức các chương trình biểu diễn phục vụ khán giả theo lịch, các nghệ sỹ xiếc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam và của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cũng đang nỗ lực tập luyện để tham gia Liên hoan tài năng Xiếc toàn quốc tại Hà Nội do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức vào tháng Tư tới.
Nghệ sỹ ưu tú Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cũng chia sẻ, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, chắc chắn nghệ thuật biểu diễn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, nhưng không vì thế mà nghệ sỹ nản lòng. Riêng với bản thân Xuân Bắc, sau thành công của vở diễn Đêm trắng, tác phẩm ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh vẫn đang ấp ủ nhiều dự định mới và hy vọng sẽ sớm được giới thiệu đến công chúng trong tương lai gần.
Không chỉ các đơn vị công lập, mà sân khấu tư nhân cũng vẫn tiếp tục các dự án sân khấu mới. Ngày 15/3, Sân khấu kịch Lệ Ngọc đã tổ chức lễ khởi công hai vở diễn đầu tiên của năm 2021 mang tên “Dế Mèn” và “Làm Vua”. Đây là hai vở diễn chuyển tải nhiều dấu ấn văn hóa đặc sắc của người Việt. Theo đó, “Dế Mèn” do nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam đạo diễn. Kịch bản của tác giả Lê Chí Trung được phóng tác từ “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài, tác phẩm nổi tiếng từng gắn bó tuổi thơ nhiều thế hệ người Việt. Vở diễn là cuộc phiêu lưu kỳ thú của nhân vật Dế Mèn cùng những người bạn như: Dế Choắt, Dế Trũi, Xén tóc, Nhện,… Nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng cho biết sẽ đưa vào nhiều yếu tố sáng tạo trong dàn dựng để chinh phục đối tượng khán giả nhỏ tuổi, sao cho vở diễn vừa vui nhộn, thú vị, vừa chuyển tải được ý nghĩa giáo dục sâu sắc và quan trọng nhất là phù hợp tâm lý tiếp nhận của trẻ em.
Vở thứ hai sẽ được Sân khấu Lệ Ngọc đưa lên sàn là vở kịch lịch sử “Làm Vua” của tác giả Tiến sỹ Đăng Chương. Vở diễn khai thác thời kỳ vua Đinh, tái hiện rõ nét những câu chuyện xoay quanh vua Đinh Tiên Hoàng trong mối quan hệ hoàng tộc, triều chính và chốn hậu cung, cùng các nhân vật đã ghi danh trong lịch sử Việt như: Hoàng hậu Dương Vân Nga, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, Đinh Quốc công Nguyễn Bặc, Nam Việt Vương Đinh Liễn và Công chúa Phất Kim… Đạo diễn Lê Quý Dương, người được mệnh danh là “phù thủy” của các Festival, đã từng dàn dựng, đạo diễn các sự kiện, lễ hội lớn sẽ bắt tay dàn dựng vở diễn này. Đạo diễn Lê Quý Dương cho biết anh cảm thấy rất hào hứng khi được thử sức với kịch bản này, bởi đây là kịch bản hay, khó, đặt ra nhiều vấn đề lớn vẫn còn nguyên giá trị thời sự…
Có thể nói, sân khấu Thủ đô nhanh chóng sáng đèn trở lại ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát đã cho thấy các đơn vị nghệ thuật nói chung, những người làm nghệ thuật nói riêng luôn không ngừng tự đổi mới, tìm tòi sáng tạo để đưa sân khấu Việt tiếp cận được khán giả nhiều nhất, nhanh nhất bằng những chương trình hấp dẫn, chất lượng cao.
Nguồn: Báo Tin tức