Nếu bạn đến nhà máy đóng gói thịt để xem công nhân làm xúc xích, xem xong, có thể bạn sẽ không bao giờ muốn ăn xúc xích nữa. Nhìn cách người ta xây dựng chính sách nhập cư của Mỹ cho cảm giác hệt như vậy.
Người nhập cư có vai trò vô cùng quan trọng đối với nước Mỹ. Nước Mỹ cần công nhân, doanh nhân, các nhà cải cách, các nhà đầu tư và những người đi làm đóng thuế để thúc đẩy nền kinh tế. Nước Mỹ cần sự phong phú từ những ý tưởng và cách tư duy mới, và từ các nền tảng văn hóa khác nhau để định kỳ đổi mới xã hội và văn hóa. Thiếu những điều này, nước Mỹ sẽ trở thành một quốc gia lạc hậu và cô lập khi chỉ còn là ngôi nhà lớn của lớp người già ở tuổi hưu trí đang dần chết mòn.
Mặc dù nhận thức rõ điều này, các chính trị gia, các cử tri, các nhà vận động chính sách, các nhà nghiên cứu, các luật sư về người nhập cư, trong suốt hơn 100 năm qua, đã xoay xở mọi cách để khiến hệ thống nhập cư rối tinh rối mù. Có vẻ như chính sách nhập cư đã bị chính trị hóa đến mức nó thậm chí không còn một chút gì gọi là đại diện cho lợi ích tốt nhất của đất nước hoặc sự công bằng cho hàng triệu người nhập cư đã đến hoặc đang muốn đến đây.
Thật khó có thể thay đổi thực trạng này trong ngày một ngày hai.
Các nhà phê bình cho rằng chỉ riêng nhìn vào cách thức hoạch định chính sách công đã thấy có vấn đề: Cảm giác giống như đến một nhà máy đóng gói thịt để xem công nhân làm xúc xích. Sau khi xem xong, bạn sẽ không bao giờ ăn xúc xích nữa. Nhiều khả năng là bạn sẽ trở thành người ăn chay.
Chúng ta hãy cùng xem xét hai chính sách liên quan đến người nhập cư không giấy tờ: Chính sách xây dựng bức tường biên giới Mexico-Mỹ và Chính sách ân xá cho con cái của những người nhập cư không giấy tờ.
Việc xây dựng bức tường dài 2,000 dặm dọc theo biên giới Mexico để ngăn chặn những người nhập cư không giấy tờ, những kẻ buôn bán ma túy, buôn người, những kẻ khủng bố, những kẻ lây lan Covid xâm nhập vào Mỹ được cho là vấn đề cấp bách nhất của chính sách đối với người nhập cư không giấy tờ. Tuy nhiên, chỉ riêng trong 30 năm qua, các Tổng thống và Quốc hội Mỹ đã xoay đi, lật lại chính sách xây tường biên giới nhiều lần đến mức không ai còn có thể hiểu được chính sách này là cái quái gì nữa. Và đó cũng chính là đặc trưng nổi bật nhất của chính sách nhập cư nói chung.
Năm 1990, Tổng thống George H. W. Bush của đảng Cộng hòa là người xây dựng “hàng rào” đầu tiên dọc biên giới Mexico. Hàng rào dài 14 dặm, ngăn biên giới Tijuana giáp ranh với San Diego. Chính tôi đã đến đó và tận mắt chứng kiến những người di cư tự do băng qua biên giới ở dặm số 15, nơi hàng rào kết thúc. Có lẽ đó là điểm bắt đầu của nhiều diễn biến sau này.
Năm 1994, Tổng thống Bill Clinton, dưới áp lực của Quốc hội do đảng Cộng hòa nắm đa số lúc đó đã cho kéo dài hàng rào thêm vài dặm. Điều này có nghĩa là các đoàn người người di cư sẽ chỉ cần cố đi thêm một vài dặm nữa đến điểm kết thúc của hàng rào để vượt biên vào Mỹ.
Năm 2006, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của lưỡng đảng tại quốc hội, Tổng thống Cộng hoà George W. Bush đã xây thêm được 580 dặm cho “bức tường” biên giới. Các Thượng nghị sĩ Dân chủ bao gồm Barack Obama, Joe Biden và Hillary Clinton đều nhiệt tình bỏ phiếu ủng hộ việc xây dựng bức tường!
Năm 2008, trong chiến dịch tranh cử chạy đua với bà Hillary Clinton, ông Obama đã lên tiếng phản đối việc xây tường biên giới. Tuy nhiên, khi trở thành tổng thống vào năm 2009, ông Obama đã cho xây dựng tiếp 130 dặm. Sau đó, năm 2012, trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông đã quyết định không xây thêm.
Năm 2016, chính sách tranh cử của ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump là hoàn thiện bức tường biên giới. Đối thủ của ông là bà Hillary Clinton, lúc này lại thay đổi quan điểm, quay sang chống việc xây tường biên giới. Ông Trump đã có một động thái khiến dư luận nổi sóng là yêu cầu Tổng thống Mexico Pena Nieto và người Mexico nói chung “trả tiền xây dựng bức tường” với chi phí lên đến hàng tỷ đô la. Mexico từ chối chi trả.
