Ngày 18/2 vừa qua, mạng xã hội bỗng dưng dậy sóng khi xuất hiện 1 clip học sinh giật điện thoại và tát cô giáo ngay trên lớp. Clip ngay lập tức được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, một số tờ báo cũng “nhanh như chớp” giật tít, đưa tin và bỗng dựng clip đó trở thành một vấn đề nóng hổi được bàn tán rầm rộ trên mạng. Ngay lập tức, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải khẩn trương vào cuộc, chỉ đạo các sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, kiểm tra tại các đơn vị trường học trên địa bàn và đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng vào cuộc xác minh tính xác thực của nội dung clip này.
Đây là một chủ đề mà ở cấp độ xã hội, nó tạo sự hấp dẫn rất lớn vì chúng ta không thể chấp nhận hành vi vô đạo đức của học sinh, trái với truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam, thậm chí qua sự việc cũng đã dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự xuống cấp đạo đức trong học đường, trong môi trường sư phạm.
Và sự hấp dẫn này nhanh chóng được các đối tượng cơ hội chính trị, đám rận chủ quốc nội và ở hải ngoại đánh hơi và đương nhiên, hàng loạt các bài viết xuyên tạc, chửi bới chế độ một cách mù quáng được lan truyền trên không gian mạng. Các bài viết mang tính tiêu cực này rất dễ thu hút sự chú ý của dư luận, nếu không lập trường vững vàng, sự hiểu biết đầy đủ sẽ rất có thể bị các quan điểm trái chiều như vật dắt mũi, hướng lái người đọc về một viễn cảnh đen tối của nên giáo dục đang có khá nhiều sạn ở Việt Nam hiện nay.
Các đối tượng xấu lợi dụng sự việc để bôi xấu Ngành Giáo dục
Cũng rất may là các cơ quan chức năng đã nhanh chóng xác minh làm rõ chỉ sau 1 ngày clip trên lan truyền trên mạng xã hội. Chiều ngày 19/2, các cơ quan thông tấn báo chí đã đồng loạt đưa tin kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng về vụ việc. Sự thật là việc đã xảy ra vào ngày 25/5/2020 ở một Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên của Hà Nội. Trong giờ học môn Toán lớp 8, một học sinh mượn tai nghe điện thoại của bạn cùng lớp để sử dụng trong giờ học. Mặc dù giáo viên đã nhắc nhở nhiều lần nhưng học sinh này không nghe lời, do vậy giáo viên đã tịch thu tai nghe của học sinh và thông báo rằng cuối giờ sẽ trả lại. Lúc này, người học sinh cho bạn mượn tai nghe đi từ cuối lớp lên bàn giáo viên và văng tục với cô giáo, tự ý lấy lại tai nghe rồi bất ngờ tát vào mặt giáo viên.
Tại cuộc họp giải quyết vụ việc, gia đình học sinh đã xin lỗi cô giáo và trung tâm, đồng thời cho biết về tình trạng sức khỏe của em này có biểu hiện của bệnh trầm cảm, hay mất ngủ, tinh thần căng thẳng, dễ bị kích động, rất sợ bị mất đồ… Giáo viên chủ nhiệm cũng xác nhận học sinh này ít nói, ít giao tiếp với các bạn, hay có biểu hiện mệt mỏi, thiếu ngủ. Sự việc đã khép lại với hình thức xử lý đủ mang tính giáo dục và nhân văn. Đến đầu năm học 2020 – 2021, gia đình học sinh có nguyện vọng cho con tiếp tục học nên trung tâm đã đồng ý tiếp nhận trở lại.
Qua sự việc việc trên chúng ta thấy những mặt trái rõ ràng của mạng xã hội. Một vấn đề đã xảy ra hơn 1 năm, được giải quyết ổn thỏa mang đậm chất nhân văn. Nhưng chỉ vì một sự vô ý tai hại của “ai đó” đã thổi bùng một đốm lửa nhỏ thành một ngọn lửa giận dữ, tạo điều kiện cho những kẻ xấu lợi dụng châm chọc, chống phá ngành giáo dục và không thiếu những lời lẽ ác ý được chia sẻ trên không gian mạng.
Thử hỏi những người đưa tin, chia sẻ về bài viết này kèm theo những comment thiếu tính xây dựng, họ nghĩ sao khi bố mẹ cậu bé đọc những bình luận đó và họ có dám đặt mình vào vị trí của cha mẹ cậu bé kia hay không, để hiểu được nỗi đau mà bậc làm cha làm mẹ thấy con mình mắc chứng bệnh quái dị đã làm họ lo âu mỗi khi con mình đến trường, đến lớp. Cho nên, cố tình khơi gợi để nhắc lại sự việc vào thời điểm này chỉ làm tổn thương thêm đến cô giáo, học sinh và gia đình, nhà trường, gây tâm lý bất ổn và rất có thể khiến học sinh đó mang một mặc cảm lớn hơn, diễn biến tâm lý khó lường hơn.
Như vậy, bài học trên như một lần nữa cảnh tỉnh cho chúng ta về trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng khi lên mạng Internet. Mỗi một hành động nhỏ thiếu ý thức của mỗi người cũng hoàn toàn có thể làm một đốm lửa bùng lên thành đám cháy lớn. Vậy nên, đừng để những sự việc như clip ở trên lan truyền một lần nữa chỉ vì thiếu hiểu biết.
Mã Phi Long
Nguồn: Bản tin Dân chủ