Chiều 26/2, mạng xã hội lan truyền câu chuyện của thành viên Hội lái xe Hà Nội, một trong những người tham gia giải cứu nông sản của người nông dân Hải Dương. Theo đó, tài khoản này cho biết họ đã bị chính quyền phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tịch thu toàn bộ số nông sản giải cứu, thậm chí bị xé cả băng rôn…
Theo câu chuyện nhận được hàng trăm lượt chia sẻ của tài khoản B.B., thì nhóm tình nguyện Hội lái xe Hà Nội khi đang bán hộ 2 tấn rau của bà con nông dân Hải Dương trên đường Trần Vỹ đã bị nhóm cảnh sát trật tự phường Mai Dịch gây khó dễ, dù họ đã cố giải thích rằng họ không kinh doanh, đáng nói là toàn bộ số nông sản trên bị tịch thu, còn băng rôn thì bị xé nát… Một sự việc quả thật gây bức xúc, nhưng lời kể từ phía bên kia dường như lại không hoàn toàn giống với những gì được chia sẻ…
Theo Chỉ huy Công an phường Mai Dịch đã phủ nhận không có chuyện tịch thu hàng nông sản, xé băng rôn, mà chỉ nhắc nhở và yêu cầu giải tán điểm bán hàng để đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo lời tường thuật thì khi đó cũng đã có những lời qua tiếng lại, việc bốc rau đưa lên xe cũng là để giải tán điểm bán hàng. Theo vị này, tổ công tác cũng mời Hội lái xe lên nhận lại rau để đi bán nơi khác, nhưng không có nười lên giải quyết, số rau trên bị bỏ lại ở phường.
Tạm gác sự giãi bày của 2 phía – người dân và chính quyền – cùng nhìn nhận một cách khách quan từ những gì “mắt thấy tai nghe” trong bài viết của tài khoản B.B.: “2 tấn rau được đóng vào các túi, mỗi túi 10kg. Chúng tôi đã bán hộ theo đúng giá bà con mong muốn là 30k/1 túi.
Trong khi bán hàng, chúng tôi không quên việc đảm bảo đúng quy định phòng dịch của Chính phủ. Buổi trưa trời nắng, các túi rau bị bốc mùi, nhìn xót xa quá, tôi gọi cho người đại diện của bà con thông báo tình hình.”
Nói cách khác, cho dù xuất phát từ việc giải cứu nông sản, nhưng khi đã định giá và bày bán, thì hoạt động của nhóm tình nguyện đã có thể gọi là buôn bán. Dù mức giá 3.000đ/kg là rất thấp so với thị trường, dù là bán hộ và toàn bộ số tiền sẽ đưa lại người nông dân, nhưng suy cho cùng, một giao dịch có người mua, người bán thì không thể nói là “không kinh doanh”, như phân trần của tài khoản B.B… Và quan trọng hơn, khi đã có việc tụ tập như trên, thì việc đảm bảo quy định phòng dịch, như lời B.B., cũng khiến nhiều người phải thấy đắn đo.
Hơn nữa, từ chính những bức ảnh được chia sẻ trong bài viết, chúng ta dễ dàng nhìn thấy một chiếc xe tải lớn đang nghiễm nhiên đậu trên vỉa hè, cùng với đó là một quầy nông sản choán gần như toàn bộ lối đi của người đi bộ. Còn nhớ, cách đây không lâu, chiến dịch “giải cứu vỉa hè” được cả nước đồng loạt ủng hộ, cho thấy mong mỏi của người dân về những vỉa hè thoáng đãng, sạch sẽ, đúng với bản chất dành cho người đi bộ. Thế nhưng, hình ảnh này phải chăng đang không đồng điệu với mong muốn chính đáng ấy?
Những ngày qua, hình ảnh người dân cả nước chung tay giải cứu nông sản Hải Dương đang truyền tải những thông điệp tốt đẹp, đậm tình người và nhân văn của đất nước Việt Nam. Thế nhưng, sự việc vừa qua có lẽ đang cho thấy một sự “lệch nhịp” trong sự lan tỏa điều tốt đẹp, giữa một bên là chính quyền địa phương, những người đang ngày đêm đảm bảo sự an toàn của xã hội trước đại dịch, và một bên là những người đã không tiếc thời gian, công sức giúp đỡ nông dân Hải Dương gặp nghịch cảnh cũng vì cơn đại dịch ấy.
Nếu có một sự đồng bộ giữa cộng đồng và chính quyền các địa phương không có dịch cho cuộc giải cứu, mà ở đó nông sản có nơi tiêu thụ chính đáng, đảm bảo an toàn, và người mua có thể tin tưởng hành động của mình đang góp phần giang tay giúp đỡ cho đồng bào của mình, thì có lẽ, những pha “lệch nhịp” sẽ không còn tồn tại. Ở nơi đó, những câu chuyện mà chúng ta kể, sẽ chỉ là những điều tươi đẹp của một xã hội đậm tình người mang tên Việt Nam.
Hạnh Văn
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Nguồn: Cánh cò