Trong suốt thời gian từ 2017 đến 2020, phe Dân chủ đã làm mọi cách để ngăn cản ông Trump xây dựng bức tường. Họ đệ đơn kiện, ngăn chặn việc cấp ngân sách và tìm mọi cách trì hoãn. Phản ứng lại việc này, ông Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và đe dọa đóng cửa chính phủ, tuy nhiên cả hai nỗ lực của ông đều thất bại. Mặc dù vậy, ông Trump vẫn thành công trong việc kéo dài bức tường thêm được một nửa số dặm như đã hứa.
Vừa tháng 1 vừa qua, Tổng thống Biden ra lệnh chấm dứt việc cấp ngân sách xây tường biên giới. Tiếp theo sau đây toà án sẽ bận bịu với các vụ kiện, những công nhân đang xây dựng bức tường sẽ bị sa thải và các công ty xây dựng sẽ đóng cửa.
Bất kể bức tường biên giới có phải là một điều tốt hay không, có tốn kém hay không, có nhân văn hay không hoặc có thân thiện với môi trường hay không, thì có một điều quan trọng là quy trình đưa ra chính sách này hoàn toàn không hiệu quả. Tôi cho rằng nước Mỹ vẫn còn quá may mắn khi không phải chứng kiến cảnh cứ người trước xây thì người sau phá đi xây lại mỗi khi có người mới lên đưa ra chính sách mới.
Nguyên lý cao nhất của một hệ thống chính quyền có Quốc hội và Tổng thống là Quốc hội ra luật và Tổng thống thực thi. Điều này thì mọi đứa trẻ trong trường học cũng đều nắm rõ. Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Và đây chính là “điều bình thường mới” trong chính sách nhập cư.
Năm 1964, các liên đoàn lao động – khu vực bầu cử quan trọng của đảng Dân chủ – phàn nàn rằng chương trình “lao động nước ngoài” Bracero (1942-1964) đang khiến công nhân Mỹ mất việc làm và bị giảm lương. Đảng Dân chủ đã huỷ bỏ chương trình này. (Chương trình Bracero là các luật và thoả thuận ngoại giao được khởi xướng ngày 4 tháng 8 năm 1942 khi Mỹ và Mexico kí Thoả thuận Lao động Nông trại Mexico).
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Cộng hòa Ronald Reagan vào những năm 1980, Quốc hội đã thông qua chương trình cải cách nhập cư, theo đó đảng Dân chủ sẽ được quyền ân xá cho 3 triệu người di cư, đổi lại đảng Cộng hòa được quyền thắt chặt an ninh biên giới và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những người sử dụng lao động là người nhập cư không có giấy tờ. Phe Dân chủ tiến hành ân xá, nhưng lại không thực hiện cam kết đã hứa với phe Cộng hoà.
Sau đó, chính sách của Đảng Dân chủ dường như lại đảo ngược. Năm 1993, Tổng thống Dân chủ Bill Clinton bổ nhiệm Nghị sỹ Barbara Jordan đứng đầu Uỷ ban cải cách nhập cư. Bà Jordan, một phụ nữ da đen, được coi như một biểu tượng dân quyền, phát hiện ra rằng nhập cư bất hợp pháp đang gây tổn hại đến việc làm và tiền lương của người lao động Mỹ. Tiếp đó nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Latin, Cesar Chavez, người đi đầu trong việc ủng hộ người lao động nhập cư làm việc tại các nông trại, cũng đứng lên chống lại nhập cư bất hợp pháp.
Năm 1996, bà Jordan qua đời và nỗ lực tìm kiếm một chính sách chặt chẽ hơn đối với nhập cư bất hợp pháp cũng ra đi cùng với bà. Tổng thống Clinton bắt đầu đảo ngược một số cải cách do bà đề xuất lúc sinh thời.
Năm 2005, Quốc hội đề xuất Đạo luật Dreamer (luật nhập cư dành cho những người nhập cư trẻ tuổi và không có giấy tờ, còn gọi là thế hệ Dreamer) với sự hậu thuẫn của cả hai đảng – đạo luật này sẽ đưa ra lộ trình giúp 1 triệu trẻ em được cha mẹ đưa đến Mỹ bất hợp pháp trở thành công dân Mỹ. Nhóm này sẽ được hỗ trợ giáo dục, y tế và phúc lợi, và nếu trở thành thành viên hữu ích của xã hội, họ sẽ được cấp quyền công dân. Năm 2010, Đạo luật thất bại.
Tới năm 2013, một nhóm Thượng nghị sĩ từ cả hai đảng — Nhóm Tám người — dường như đã đưa ra được một thỏa thuận cải cách, tương tự như thỏa thuận dưới thời Tổng thống Reagan nhưng toàn diện hơn. Tuy nhiên, các Hạ nghị sỹ Cộng hoà đã đặt dấu chấm hết cho sáng kiến này, giống như cách đảng Dân chủ đã làm với Tổng thống Reagan.
