Mường Lay nằm gọn trong một thung lũng hẹp, dài, vùng ngã ba sông- nơi hội tụ, hợp lưu của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay.
Nằm phía bắc của tỉnh Điện Biên, thị xã Mường Lay là nơi giáp ranh giữa 2 tỉnh Điện Biên – Lai Châu. Nhắc đến Mường Lay, người ta nghĩ ngay đến một thị xã có diện tích nhỏ nhất so với các thị xã khác trên toàn quốc với địa giới hành chính gồm 2 phường và 1 xã. Mường Lay nằm gọn trong một thung lũng hẹp, dài, vùng ngã ba sông- nơi hội tụ, hợp lưu của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Trong tiến trình phát triển lâu dài, với đặc trưng đa dạng dân tộc, thị xã Mường Lay được xem là cái nôi, trung tâm văn hóa của người Thái, ngành Thái trắng vùng Tây Bắc.
Đặc biệt hơn, hiện nay, Mường Lay còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử truyền thống, trong đó phải kể đến các lễ hội đặc trưng, mang tính nhận diện văn hóa của người Thái trắng, như: Lễ Kin Pang Then, nghệ thuật Xòe Thái cổ, Lễ hội đua thuyền đuôi én…
Nghệ nhân Vàng Văn Thức, bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên cho biết: Từ khi về đây định cư, lập bản, cuộc sống sinh hoạt của người Thái trắng đã gắn liền với môi trường sông nước. Câu ngạn ngữ “Thái ăn theo nước” đã đề cập về địa thế lạc nghiệp, tập quán sản xuất, sinh hoạt và khái quát cả cội nguồn văn hóa của người Thái. Đối với người Thái trắng Mường Lay, sông Đà gắn liền với quá trình định cư, lập bản và trở thành nhân chứng chứng kiến biết bao sự đổi thay của người Thái trắng nơi “cuối trời Tây Bắc”. Bao đời nay, tập quán sinh sống của bà con người Thái trắng gắn bó với nhịp chèo trên dòng sông Đà. Lễ hội đua thuyền đuôi én có nguồn gốc hình thành từ trong quá trình lao động môi trường mưu sinh trên sông nước của người Thái trắng, đồng thời gắn với tín ngưỡng cầu mùa, cầu mưa của người Thái trắng trong việc chinh phục, chế ngự những thác ghềnh, sóng dữ trên dòng sông Đà. Lễ hội đua thuyền đuôi én truyền thống tổ chức vào ngày đầu năm để khai thông sông rạch với ước muốn cầu cho mưa thuận gió hòa.
Lễ hội đua thuyền đuôi én truyền thống của dân tộc Thái trắng Mường Lay được chính quyền địa phương phục dựng thành công, tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015; từ đó, thông lệ đầu năm, lễ hội đua thuyền đuôi én lại được tổ chức, trở thành hoạt động thể thao, vui chơi của nhân dân. Thông qua lễ hội, người Thái cùng các cộng đồng dân tộc khác sinh sống trên địa bàn thêm lạc quan, yêu đời hơn, tình đoàn kết bản làng càng bền chặt. Đây cũng là dịp để người dân nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc.
Theo những già làng trong các phường Sông Đà, Lay Nưa cho biết, để tham gia vào việc đóng thuyền đua, chỉ những người có tay nghề tốt mới được lựa chọn. Những thành viên tham gia trực tiếp đua là những người đàn ông, thanh niên có sức khỏe được lựa chọn rất kỹ càng. Ngay cả hình thức, hoa văn trang trí trên mỗi con thuyền đua cũng được tác tạo theo nguyên mẫu của các già làng thuộc những gia đình có truyền thống làm nghề chài lưới. Các đội đua phải tập rượt, tập luyện, rèn sức khỏe trước đó cả tháng trời.
Từ sáng sớm ngày khai mạc lễ hội, từng dòng người bản địa và du khách thập phương đã nô nức đổ về khu vực diễn ra các nghi thức, tế lễ. Hàng ngàn người dân thuộc các cộng đồng dân tộc Thái, Mông, Dao, Hoa, Tày… và du khách thập phương cũng đứng kín dọc hai bên bờ lòng hồ của thị xã để cổ vũ các đội đua.
Mở đầu lễ hội đua thuyền đuôi én, thầy cúng, các nghệ nhân, già làng, trưởng bản sẽ tiến hành các lễ thức, làm lễ “Tế ta” để tế thần sông nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình yên. Trên bờ, một mâm lễ lớn với đầy đủ vật hiến sinh (lợn, gà), đồ tế lễ (xôi, hương hoa, trái cây, rượu gạo… ) được sắp đặt sẵn. Thầy cúng, hai người giúp việc và 12 thiếu nữ mặc trang phục truyền thống bắt đầu lễ bái, khấn nguyện. Diễn trình thực hiện các lễ thức này kéo dài hàng giờ đồng hồ. Nội dung đều mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của người dân đối với các đấng thần linh (thần sông nước, thần đất thần trời…).
Sau các nghi thức tế lễ, các đội đua mới bước vào phần tranh tài. Hành trình đua dài 1 km, xuất phát từ vị trí cầu Cơ Khí hướng cầu Nậm Cản đến bản Hốc và quay lại. Suốt hành trình đua, các đội đua liên tục nhận được sự cổ vũ, reo hò nhiệt tình của đông đảo người dân đứng hai bên bờ lòng hồ. Mỗi một lần mãn nhãn trước những pha rẽ sóng, bất tốc của các đội đua đến từ phường Na Lay, phường Sông Đà, phường Lay Nưa…. tiếng chiêng, trống cũng vang dội, chao nghiêng, vọng khắp các bản làng.
Theo ông Vũ Xuân Linh, Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) cho biết tính đến năm 2021, Lễ hội đua thuyền đuôi én đã trải qua 7 lần tổ chức. Việc phục dựng, tổ chức thành công Lễ hội đua thuyền đuôi én truyền thống của đồng bào Thái trắng không chỉ bảo tồn văn hóa, bản sắc, còn góp phần phát triển du lịch bền vững, khẳng định thương hiệu, giới thiệu những giá trị văn hóa đặc trưng về vùng đất, con người Mường Lay tới bạn bè gần xa.
Năm 2010, từ sau công cuộc di dân nhường chỗ cho lòng hồ Thủy điện Sơn La, vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, thị xã Mường Lay hôm nay đã có một sự đổi thay “thần kỳ”. Toàn thị xã có tổng diện tích gần 11.300 ha, địa giới hành chính gồm 27 bản và 11 tổ dân phố với hơn 3.100 hộ, gần 11.200 nhân khẩu, bao gồm 9 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Thái, ngành Thái trắng chiếm tỷ lệ 73% dân số, dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ 18% dân số, còn lại là các dân tộc Mông, Dao, Hoa, Tày, Nùng, Xá, Mường. Đời sống nhân dân thị xã Mường Lay từng bước ổn định, các nét đẹp văn hóa và thói quen gắn liền với những hoạt động sống nước đang được gìn giữ và phát huy.
Thị xã Mường Lay gây sức hút mạnh đối với du khách là vào mùa Xuân. Lúc này, khắp bản làng của thị xã đã rộn ràng điệu xòe, điệu sạp theo nhịp trống chiêng vang xa. Đây cũng là thời điểm lòng hồ của thị xã mênh mông sóng nước, những căn nhà sàn mái lợp ngói đá ngũ sắc nằm dọc ven lòng hồ hiền hòa, thơ mộng càng bảng lảng trong mây khói, sương mờ. Đến Mường Lay dịp mùa Xuân, du khách cũng sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa đậm đặc nét Thái cổ trong các lễ hội đặc trưng, mang tính nhận diện văn hóa của người Thái trắng.
Từ vùng đất từng bị thiên tai tàn phá, cuộc sống mưu sinh vất vả, đến công cuộc di dân nhường đất cho lòng hồ Thủy điện Sơn La; cùng đó, trước xu thế hòa nhập nên nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng đất Mường Lay đã phần nào bị mai một. Nhưng vượt qua tất cả, bên dòng Đà giang thơ mộng, một thị xã bé nhỏ với một cảnh quan du lịch sinh thái cực kỳ hấp dẫn vẫn là “vỉa trầm tích” tiềm chứa những giá trị văn hóa vật thể, vật chất, tinh thần độc đáo của người Thái trắng Tây Bắc.
Nguồn: Báo Tin tức