Dư luận “dậy sóng” mỗi khi báo chí đưa tin con của một lãnh đạo được bổ nhiệm là bởi xu hướng “cậy” mình là lãnh đạo, nâng con cái lên làm lãnh đạo bằng cách đốt cháy giai đoạn, là có thật
Câu chuyện học hành, thăng tiến của một cán bộ trẻ có thân thế là con em lãnh đạo những ngày gần đây một lần nữa xới lại những vụ lùm xùm trước đây về việc bổ nhiệm “con ông cháu cha”, bổ nhiệm người nhà thay vì người tài … Dư luận từng đúc kết, dường như có một “con đường chung” mà một số vị lãnh đạo “áp dụng” với con cái mình: Đó là cố kiếm mảnh bằng (cử nhân hay thạc sĩ, du học nước ngoài), về làm công tác đoàn thể, sau chuyển qua công tác chính quyền hoặc Đảng, rồi thăng tiến. Kết quả của “con đường chung” ấy đa phần đều đưa con em mình trở thành lãnh đạo của ngành này, địa phương nọ.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cho rằng, không có quy định cấm bổ nhiệm, tuyển dụng con em lãnh đạo. Nhưng dư luận lại “dậy sóng” mỗi khi báo chí đưa tin con của một vị lãnh đạo nào đó được bổ nhiệm là bởi xu hướng “cậy” mình là lãnh đạo, nâng con cái lên để làm lãnh đạo bằng cách đốt cháy giai đoạn, là có thật.
PV: Có ý kiến cho rằng, liệu có sự kỳ thị nào đó đối với con cái các vị lãnh đạo khi họ được bổ nhiệm trong cơ quan Nhà nước, thưa ông?
Tiến sĩ Đinh Duy Hòa: Không ai phản đối việc con em các vị lãnh đạo vào làm trong các cơ quan công quyền, hay làm lãnh đạo thì không được để con em mình vào làm trong bộ máy. Câu chuyện ở đây là phải công bằng. Chúng ta đặt ra việc thi công chức để đảm bảo mục tiêu công bằng, ai thấy có đủ trình độ, năng lực thì dự thi. Mọi ứng viên đều phải được đánh giá trên một mặt bằng chung, đó là kết quả thi. Nhưng rất nhiều trường hợp, vì là con ông này, cháu bà kia nên có sự ưu ái, khiến việc thi cử mất đi sự công bằng. Đã mất công bằng ngay từ đầu vào thì để có được đội ngũ cán bộ, công chức ngon lành là rất khó. Chúng ta tổ chức thi cử chưa tốt, vẫn còn tiêu cực mà lại cộng thêm câu chuyện thân quen, bạn bè, chiến hữu để đưa vào bộ máy thì cơ may của những người khác là không có. Tương tự như vậy là câu chuyện bổ nhiệm lãnh đạo. Bổ nhiệm lãnh đạo một cách công tâm, khách quan, không thiên vị thì ai nào kỳ thị việc con cháu lãnh đạo lên làm lãnh đạo.
PV: Theo ông, một công chức bình thường, sau 8 năm phấn đấu, liệu có thể được bổ nhiệm làm lãnh đạo một sở ở địa phương ?
TS Đinh Duy Hòa: Trong khoảng thời gian đó, nếu cộng các năm tháng học hành để hoàn tất tiêu chuẩn này nọ, nếu một người có năng lực thật sự, tôi nghĩ cũng khó có thể được cất nhắc và bổ nhiệm làm lãnh đạo sở như vậy.
Tôi đồng ý rằng, người có kết quả công vụ xuất sắc xứng đáng nằm trong diện được bổ nhiệm lãnh đạo, mặc dù thời gian ngắn nhưng thành tích công vụ phải nổi bật, phải xuất sắc thật. Nếu không làm rõ được điều đó thì dư luận hoài nghi là hoàn toàn có lý do. Tóm lại chỉ là đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn và điều cần nhấn mạnh ở đây là thực tiễn nhiều vụ việc tương tự ở nơi này, nơi kia đã cho thấy, việc bảo đảm đúng quy trình là không khó thực hiện.
Với công chức bình thường, không có xuất phát điểm thuận lợi như cha mẹ làm lãnh đạo, lại là người có quyền lực nhất ở địa phương thì trong vòng 8 năm, trong hệ thống chúng ta, để lên được vị trí đó là rất khó, theo tôi phải cần thêm 3-4 năm nữa may ra mới được.
PV: Nói như ông thì rõ ràng “xuất phát điểm” có vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là vai trò “quyết định” trong việc bổ nhiệm con em các vị lãnh đạo?
Tiến sĩ Đinh Duy Hòa: Chắc chắn là có sự ảnh hưởng từ bố mẹ nên mới có những câu chuyển “ủn lên” như thế. Có rất nhiều trường hợp đã lộ diện như ở Quảng Nam, rồi Bắc Ninh. Trường hợp nào cũng khẳng định bổ nhiệm đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn, không sai nhưng cuối cùng là sai, phải sửa. Bố mẹ cố tình bảo vệ con mình, rồi các cơ quan có thẩm quyền trong tỉnh cũng quả quyết không sai, bảo vệ đến cùng. Giờ là câu chuyện ở Vĩnh Phúc, các cơ quan có liên quan đều nói rằng không sai, soi theo các tiêu chuẩn quy định, dường như đúng cả. Với thời gian 8 năm như vậy, nếu thực sự có cống hiến, có thành tích xứng đáng để được bổ nhiệm thì hãy cho dư luận được biết. Dư luận sẽ được thuyết phục hơn nếu trong thời gian 8 năm, đặc biệt trong thời gian làm Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư, cô ấy đã có những sáng kiến, thành tích xuất sắc giúp đẩy mạnh năng lực thu hút đầu tư của tỉnh?