Ông Obama không còn giữ được bình tĩnh trước việc Quốc hội không đưa ra được hành động gì nên đã tự tay giải quyết vấn đề theo cách riêng của mình. Sử dụng Lệnh hành pháp, ông bắt đầu bằng việc ân xá cho 1 triệu người nhập cư diện “Dreamer” để họ tạm thời không bị trục xuất khỏi nước Mỹ và có thể đáp ứng các yêu cầu của Đạo luật Dreamer nhằm được cấp quyền công dân.
Khi ông Trump tranh cử tổng thống, ông đã cam kết sẽ chấm dứt chương trình Dreamer, một chương trình đã kéo theo rất nhiều các vụ kiện cáo khiến những người nhập cư thế hệ Dreamer cảm thấy bấp bênh về tương lai của mình. Ông Trump đã ký Lệnh hành pháp để xoá sổ chương trình này.
Sau đó vào tháng 1 năm nay, ông Biden đắc cử Tổng thống và bắt đầu ban hành các Sắc lệnh hành pháp của mình để đảo ngược mọi sắc lệnh hành pháp trước đó của ông Trump. Lúc này, rất có thể ông Biden đang phải đối mặt với những rào cản pháp lý giống như ông Obama và ông Trump.
Vấn đề đặt ra ở đây là: dường như không ai hiểu một điều là khi Quốc hội không đồng ý với Tổng thống có nghĩa là những cử tri đã bỏ phiếu cho các nghị sĩ không đồng ý với Tổng thống. Tuy nhiên, các Tổng thống không màng đến điều này mà cứ tiếp tục ban hành các Sắc lệnh hành pháp, đặc biệt là những sắc lệnh này thường không mang tính dân chủ, không hợp pháp và không bền vững về mặt chính trị.
Ông Trump muốn xây dựng được bức tường biên giới trong nhiệm kỳ của mình trong khi đảng Dân chủ muốn thực hiện Chương trình Dreamer. Năm 2019, ông Trump đã đề nghị thoả hiệp để đảng Dân chủ thực hiện Chương trình Dreamer nếu họ đồng ý cấp thêm ngân sách cho ông xây dựng bức tường biên giới. Đảng Dân chủ xác định rằng họ thà để những người nhập cư diện Dreamer phải chịu thiệt còn hơn giúp ông Trump thành công với bức tường biên giới, vì như vậy họ sẽ được lợi hơn về mặt chính trị.
Những câu chuyện không có hồi kết về bức tường biên giới và những người nhập cư diện Dreamer chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong những chiêu trò chính sách đối với nhập cư bất hợp pháp: mở cửa biên giới, giải thể Lực lượng tuần tra biên giới, các thành phố tự nguyện làm nơi trú ẩn an toàn cho người nhập cư không giấy tờ, tách trẻ em khỏi cha mẹ tại biên giới, trục xuất, hệ thống tòa án bị đình trệ bởi các vụ kiện tồn đọng, vắc xin Covid-19 cho người nhập cư không giấy tờ, xử lý đơn xin tị nạn tại Mexico, thành viên băng đảng và những kẻ buôn người trà trộn vào các nhóm người tị nạn, giam giữ tội phạm, phúc lợi và chăm sóc y tế cho người nhập cư không giấy tờ, ….
Vấn đề đặt ra trước mắt khi đại dịch Covid vẫn đang hoành hành là tỷ lệ thất nghiệp cao và nhiều
cơ sở sản xuất kinh doanh phải đóng cửa. Làm thế nào để hàng chục nghìn người nhập cư không giấy tờ có việc làm? Họ có được ưu tiên hơn công dân Mỹ hay không? Nếu họ không có việc, liệu họ có nhận được đầy đủ phúc lợi, giáo dục và chăm sóc y tế hay không? Liệu người nhập cư không giấy tờ có khiến các hệ thống chăm sóc y tế và phúc lợi vốn đang gặp khó khăn lại tiếp tục bị quá tải hay không?Ngay lúc này, nước Mỹ đang phải đối mặt với việc các đoàn người di cư lại một lần nữa đổ dồn về biên giới bởi họ tin vào tuyên truyền của đảng Dân chủ về việc mở cửa biên giới cho bất kỳ người nào muốn đến Mỹ. Dưới thời của chính quyền Obama, đỉnh điểm là mỗi tháng có đến 100.000 người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.
Còn một vấn đề nữa. Điều gì sẽ xảy ra với những người nhập cư hợp pháp còn đang phải chờ đến lượt xử lý hồ sơ? Liệu họ có bị gạt sang một bên hay không? Liệu có xảy ra việc các hồ sơ xin nhập cư hợp pháp sẽ bị giảm bớt để giành chỗ cho người nhập cư không giấy tờ hay không?
Giải pháp là cả hai đảng cần phải gạt những bất đồng của họ sang một bên và điều chỉnh lại chính sách nhập cư. Nhưng liệu họ có làm được như vậy hay không: Không.
Tiến sỹ Terry F. Buss – Chuyển ngữ: Đào Thuý/Soha.vn
Nguồn: Đấu trường Dân chủ