Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam “phải trở nên chuyên nghiệp, là mặt công tác thường xuyên của Quân đội”, theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Chủ tịch nước vừa quyết định cử một sĩ quan của Quân đội nhân dân Việt Nam đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại trụ sở Liên Hợp Quốc (New York). Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, trả lời phỏng vấn của PV về định hướng tham gia hoạt động này thời gian tới.
– Trung tá Trần Đức Hưởng là sĩ quan thứ hai của Việt Nam trúng tuyển vào làm việc ở trụ sở Liên Hợp Quốc. Ý nghĩa của việc này thế nào, thưa Thượng tướng?
– Chủ trương đưa cán bộ vào các cơ quan Liên Hợp Quốc đã có từ 25 năm qua. Chính phủ và các Bộ, ban ngành có hỗ trợ nhưng vào được hay không là do chính sự nỗ lực của các sĩ quan. Đây cũng là kết quả của việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc trong những năm qua.
Khi các sĩ quan Việt Nam vào được cơ quan tham mưu cao nhất của Liên Hợp Quốc, ở đó sẽ xuất hiện bộ quân phục của Quân đội nhân dân Việt Nam, sẽ có mặt của sĩ quan Việt Nam. Chúng ta phục vụ cho các nhiệm vụ chung của Liên Hợp Quốc, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc mình. Trong bối cảnh môi trường quốc tế như hiện nay, đây là điều rất tốt cho hoạt động gìn giữ hòa bình, cũng như cho các hoạt động hội nhập quốc tế của đất nước và quân đội.
Khó khăn, gian khổ như ở địa bàn Phái bộ châu Phi xa xôi, sĩ quan của ta vẫn giữ được phẩm chất, đạo đức của mình, thì ở trung tâm của Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, không chỉ của Liên Hợp Quốc mà cả nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng Việt Nam giao phó.
Việc ba sỹ quan Việt Nam thi đỗ vào cơ quan tham mưu của Liên Hợp Quốc trong thời gian gần đây, mà trung tá Trần Đức Hưởng là người thứ 2, tạo tiền đề để Việt Nam thúc đẩy, đưa nhiều hơn sĩ quan Quân đội vào làm việc tại trụ sở Liên Hợp Quốc.
– Trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều nước cân nhắc đưa quân tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Tại sao Việt Nam vẫn duy trì việc cử quân?
– Đúng là các nước đều cân nhắc có nên gửi quân đi tiếp hay không và gửi quân đi những Phái bộ nào. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục gửi quân đi vì hai nguyên nhân. Thứ nhất, chúng ta đặt cho mình nhiệm vụ tham gia gìn giữ hòa bình trên cơ sở kế hoạch dài hạn đã được cam kết với Liên Hợp Quốc. Trước khi cam kết, chúng ta đã có tính toán đến các trường hợp bất thường thì giải quyết như thế nào.
Bên cạnh đó, chúng ta tự tin và đảm bảo rằng lực lượng đi làm nhiệm vụ sẽ phòng và chống được Covid-19. Hơn một năm qua, bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 của chúng ta ở Nam Sudan với hơn 60 y bác sĩ cùng rất nhiều sĩ quan làm việc trong tâm dịch của Châu Phi nhưng vẫn giữ được sức khỏe tốt. Bí quyết để bộ đội Việt Nam làm được như vậy chính là nhờ thực hiện nghiêm túc chỉ thị 16 của Chính phủ, ở Nam Sudan cũng như ở trong nước.
Những giải pháp, phòng chống dịch hiệu quả trong chỉ thị 16 không những đảm bảo được sức khỏe cho bộ đội mà còn giúp các Phái bộ thực hiện theo. Đại diện Liên Hợp Quốc nói với tôi rằng họ rất cảm ơn Việt Nam đã lan tỏa những nguyên tắc rất đúng đắn phòng, chống Covid-19, để họ thực hiện ở địa bàn Châu Phi.
Thậm chí, Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc đề nghị Việt Nam lập bệnh viện dã chiến cấp 2 chuyên xét nghiệm Covid-19 ở Châu Phi, nhưng chúng ta cân nhắc chưa làm. Họ cũng đề nghị Việt Nam lập bệnh viện cấp cao tại Việt Nam chuyên chữa cho các bệnh nhân Covid-19 – là nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, song chúng ta cũng chưa thực hiện do điều kiện chưa cho phép. Những yêu cầu nói trên thể hiện sự tín nhiệm rất lớn của Liên Hợp Quốc với Việt Nam.
– Vậy những lực lượng nào của Việt Nam sẽ xuất quân tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc thời gian tới?
– Từ nay đến cuối tháng, ngoài trung tá Trần Đức Hưởng lên đường sang New York để làm việc tại Cục Hoạt động hòa bình, trụ sở Liên Hợp Quốc, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 cũng sẽ lên đường sang Nam Sudan tiếp quản nhiệm vụ, thay bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đã hết nhiệm kỳ.