Phải thừa nhận ở ta cũng có những gia đình bố mẹ làm lãnh đạo, con cái họ sau này cũng là lãnh đạo ở cương vị này, cương vị kia nhờ họ giỏi và có năng lực thực sự.
Rồi cũng có những bậc cha mẹ có vị trí lãnh đạo cực cao, nhưng con cái họ lại bình thường, không hề hưởng sự ưu ái nào trong cất nhắc, thăng tiến. Như ở Bộ Nội vụ thời gian tôi từng công tác, có con của một bậc tiền bối nguyên là Tổng Bí thư của Đảng cũng vào làm việc ở Bộ nhưng tuyệt nhiên không có một sự ưu ái nào. Sau này anh ấy cũng ra khỏi Bộ để đi theo lĩnh vực mà anh ý tâm đắc.
Cái rút ra ở đây là những ông bố, bà mẹ làm lãnh đạo cần biết con cái mình năng lực đến đâu, thực lực ra sao, đừng cố tìm mọi cách đưa con cái mình thành “ông này, bà nọ”. Đấy là chưa kể với vị trí lãnh đạo, mình cần phải thực sự công tâm, phải biết nêu gương. Với cương vị là người lãnh đạo của một tỉnh mà để xảy ra câu chuyện như vậy thì người dân nhìn vào sẽ nghĩ gì? Uy tín, đức độ, gương mẫu… chắc chắn là giảm.
PV: Ông đã từng giữ vị trí Vụ trưởng ở Bộ Nội vụ, vậy ông có định hướng con cái nối nghiệp vào cơ quan nhà nước?
Tiến sĩ Đinh Duy Hòa: Tôi có 2 con. Cô con gái đầu sau khi học xong đại học tôi cũng muốn cho cháu vào cơ quan hành chính, nhưng cháu cương quyết không muốn vào và chúng tôi là bố mẹ cũng không ép, cứ để con làm cái nó muốn. Tuy nhiên, sau một thời gian hơn 10 năm lăn lộn bên ngoài, cuối cùng con gái tôi cũng đã vào làm việc tại một đơn vị sự nghiệp công lập.
PV: Ông có “tâm tư” gì không khi mình cũng có cống hiến, cũng có chút vị trí, mà con cái vào Nhà nước chỉ làm viên chức bình thường?
Tiến sĩ Đinh Duy Hòa: Con gái tôi hiện chỉ là một viên chức bình thường và thậm chí do nhiều câu chuyện mà sau hơn 10 năm vào làm việc tại đơn vị sự nghiệp của Nhà nước thì năm ngoái cháu mới được dự thi để trở thành “người Nhà nước” hợp quy, được gọi là viên chức Nhà nước. Cái gọi là “tâm tư” ở đây nếu có thì có lẽ là “tâm tư” ai đó trong họ hàng nghĩ sao khi con ông Hòa mà thế nhỉ, sau hơn 10 năm mới thi viên chức, mới là người nhà nước?
PV: Cuối cùng ông nghĩ thế nào về tư tưởng cất nhắc “hậu duệ” trong hệ thống công vụ nước ta?
Tiến sĩ Đinh Duy Hòa: Chúng ta, mỗi người trong bộ máy này, bất kể có chức sắc cao hay thấp hoặc chỉ là cán bộ, công chức, viên chức thường thường hãy nghiêm túc nghĩ xem mình có can dự gì vào việc đưa người nhà, người thân, bạn bè, chiến hữu vào cơ quan Nhà nước, rồi thậm chí bố trí vào các chức vụ lãnh đạo? Ít nhiều cũng có cả. Tất nhiên là không phải 100%, nhưng cũng không phải là hiếm. Cho nên cái câu “một người làm quan cả họ được nhờ” tưởng chỉ đúng cho thời quan lại xa xưa hóa ra vẫn hiện diện và ngày càng hiện diện rõ hơn trong hệ thống công vụ nước ta. Cái này quan trọng lắm và cần nhận diện rõ.
Dường như, người có chức vụ lãnh đạo càng cao thì đầu ra của việc ưu ái, cất nhắc con cái làm lãnh đạo càng nhiều hơn. Chính vì thế, cần có những biện pháp chống lại câu chuyện này quyết liệt hơn. Các biểu hiện của chủ nghĩa gia đình trị, chủ nghĩa thân hữu trong bộ máy mà lộ ra như chúng ta thấy rất tai hại, làm suy giảm lòng tin, mất uy tín lãnh đạo và làm cho chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sa sút. Và muốn đất nước phát triển, đi lên thì không có cách nào khác là chống lại một cách kiên quyết các hiện tượng, biểu hiện này.
PV: Xin cảm ơn ông.
Thanh Hà/VOV.VN
Nguồn: Cánh cò