Trang chủ Tin tức Di sản cồng chiêng – niềm tự hào của đồng bào dân...

Di sản cồng chiêng – niềm tự hào của đồng bào dân tộc S’tiêng Bình Phước

133
0

Cồng chiêng được xem là “di sản” văn hóa độc đáo có sức hút mạnh mẽ của đồng bào dân tộc S’tiêng.

Cộng đồng dân tộc S’tiêng Bình Phước xem cồng chiêng là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu giữa con người, thần linh và các thế lực siêu nhiên. Mỗi chiếc cồng chiêng của từng gia đình biểu hiện cho tài sản, quyền lực và sự an toàn.

Di sản cồng chiêng - niềm tự hào của đồng bào dân tộc S’tiêng Bình PhướcMàn biểu diễn cồng chiêng trong lễ hội mừng lúa mới của đồng bào S’tiêng ở Bình Phước. Ảnh: K GỬIH/TTXVN

Di sản cồng chiêng của đồng bào S’tiêng

Ông Điểu Huyền Lít, người dân tộc S’tiêng ở thôn 7, xã Long Giang, thị xã Phước Long là người không chỉ “giữ hồn” cho di sản cồng chiêng của đồng bào S’tiêng Bình Phước mà còn là người cất công sưu tầm nhiều bộ cồng chiêng quý của đồng bào.

Khi một số thành viên trong gia đình mỗi người mang một nhạc cụ cồng hoặc chiêng lên tay cũng là lúc những giai điệu, âm hưởng của núi rừng vang lên. Âm thanh trầm, bổng ngân vang nhịp nhàng theo từng bước chân vòng quanh của những nghệ nhân đồng bào S’tiêng tạo thành hợp khúc của không gian núi rừng, nương rẫy.

“Âm thanh của cồng chiêng vang lên chính là âm thanh của lễ hội, của văn hóa tâm linh của đồng bào S’tiêng. Đây là nét văn hóa riêng, đồng thời cũng là niềm tự hào của đồng bào dân tộc S’tiêng Bình Phước”, ông Điểu Huyền Lít chia sẻ.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 40 dân tộc thiểu số với khoảng 200.000 người, chiếm 20% dân số toàn tỉnh; trong đó người dân tộc S’tiêng có khoảng 100.000 người. Đồng bào S’tiêng Bình Phước được xem là người dân tộc bản địa, sống lâu đời tại các huyện Bù Đăng, Bù Đốp, Hớn Quản, thị xã Bình Long, Phước Long.

Trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào S’tiêng, nghệ thuật trình diễn dân gian được xem là món ăn tinh thần không thể thiếu. Đối với nghệ thuật cồng chiêng, đây là một trong những loại hình nghệ thuật tiêu biểu, có giá trị tinh thần rất cao của người S’tiêng. “Cồng chiêng của Bình Phước là một bộ phận trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. So với những loại hình nghệ thuật khác, cồng chiêng có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của người S’tiêng ở Bình Phước”, nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Nho Dương – Bảo tàng Bình Phước cho biết.

Theo nhà nghiên cứu Đinh Nho Dương, tất cả các lễ hội, các hoạt động giao lưu văn hóa của cộng đồng dân cư S’tiêng đều có sự tham gia biểu diễn của cồng chiêng. Từ những lễ hội quy mô nhỏ mang tính gia đình, đến những lễ hội của sóc, ấp đều không thể thiếu cồng chiêng.

“Không như các loại hình nghệ thuật khác, biểu diễn cồng chiêng còn mang ý nghĩa và nghi lễ tâm linh. Đối với cư dân S’tiêng, cồng chiêng vừa là tài sản quý nhưng cũng đồng thời là vật thiêng trong nhà. Muốn đưa cồng chiêng ra biểu diễn thì trước đó gia chủ phải làm lễ cúng”, ông Đinh Nho Dương, cho biết.

Bà Trương Thị Mỹ Huệ (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước) cho biết, cồng chiêng là di sản văn hóa tồn tại từ nền văn hóa Đông Sơn cách nay 3.500 – 4.000 năm. Văn hóa cồng chiêng là loại hình nghệ thuật gắn với lịch sử văn hóa của các dân tộc thiểu số sống ở Nam Trường Sơn – Tây Nguyên nói chung và Bình Phước nói riêng.

“Cồng chiêng được xem là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu giữa con người, thần linh và các thế lực siêu nhiên. Những chiếc cồng chiêng của mỗi gia đình biểu hiện cho tài sản, quyền lực và sự an toàn”, bà Huệ cho biết.

Theo bà Trương Thị Mỹ Huệ, trải qua thời gian, cồng chiêng đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, đầy sức quyến rũ và hấp dẫn của người S’tiêng Bình Phước. Cồng chiêng S’tiêng đặc biệt không chỉ ở sự độc đáo về các bè trầm bổng mà còn là cuộc sống của người S’tiêng Bình Phước. Nghe cồng chiêng là thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội của đồng bào S’tiêng.

