Họa sĩ Ngô Thanh Hùng (sinh năm 1982 – giảng viên trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng) là người đã dành trên 10 năm để vẽ trâu.
“Mục sở thị” tranh vẽ trâu của vị họa sĩ này, người xem như chìm vào thế giới của loài trâu, cảm nhận được sức mạnh, “hồn” trâu qua những đường bút, nét vẽ với màu sắc sinh động, hài hòa. Các tác phẩm vẽ về trâu của anh có chất riêng, khắc họa hình tượng con trâu ở nhiều khía cạnh, giúp người “thưởng” tranh cảm nhận sâu hơn và có góc nhìn khác về loài vật này.
Vẽ trâu – lột tả cảm xúc, nội tâm
Năm 2007, Họa sĩ Ngô Thanh Hùng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật – Đại học Huế. Đến năm 2010, anh mới thực hiện dự định ấp ủ từ lâu và bắt đầu vẽ trâu. Đối với anh, hình ảnh con trâu từ lâu đã in dấu trong tiềm thức, gắn liền với kỷ niệm tuổi thơ.
Họa sĩ tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên tại xứ Nghệ, tuổi thơ gắn liền với trâu. Đối với tôi, con trâu không chỉ là con vật đơn thuần mà còn là phần kỷ niệm. Những hình ảnh cưỡi trâu học bài, thổi sáo, vượt sông, cùng đua trâu với lũ trẻ trong xóm vẫn luôn mãi theo tôi.”
Theo Họa sĩ Ngô Thanh Hùng, con trâu gắn liền với cuộc sống của những người nông dân, biểu tượng của nền văn minh lúa nước. Trâu là loài vật hiền lành, chăm chỉ, gần gũi, thân thuộc với người dân ở các làng quê. Tuy nhiên, trâu cũng là con vật mạnh mẽ, có cảm xúc. Đặc biệt, khi hai con trâu chọi nhau, từ bản tính hiền lành, nó trở nên hùng dũng, lao vào nhau như hiệp sĩ muốn thi thố sức mạnh, bản lĩnh, sự gan lì.
“Không hiểu vì nghiệp hay là duyên, nhưng tôi rất thích vẽ trâu, khi vẽ trâu tôi như hóa thân là chính nó để hiểu và đồng cảm. Mỗi bức tranh, tôi đều thả cảm xúc vào từng đường nét, màu sắc. Vừa vẽ, tôi vừa tưởng tượng, thổi “hồn” vào tranh. Một số bức tranh trâu tôi dành cả tháng để hoàn thiện, nhưng có những bức tôi chỉ vẽ trong 2 tiếng đồng hồ, vì khi ý tượng, cảm xúc đến bất chợt, tôi muốn bắt kịp và ghi lại nó thật nhanh”, anh Hùng chia sẻ.
Con trâu là hình tượng quen thuộc nên nhiều họa sĩ thường chọn hình ảnh trâu để vẽ, sáng tác. Vì vậy, khi mới bắt đầu vẽ tranh về trâu, người họa sĩ phải có hướng đi riêng, tạo sự khác biệt, định hình phong cách cá nhân. Anh Hùng cho hay, hình ảnh con trâu rất gần gũi với mọi người. Nếu vẽ không kỹ sẽ không thể hiện được cái hồn của bức tranh, người xem không thấy được sự khác biệt.
Thời gian đầu khi mới vẽ trâu, anh đã không ít lần thử sức với nhiều phong cách. Sau cùng anh đã chọn trường phải bán trừu tượng. Với trường phái này họa sĩ Ngô Thanh Hùng đã giúp người “thưởng” tranh thấy được những góc cạnh, cảm xúc của con trâu. Đấy là những khoảng khắc tuyệt đẹp, được họa sĩ chăm chút khắc họa lên trong từng hình khối cơ bắp, cặp sừng được vuốt sắc, sự đối đầu, tinh thần, cảm xúc mãnh liệt… Ngoài việc đặc tả sức mạnh, anh cũng khai thác, lột trần mọi góc khuất nội tâm của trâu, cho ta thấy bên trong của sự dũng mãnh, hiếu chiến là nỗi sợ và tình cảm của con trâu. Đặc biệt, trong tranh của anh, không gian và thời gian như hòa trộn vào nhau, khiến cho người xem phải suy ngẫm, cảm nhận.
Chia sẻ phương pháp vẽ tranh trâu, họa sĩ Ngô Thanh Hùng tâm sự: “Khi vẽ tranh trâu, tôi đều bắt đầu vẽ sừng trâu, sau dần mới triển khai biểu hiện cảm xúc, ý tượng trong từng nét vẽ. Tôi kết hợp phong cách trừu tượng, bán trừu tượng để thể hiện mạnh sự va đập, ẩn hiện. Đặc biệt, với kỹ thuật tạo lớp, vệt, bút pháp biến hóa, tạo cảm giác đụng độ, bùng nổ của hai con trâu chọi nhau.
