Trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, các đối tượng chống phá liên tiếp công kích mô hình tổ chức Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam và kêu gọi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”. Lợi dụng những vấn đề liên quan đến tình hình chính biến tại Myanmar những ngày gần đây, một lần nữa các “nhà dân chủ” lại đánh võng, bẻ lái thông tin, cổ suy tư tưởng thiết lập lực lượng vũ trang trung lập.
Thủ đoạn tấn công đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang vẫn là thủ đoạn chính, được các đối tượng thực hiện liên tiếp nhằm chống phá “tấm khiên” bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Dù phương thức, luận điệu chống phá tùy thời điểm có những nội dung, cách thức khác nhau. Tuy nhiên, bản chất lưu manh, mưu mô, thủ đoạn thì không bao giờ thay đổi.
Những cú bẻ lái thông tin nguy hiểm
Cuộc chính biến tại Myanmar những ngày vừa qua nhận được sự quan tâm lớn của dư luận quốc tế. Nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra. Lãnh đạo chính phủ Thái Lan và Campuchia cho rằng, việc quân đội Myanmar giành quyền điều hành đất nước là vấn đề của riêng quốc gia láng giềng và khẳng định không bình luận gì về công việc nội bộ của bất kỳ nước nào. Trong khi đó, Singapore bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar và hy vọng tình hình sẽ trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất; Indonesia kêu gọi tất cả các đảng ở Myanmar tuân thủ các nguyên tắc dân chủ và chính phủ hợp hiến…
Về phía Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Là nước láng giềng trong khu vực và cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam hết sức quan tâm theo dõi tình hình đang diễn ra tại Myanmar. Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”.
Rõ ràng, những bất ổn chính trị tại Myanmar là điều mà không ai mong muốn, nó tác động không chỉ trong nước mà còn cả đối với tình hình khu vực. Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, đây là vấn đề nội tại của Myanmar, chỉ có thể được giải quyết bởi chính người dân Myanmar.
Ấy vậy nhưng lạ lùng thay, nhiều nhà “dân chủ mạng” lại “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, lấy câu chuyện tại Myanmar để xỏ xiên, chống phá Việt Nam. Đặc biệt, các đối tượng này đang cố tình hướng lái thông tin để cổ vũ luận điệu đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang. Những luận điệu được các đối tượng rêu rao có thể kể đến như: tại Mỹ, quân đội là trung lập nên nền dân chủ mẫu mực của Mỹ được duy trì; tại Myanmar thì quân đội lại vác súng đi cướp, cứ nghi ngờ bị oan là vác súng đi cướp thì xã hội không loạn mới lạ; ở Việt Nam thì quân đội cũng được chính trị hóa bằng việc bắt buộc các cấp sỹ quan đều là đảng viên, khi quân đội trở thành công cụ thế lực chính trị thì vô cùng nguy hiểm; muốn đất nước tién bộ thì thể chể chính trị phải tiến bộ đã, thể chế chính trị mà còn để quân đội tham chính thì hỏng, nó là rào cản mà quốc gia nào không phá bỏ thì không thể tiến đến văn minh tiến bộ được…
Định lừa dối ai thưa các “nhà dân chủ”?
Trong lập luận của các đối tượng xấu, nền dân chủ Mỹ luôn được ca ngợi là mẫu mực, là hình mẫu cho nền dân chủ thế giới. Đặc biệt, các đối tượng này luôn ca ngợi về một lực lượng quân đội “trung lập” của Mỹ, coi đây là một nhân tố tạo nên tính “dân chủ” tại Mỹ.
Chẳng cần nói nhiều, những luận điệu được rêu rao ở trên đều là xuyên tạc, sai trái. Ngay cả ở Mỹ hay các quốc gia đa đảng, liệu quân đội có hoàn toàn trung lập? Xin thưa là không, lời tuyên bố quân đội chỉ trung thành với Nhà nước, về thực chất cũng là trung thành với đảng cầm quyền, khi đảng đó đã chiến thắng qua bầu cử. Và hãy thử nhìn lại lực lượng quân đội trung lập của Mỹ đã mang “dân chủ” đến cho thế giới như thế nào? Hay chăng, cái mà họ gieo rắc chỉ là chiến tranh, bom đạn? Và ngay trong lòng nước Mỹ, quân đội “trung lập chính trị” ấy đã làm gì trong cuộc bạo loạn tấn công đồi Capitol ngày 6/1? Trung thành với đất nước, nhưng thủ đô bị đe dọa thì không một Vệ binh nào được điều động, không một người lính nào ngăn cảnh đám người tấn công Quốc hội…
Những luận điệu đòi thành lập lực lực quân đội “trung lập về chính trị” chỉ là một thủ đoạn để chống phá, làm suy yếu sức mạnh của Việt Nam. Tại Việt Nam, Đảng cộng sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng – Nhà nước – Nhân dân Việt Nam đã hòa thành một chỉnh thể thống nhất, gắn bó chặt chẽ với nhau. Do vậy, tại Việt Nam không cần và không thể tồn tại cái gọi là “lực lượng vũ trang phi chính trị”.
Đối với mỗi quốc gia, tổ chức và hoạt động của quân đội có những đặc điểm riêng gắn với điều kiện lịch sử cụ thể, song đều tuân theo quy luật “quân sự phục tùng chính trị”; đều do quan điểm, đường lối chính trị của giai cấp, nhà nước, đảng chính trị tổ chức ra quân đội quyết định. Không có và không bao giờ có “quân đội trung lập”, “đứng ngoài chính trị”.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Nguồn: Cánh cò