Có ý kiến cho rằng nên tiếp tục duy trì bệnh viện 2.2, chưa triển khai 2.3 sang thay thế vì Covid-19 đang phức tạp. Bên cạnh đó, nhiệm kỳ công tác của bệnh viện 2.2 hiện đã kéo dài hơn 4 tháng so với quy định, nhưng không ai từ chối nhiệm vụ hay tỏ ra dao động. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng và tổ công tác liên ngành chúng tôi đã báo cáo cấp trên, thấy rằng đã đến lúc phải đưa lực lượng này về. Nguyên nhân là thời gian làm nhiệm vụ dài, cường độ công việc lớn, sức khỏe và sự chịu đựng của đội ngũ y bác sĩ cũng có mức độ.
Thứ hai, quan trọng hơn là vật tư y tế, vật tư đảm bảo của bệnh viện hiện không còn. Những tháng qua, cả thế giới ngừng trệ về vận tải hàng không, chúng ta chuyển sang Nam Sudan được một ít thuốc men thông qua hành lý của các sĩ quan sang trả phép, nhưng đó chỉ là những loại thuốc hạn chế, trong khi vật tư y tế cho một bệnh viện rất phức tạp và cần rất nhiều. Vì vậy, chúng ta hạ quyết tâm cho bệnh viện số 3 lên đường trong bối cảnh Covid-19 ở châu Phi vẫn đang rất nặng nề. Dù vậy, không một thành viên nào của bệnh viện tỏ ra ngần ngừ hoặc từ chối nhiệm vụ mà đều sẵn sàng lên đường với quyết tâm cao.
Đội Công binh của chúng ta với quân số gần 300 người và hàng nghìn tấn trang bị cũng đã được chuẩn bị tốt, sẵn sàng lên đường.
– Tầm nhìn dài hạn của Bộ Quốc phòng với việc tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc như thế nào, thưa ông?
– Việc cử bệnh viện dã chiến cấp 2 đi làm nhiệm vụ ngoài chính sách của chúng ta, còn phụ thuộc vào yêu cầu của Liên Hợp Quốc. Ban Tổng thư ký Liên Hợp Quốc có đề nghị Việt Nam duy trì ổn định bệnh viện dã chiến cấp 2 ít nhất 5 năm nữa.
Đối với lực lượng sĩ quan tham mưu, chúng tôi sẽ nghiên cứu mở rộng địa bàn cử quân đi. Quân số có thể không tăng nhưng chúng ta sẽ tăng số quốc gia. Ví dụ như hiện nay ta có quân ở Trung Phi và Nam Sudan, sắp tới chúng ta có thể gửi quân sang một số địa bàn khác để màu cờ Việt Nam phủ rộng hơn trên bản đồ thế giới.
Chúng tôi cũng đang nghiên cứu gửi sĩ quan đi làm giáo viên, tập huấn cho các lực lượng gìn giữ hòa bình của EU về kinh nghiệm gìn giữ hòa bình. Và như tôi đã nói ở trên, Việt Nam sẽ tạo điều kiện và thúc đẩy việc sĩ quan ứng thí vào các vị trí làm việc tại trụ sở Liên Hợp Quốc.
– Sau 8 năm đưa quân tham gia lực lượng “mũ nồi xanh”, ông đánh giá thế nào về sự trưởng thành của các sĩ quan Việt Nam thông qua hoạt động này?
– Chúng ta đã nhiều lần đón các sĩ quan đi làm nhiệm vụ ở châu Phi trong đội hình gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc về nước. Mỗi lần như thế, chúng ta lại thấy nhận thức, tầm nhìn của các sĩ quan ngày càng phát triển. Không chỉ hoàn thành tốt “nhiệm vụ kép” của Liên Hợp Quốc và Quân đội nhân dân Việt Nam giao phó, mỗi cán bộ, chiến sĩ còn nêu gương sáng trong môi trường quốc tế.
Trong tương lai, tôi muốn hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam trở nên chuyên nghiệp, là một nội dung, mặt công tác thường xuyên của Quân đội, chứ không còn là đặc biệt. Những người đi làm nhiệm vụ không cần phải làm lễ xuất quân nữa mà sẽ là chuyến công tác nơi xa, như đi công tác ở biên giới, hải đảo.
Tôi cũng hi vọng, Việt Nam sẽ sớm thành lập Trung tâm gìn giữ hòa bình khu vực châu Á Thái Bình Dương, là nơi huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực của các lực lượng như công binh, quân y, ngoại ngữ, pháp luật, phụ nữ tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc…
Văn kiện Đại hội XIII và văn kiện của Đại hội Đảng bộ toàn quân vừa qua đều khẳng định Việt Nam bảo vệ Tổ quốc trong thời bình bằng biện pháp hòa bình và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là một nhiệm vụ như vậy. Chúng ta sẽ duy trì hoạt động này với tư cách là một hoạt động quân sự để bảo vệ Tổ quốc trong thời bình, bằng biện pháp hòa bình, và bảo vệ hòa bình cho đất nước từ sớm, từ xa.
Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ra đời từ năm 1948, là một cơ chế đặc biệt được Liên Hợp Quốc giao cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thành lập dưới hình thức các phái bộ nhằm giúp tạo điều kiện chấm dứt xung đột và xây dựng hòa bình, thông qua việc triển khai các lực lượng do các nước thành viên đóng góp đặt dưới sự chỉ huy, điều hành của Liên Hợp Quốc.
Từ tháng 6/2014 đến nay, Việt Nam đã cử 180 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Hoàng Thùy/ VNE
Nguồn: Cánh cò