Triển lãm “Nghiệp” – dấu ấn của họa sĩ vẽ trâu
Kỷ niệm đáng nhớ cũng là bức tranh ấn tượng nhất của Họa sĩ Ngô Thanh Hùng, là ở chuyến đi xem chọi trâu ở Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng). Anh Hùng kể: Tại lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, tôi có dịp tiếp cận với con trâu chiến thắng trong lễ hội. Con trâu này hội tụ đủ mọi yếu tố của trâu chiến với cặp sừng sắc nhọn, thân hình vạm vỡ, cơ bắp cuồn cuộn. Mặt nó cũng toát lên sự dũng mãnh. Mặc dù nó không phải là con to nhất nhưng lại dũng mãnh chiến đấu với những con to hơn. Theo dõi trận đấu, tôi thấy sự lì lượm, quyết liệt của nó trong từng lần ra chân lấy đà, đâm vụt cặp sừng sắc nhọn vào đối thủ. Sau cùng, nó giành chiến thắng và được đưa về đình làng. Trái ngược với vẻ hùng dũng khi ra trận đấu, trong ánh mắt của con trâu này, bây giờ ẩn hiện nét buồn. Tôi nghĩ có lẽ nó đã biết được bản thân sẽ bị giết để hiến tế. Bắt gặp được khoảnh khắc đó, cảm xúc của tôi như dâng trào, cảm nhận sâu hơn về tâm tư của loài vật này. Tường tận, cảm nhận được rõ nét hình ảnh con trâu, tôi đã “thử vận” bắt tay vào vẽ, ghi lại đa diện những góc khuất của con trâu với loạt tranh “Đồ Sơn vào hội”.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng Hồ Đình Nam Khoa cho hay, nhắc đến họa sĩ Ngô Thanh Hùng, người ta thường gọi là “Hùng trâu”. Anh là một họa sĩ trẻ nhiều tài năng, có định hướng sáng tác theo phong cách riêng. Loạt tranh trừu tượng vẽ về trâu mà anh sáng tác rất gần gũi, có thần thái. Tranh của anh luôn thể hiện nhiều mặt ngôn ngữ, với bút pháp phóng khoáng. Đặc biệt, họa sĩ Ngô Thanh Hùng luôn dùng các màu sắc đa dạng, gam màu riêng như cam, đỏ, xanh, tím… Đây chính là cái khó nhất của các họa sĩ chuyên nghiệp bởi mỗi người thường chỉ chọn một màu chủ đạo để thể hiện các sáng tác.
Họa sĩ Ngô Thanh Hùng hiện là giảng viên mỹ thuật bộ môn Đồ họa, Khoa Kiến trúc,Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Trong 12 năm giảng dạy ở trường, ngoài thời gian lên lớp, anh dành khá nhiều thời gian cho việc theo đuổi sáng tác thể loại tranh trừu tượng. Anh cho rằng, một người họa sĩ chân chính là sáng tác giống như một thiên chức, ngấm vào máu, ngày nào không cầm cây cọ vẽ là cảm thấy bứt rứt, khó chịu và thấy thiếu một cái gì đó.
Chia sẻ cảm nghĩ khi nói về thầy Hùng, em Nguyễn Thị Như Quỳnh, lớp 19ĐH2, sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng nói: Những bức tranh trâu do thầy Hùng vẽ rất khác biệt. Bắt mắt nhất là màu sắc, cách đi hình, mảng miếng. Em rất mong được thầy chỉ dạy thêm nhiều kiến thức về hình họa, đặc biệt là kỹ năng vẽ trừu tượng.
Chào mừng năm mới Tân Sửu, họa sĩ Ngô Thanh Hùng tổ chức triển lãm tranh với chủ đề “Nghiệp”, trưng bày hơn 30 tác phẩm về trâu khổ lớn, được anh sáng tác từ khi mới bắt đầu theo đuổi vẽ tranh trâu.
Qua buổi triển lãm tranh “Nghiệp”, họa sĩ mong muốn người xem có thể thấy được sức mạnh quật khởi của người Việt Nam. Bởi theo anh, “Nghiệp” của những con trâu phải trải qua các cảm giác khác nhau, từ khi luyện tập đến chiến đấu và cả sự chiến thắng, được làm vật tế dâng lên thần linh cầu mong mưa thuận gió hòa. Điều họa sĩ trăn trở nhất là sau mỗi lễ hội chọi trâu, con trâu mạnh nhất sẽ bị giết thịt để tế thần. Anh hy vọng sẽ không còn thấy trong lễ hội này những đôi mắt buồn của con trâu chiến thắng.
Nguồn: Báo Tin tức