Trang chủ Tin tức Người đưa thổ cẩm truyền thống vươn ra thế giới

Người đưa thổ cẩm truyền thống vươn ra thế giới

155
0

Sinh ra và lớn lên ở làng Chăm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) – nơi có nghề dệt thổ cẩm truyền thống từ rất lâu đời, từ nhỏ bà Thuận Thị Trụ (sinh năm 1948) đã học hỏi được nghề dệt thổ cẩm từ người mẹ truyền dạy.

Người đưa thổ cẩm truyền thống vươn ra thế giớiBà Thuận Thị Trụ luôn miệt mài truyền đạt nghề dệt thổ cẩm cho con em đồng bào. 

Qua năm tháng, bà Trụ đã hiểu rõ từng đường tơ, kẻ chỉ và tự ngồi vào khung cửi dệt nên những sản phẩm thổ cẩm với nét hoa văn độc đáo, mang đậm hơi thở, nét truyền thống của đồng bào Chăm.  

Hồi sinh làng nghề

Từ đôi tay của bà Trụ, những sản phẩm làm ra đã có sức lan tỏa trong làng nghề, thu hút nhiều người cùng học cách tạo hoa văn, cách dệt để cho ra sản phẩm bắt mắt người tiêu dùng, tạo tiếng vang ngày một rộng khắp từ trong đến ngoài tỉnh. Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất của bà Trụ cũng như các nghệ nhân nơi đây đó là làm sao giữ và vực dậy làng nghề đi lên trước sức ép ngày càng lớn của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lo lắng ấy của bà Trụ là đúng, bởi có thời gian nghề dệt thổ cẩm bị rơi vào thế khó, nguy cơ mai một, thất truyền là không tránh khỏi.

Làm sao để bảo tồn và đưa làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào phát triển, đó là bài toán và cũng luôn là nỗi trăn trở của bà Trụ. Dù làng nghề, sản phẩm làng nghề có lúc lao đao, lận đận nhưng bà không hề nản chí, quyết tâm tìm bằng được hướng đi mới cho làng nghề, bởi theo bà suy nghĩ: “Văn hóa Chăm và nghề dệt thổ cẩm truyền thống luôn song hành, không thể tách rời”.

Khát khao làm hồi sinh làng nghề đã cháy bỏng trong người bà và bằng mọi giá phải hun đúc cho làng nghề phát triển. Năm 1991, bà Trụ đã gom hết tiền tích góp bao năm để mở cơ sở dệt thổ cẩm nho nhỏ và thuê 10 nhân công làm tại quê nhà. Thoạt đầu chỉ có vài nhân công với vài khung cửi, nhưng thời gian sau bà thuê nhiều nhân công để dệt. Với sự hướng dẫn tỉ mỉ của bà Trụ, các sản phẩm như khăn, áo, túi, vía, ba lô, thảm trải bàn… được tạo ra bước đầu đã làm nên tên tuổi, mang đậm nét đặc trưng truyền thống của đồng bào Chăm.

Ông Phú Văn Ngòi, Giám đốc Hợp tác xã dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp cho biết, trước đây bà con ở làng Mỹ Nghiệp chỉ quen sống với nghề đồng áng, nghề dệt không ai ngó ngàng tới. Nhưng khi được bà Trụ thổi lửa vào nghề, khơi dậy và định hướng phát triển đã thu hút nhiều phụ nữ quay lại với nghề. Vào thời điểm trên, bà Trụ tích cực đi tìm tòi, mua lại những hoa văn cổ bị thất truyền đưa về phục chế; đồng thời hướng nghiệp cho chị em trong làng, dạy cách dệt các loại hoa văn cổ có cải tiến, tạo nên những sản phẩm thổ cẩm rất độc đáo, rất được thị trường ưu chuộng.

Những sản phẩm thổ cẩm truyền thống do cơ sở của bà Trụ làm ra đã tạo tiếng vang lớn và lôi cuốn được thị hiếu của người tiêu dùng, nhất là các du khách ngoài nước luôn tìm đến làng nghề để tìm hiểu, trải nghiệm về nét độc đáo của sản phẩm truyền thống của người phụ nữ Chăm đầy sáng tạo.

Kể từ đó, nhiều phụ nữ ở làng Mỹ Nghiệp rất hăng say với nghề, có được việc làm và có nguồn thu nhập rất ổn định. Ông Phú Văn Ngòi cũng có hơn 8 năm làm quản lý cơ sở dệt mang tên Inrahani của bà Trụ. Nhiều sản phẩm bán rất chạy trên thị trường, có khách hàng ở Pháp, Nhật Bản đặt hàng với số lượng tương đối lớn từ cơ sở dệt của bà.

Văn hóa dân tộc Chăm rất đa dạng và phong phú, do đó rất dễ khai thác tiềm năng và lợi thế để tạo nên sắc màu lung linh, uyển chuyển cho sản phẩm thổ cẩm của đồng bào. Bà Trụ đã không ngừng miệt mài nghiên cứu, sưu tầm những nét hoa văn cổ để pha lẫn, phối màu tạo thành những nét hoa văn mới với tính đa dạng cao, sắc nét đưa vào khung dệt.