Theo các nhà nghiên cứu, cồng chiêng là loại nhạc khí bằng đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không có núm. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20 – 60cm, loại cực đại có thể lên tới 120 cm. Cồng chiêng có thể dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 – 13 chiếc, thậm chí có nơi 18 – 20 chiếc. Cồng chiêng có thể được gõ bằng dùi, đấm bằng tay. Người S’tiêng Bình Phước chủ yếu đấm bằng tay và áp dụng kỹ thuật chặn tiếng bằng tay trái hoặc tạo giai điệu trên một chiếc cồng, chiêng.

Bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng của người S’tiêng

Di sản cồng chiêng - niềm tự hào của đồng bào dân tộc S’tiêng Bình PhướcBiểu diễn cồng chiêng trong lễ hội mừng lúa mới của đồng bào S’tiêng. Ảnh: K GỬIH /TTXVN

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước cho biết, trong nhiều năm qua, những người làm văn hóa ở Bình Phước đã tiếp nhận khuyến nghị từ các nhà khoa học quan tâm và khuyến khích các hoạt động văn hóa có sử dụng cồng chiêng; đồng thời, duy trì tổ chức các liên hoan cồng chiêng thường niên ở cấp xã, huyện và tỉnh. Qua đó, huy động các đội cồng chiêng, các nghệ nhân người S’tiêng tham gia nhằm truyền cảm hứng và góp phần bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể cồng chiêng. Tại các trường dân tộc nội trú cũng được khuyến khích đưa môn cồng chiêng vào truyền dạy cho các bậc học sinh người đồng bào dân tộc S’tiêng.

Bà Trương Thị Mỹ Huệ cho biết, nhờ đó đến nay, hầu hết các thôn, sóc người S’tiêng trên địa bàn Bình Phước đều có các đội cồng chiêng phục vụ đồng bào sinh hoạt cộng đồng, trong dịp hội hè. “Vào ngày lễ, Tết, hình ảnh quen thuộc bên ngọn lửa thiêng, những vòng người say sưa nhún nhảy theo tiếng cồng chiêng vang dội. Âm thanh cồng chiêng còn là chất men lôi cuốn gái trai vào những điệu múa hào hứng của cả cộng đồng trong những ngày lễ hội. Đó là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào S’tiêng.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Phước, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về văn hóa dân tộc S’tiêng Bình Phước cho rằng: Đồng bào S’tiêng quần cư khá lâu đời và tạo dựng cho riêng mình một bản sắc văn hóa đặc trưng. Nổi bật là các loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, phong phú. Các loại hình nghệ thuật này không chỉ mang bản sắc riêng, phục vụ cộng đồng cư dân mà còn có sự giao thoa văn hóa với các cộng đồng dân tộc khác, làm cho nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật cồng chiêng của đồng bào S’tiêng phong phú hơn.

“Để bảo tồn và phát huy nét đẹp, truyền thống của văn hóa S’tiêng nói chung và nghệ thuật cồng chiêng đồng bào S’tiêng nói riêng, cần có sự quan tâm đúng mức, ưu tiên các nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; có chính sách hỗ trợ để cộng đồng có môi trường và không gian văn hóa rộng mở để bảo tồn di sản”, ông Lê Văn Quang nhận định.

Tại Bình Phước, địa danh sóc Bom Bo đã đi vào lịch sử bởi tinh thần cách mạng quật cường của đồng bào S’tiêng. Nhịp chày giã gạo của đồng bào S’tiêng cùng với âm thanh trầm bổng của tiếng nhạc từ cồng chiêng đã đi vào lòng người qua những áng thơ ca.

Sóc Bom Bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng) là nơi đồng bào S’tiêng quần cư, với lối sinh hoạt, phong tục, tập quán riêng. Đồng bào lấy sản xuất nông, lâm nghiệp làm nghề chính để mưu sinh và sử dụng sắc thái văn hóa truyền thống, qua làn điệu dân ca, điệu nhạc cồng chiêng làm nền tảng sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần.

Năm 2009, tỉnh Bình Phước đã xây dựng khu bảo tồn văn hóa S’tiêng – Sóc Bom Bo với các công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa của dân tộc S’tiêng.

Bên bếp lửa bập bùng, những tiếng hát, điệu nhảy vòng quanh hòa vào những nhịp, thanh âm của cồng chiêng đã tạo nên một không gian riêng của núi rừng, của lễ hội, nơi cộng đồng người dân tộc S’tiêng sinh sống. “Cắc cum cụp cum, cum cụp cum. Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa. Sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khuya… Cách mạng cần gạo nhiều để đánh Mỹ. Sóc Bom Bo sẵn có cối chày đây. Người Bom Bo sẵn có đôi bàn tay. Với tình yêu nước và thù giặc ngày ngày”.

Sỹ Tuyên (TTXVN)

Di sản cồng chiêng - niềm tự hào của đồng bào dân tộc S’tiêng Bình Phước

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng

Hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có giá trị văn hóa cồng chiêng Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung gặp nhiều khó khăn.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây