Đàn tính là nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc Tày – Nùng tỉnh Cao Bằng.
Kể từ khi Thực hành hát Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, những nghệ nhân chế tác đàn tính lại một lần nữa được sống say mê với nghề chế tác loại nhạc cụ độc đáo này.
Tình yêu với hát then, đàn tính
Nghệ nhân Triệu Đức Môn (tổ 17, phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng) là người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong việc chế tác đàn tính. Sinh ra trong gia đình giàu tình yêu văn nghệ, ngay từ thủa nhỏ, ông đã say mê tiếng đàn tính. Vì vậy, những lúc nông nhàn, ông đi kiếm nguyên liệu và học cách làm đàn tính. Năm 1989, sau 10 năm đi bộ đội, ông phục viên trở về quê. Từ đó, với vốn kiến thức, kinh nghiệm và tình yêu với hát then, đàn tính, ông bắt tay vào làm đàn tính.
Theo Nghệ nhân Triệu Đức Môn, để có một chiếc đàn tính đẹp, có âm sắc chuẩn, vừa vang vừa đúng âm thì đòi hỏi người thợ phải thật chú tâm, tỉ mỉ trong từng công đoạn chế tác. Hộp tạo âm là bộ phận quan trọng nhất, quyết định chất lượng của đàn tính. Hộp tạo âm được làm từ những quả bầu có chu vi từ 60 – 70 cm, là quả già, hình dáng bên ngoài tròn đẹp, vỏ dày, gõ vào phải kêu đanh. Sau khi được lựa chọn, những quả bầu được lấy về cắt bỏ phần ruột và ngâm nước vôi để không bị mối mọt.
Cần đàn tính được làm từ loại gỗ già, mịn, ít vân, mắt, không bị cong vênh. Mỏ đàn, có thể làm theo yêu cầu của khách, chạm rồng hay hoa văn cổ. Những bộ phận khác như mặt đàn, tai đàn… cũng phải được các nghệ nhân lựa chọn cẩn trọng.
Nghệ nhân Triệu Đức Môn cho biết, tất cả các công đoạn làm đàn tính đều được ông làm thủ công. Vì thế, thời gian làm một cây đàn tính có thể lên tới vài ngày, thậm chí cả tuần. Đối với đàn tính, âm chuẩn hay không phụ thuộc vào kinh nghiệm và năng khiếu thẩm âm của người thợ đàn. Do đó, muốn có được cây đàn tốt, thanh âm chuẩn, người thợ còn phải biết hát các điệu then, những quãng âm, nhạc lý cơ bản. Từ việc chế tác đàn tính để phục vụ đam mê hát then của mình là chính, những cây đàn tính của ông giờ đây đã được nhiều người yêu thích, không chỉ đáp ứng với khách hàng trong tỉnh mà còn được nhiều khách hàng ngoài tỉnh tìm mua và đặt hàng.
Trao truyền những giá trị độc đáo của nghề chế tác đàn tính
Đã gần 70 tuổi, nghệ nhân Trương Văn Đức (tổ 3, phường Hòa Chung, thành phố Cao Bằng) vẫn cặm cụi, tỉ mẩn đục, đẽo, căng chỉnh dây, cật, hộp âm… để làm ra những cây đàn tính chất lượng. Ông Đức cho biết, ông làm đàn tính được hơn 10 năm. Những năm gần đây, phong trào tập luyện hát then, đàn tính của tỉnh Cao Bằng đang phát triển, nhiều người có nhu cầu mua đàn tính để tập luyện. Vì thế, đàn tính ông Đức làm ra bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu. Mỗi ngày, nghệ nhân Trương Văn Đức chỉ làm được một chiếc đàn tính. Những ngày cận Tết Nguyên đán, ông vẫn cặm cụi làm đàn để kịp giao cho khách trẩy hội đầu Xuân. Ngoài việc làm đàn tính, để truyền dạy cho thế hệ trẻ những giá trị độc đáo của hát then, đàn tính; góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tày – Nùng tỉnh Cao Bằng, ông thường xuyên tham gia các hoạt động của các Câu lạc bộ hát Then, đàn tính ở xã, phường; tham gia biểu diễn hát then, đàn tính ở các lễ hội, hoạt động cộng đồng…
Theo Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Kim Tuế, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng, hiện nay ở tỉnh Cao Bằng chỉ còn một số người đam mê, gìn giữ nghề chế tác đàn tính, loại nhạc cụ gắn liền với nghệ thuật trình diễn hát Then. Trước sự du nhập mạnh mẽ của các dòng nhạc và nhạc cụ hiện đại vào đời sống, những nghệ nhân làm đàn tính đang góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Kim Tuế mong rằng, thời gian tới, các ngành chức năng quản lý văn hóa sẽ có những ghi nhận đối với những người làm nghề đàn tính. Các nghệ nhân Trương Văn Đức, Triệu Đức Môn… bằng tâm huyết, trách nhiệm của mình sẽ tiếp tục trao truyền những giá trị độc đáo của nghề chế tác đàn tính cho lớp trẻ hôm nay và mai sau…
Nguồn: Báo Tin tức