Bà Trụ chia sẻ: Thực tế nếu như không nghiên cứu, mày mò để tạo ra nét hoa văn mới mang đậm chất riêng thì sản phẩm khó mà lôi cuốn được thị trường. Làm sao biến nghề để nuôi làng nghề, cải thiện thu nhập, nâng cao cuộc sống từ nghề dệt thì đòi hỏi phải có sự quyết tâm, phải sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, như thế mới vực dậy được làng nghề trước sức ép của thị trường hiện nay.

Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà đã mạnh dạn đưa sản phẩm của làng nghề ra thị trường trong nước cũng như nước ngoài thông qua các hội chợ triển lãm lớn. Kể từ đó, cơ sở dệt thổ cẩm của bà Trụ cũng như làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Mỹ Nghiệp dần được hồi sinh và phát triển đi lên.

Bằng tài năng và những nỗ lực không biết mệt mỏi, phần thưởng xứng đáng đã đến với bà Trụ đó là vào năm 1994, bà được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tặng danh hiệu “Bàn tay Vàng” cùng với những tấm Huy chương Vàng cao quý được tặng trong các cuộc tham gia hội chợ triển lãm trong nước dành cho sản phẩm của cơ sở.

Phát huy nghề truyền thống

Chưa thỏa mãn với những gì đã thành đạt, đến giờ này bà Trụ vẫn còn trăn trở đó là làm sao để nghề “Mẹ truyền, con nối” được phát huy và mở rộng, tiếp tục phát triển đi lên, con em của đồng bào yêu nghề và hăng say kế thừa?. Tuy nhiên, lo lắng đó cũng dần được nguôi ngoai, bởi sự thành công của bà đã tạo niềm cảm hứng, tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ trẻ noi theo.

Người đưa thổ cẩm truyền thống vươn ra thế giớiBà Thuận Thị Trụ luôn trăn trở tìm hướng đưa sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào vươn ra thị trường thế giới. 

Để nối nghiệp, bà đã vận động con em đồng bào yêu nghề đến cơ sở của mình để truyền đạt, dạy nghề và hiệu quả ngày một thấy rõ đó là sự đam mê với nghề dệt của thế hệ trẻ, từ đó tạo nên những sản phẩm dệt thổ cẩm rất đặc sắc, mang đậm hơi thở cuộc sống. Sau này, bà Trụ cũng đã mở thêm cơ sở dệt thổ cẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời thu hút, tạo việc làm cho nhiều nhân công lao động ở địa phương vào làm việc.  

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước Đàng Sinh Ái Chi cho biết, trước đây làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp cũng có một nghệ nhân rất giỏi tạo hoa văn cổ cho sản phẩm nhưng chỉ để phục vụ cho sinh hoạt của đồng bào ở địa phương. Còn với bà Trụ, đây chính là nghệ nhân đã thổi hồn rất sâu đậm vào sản phẩm, đặc biệt là bà đã mạnh dạn đưa sản phẩm thổ cẩm Chăm đến với bạn bè thế giới.

Thấy làng nghề hồi sinh và đầy tiềm năng phát triển, UBND huyện Ninh Phước đã lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét thành lập hợp tác xã. Được sự hỗ trợ của Trung ương, sự đầu tư của tỉnh, năm 2010, làng nghề dệt thổ cẩm năm xưa đã được công nhận thành Hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống Mỹ Nghiệp. Thế là nhiều con em ở làng Mỹ Nghiệp có thêm cơ hội được tập huấn, được đào tạo lại nghề dệt từ các bậc cao niên, các nghệ nhân để tiếp bước nghề của đồng bào.

Theo lãnh đạo UBND thị trấn Phước Dân, hiện nay hợp tác xã có khoảng 80 xã viên tham gia làm nghề và rất ăn nên làm ra, đời sống của người dân làng nghề cũng được nâng lên đáng kể, bởi ngày nào cũng có du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm.

Có thể nói, ngày nay ai cũng biết sự thành công của làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Mỹ Nghiệp mang đậm dấu ấn của bà Thuận Thị Trụ. Tên tuổi của người phụ nữ Chăm này ngày càng vang xa không chỉ bởi sự thành đạt trong kinh doanh, mà còn được mọi người yêu mến bởi sự nhiệt tình, trọn đời cống hiến vì nghề, tích cực tham gia công tác thiện nguyện vì cộng đồng, vì an sinh xã hội tại địa phương.

Bài và ảnh: Công Thử  (TTXVN)

Người đưa thổ cẩm truyền thống vươn ra thế giới

Người phụ nữ Mường gìn giữ nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống

Dệt vải thổ cẩm là nghề truyền thống lâu đời của phụ nữ các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Mường nói riêng.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây