Trang chủ Chính trị 2 Phó Thủ tướng, 8 Bộ trưởng “thôi” Ủy viên TƯ, Chính...

2 Phó Thủ tướng, 8 Bộ trưởng “thôi” Ủy viên TƯ, Chính phủ thay đổi thế nào?

139
0

2 Phó Thủ tướng, 7 Bộ trưởng đương nhiệm không tham gia BCH Trung ương khóa XIII. 1 Bộ trưởng thuộc diện tái cử nhưng không trúng cử. Dự kiến, Chính phủ khóa tới sẽ thay đổi hơn nửa số thành viên…

Tại cuộc họp báo Chính phủ tối ngày 2/2/2021, báo giới nêu vấn đề, Đại hội XIII của Đảng thành công tốt đẹp và đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, trong đó có một số thành viên Chính phủ không tái cử hoặc không trúng cử để tiếp tục làm Ủy viên Trung ương khóa XIII. Theo thông lệ, sẽ có những thay đổi, kiện toàn bộ máy nhân sự các cơ quan, trong đó có Chính phủ, để bước vào một nhiệm kỳ công tác mới.

Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV hiện tại có Thủ tướng, 4 Phó Thủ tướng, 22 Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ nhưng Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đồng thời là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Như vậy, Chính phủ đương nhiệm có tổng số 26 thành viên.

2 Phó Thủ tướng, 8 Bộ trưởng “thôi” Ủy viên TƯ, Chính phủ thay đổi thế nào?
Các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIV được Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất, tháng 7/2016.

Trong số này, 12 người đủ tuổi tái cử và đã đắc cử Ủy viên Trung ương khóa XIII. Đó là các ông: Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái và Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Dân tộc Đỗ Văn Chiến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhân sự đặc biệt tham gia Bộ Chính trị khóa XIII, để đảm nhiệm vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng tiếp tục tham gia Bộ Chính trị khóa mới.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh lần đầu được bầu vào Bộ Chính trị. Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Dân tộc Đỗ Văn Chiến, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái lần đầu tham gia Ban Bí thư Trung ương. Những nhân sự này, về nguyên tắc, sẽ đảm nhiệm những cương vị công tác mới, chức vụ mới cao hơn.

Có 2 thành viên Chính phủ kỳ này đắc cử và bắt đầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ông Nguyễn Thanh Long đã được bổ nhiệm Quyền Bộ trưởng Y tế từ tháng 7/2020 (thay bà Nguyễn Thị Kim Tiến được miễn nhiệm chức vụ giữa nhiệm kỳ), đến tháng 11/2020 thì được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng. Bà Nguyễn Thị Hồng cũng được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm tháng 11 vừa qua.

Trong bộ máy Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng là một trường hợp đặc biệt được Ban chấp hành Trung ương khóa XII giới thiệu tiếp tục tham gia Ban chấp hành Trung ương khóa XIII. Theo thông lệ, những Ủy viên Trung ương ở trường hợp này sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ công tác hiện tại.

Có 8 thành viên Chính phủ kỳ này hết tuổi công tác và không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII là Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Ngoài ra, có một thành viên Chính phủ là Ủy viên Trung ương khóa XII tái cử nhưng không trúng cử Ban Chấp hành Trung ương khóa mới là Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Nửa đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng là một tư lệnh ngành không trúng cử Trung ương nhưng vẫn được giới thiệu và được phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng.

Như vậy, sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, có thể thấy bộ máy Chính phủ sắp tới sẽ có nhiều thay đổi với quá nửa số thành viên Chính phủ đương nhiệm nhiều khả năng không tiếp tục cương vị công tác hiện tại.

Trở lại với vấn đề báo chí nêu ra với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc họp báo tối qua, người phát ngôn Chính phủ xác nhận việc sẽ kiện toàn bộ máy các cơ quan sau Đại hội Đảng, thời điểm cụ thể do Đảng, Nhà nước quyết định, theo quy trình công tác nhân sự được dự kiến.

Bộ máy Chính phủ thay đổi cụ thể như nào còn phụ thuộc vào các hoạt động tới đây như cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội, sẽ diễn ra cuối tháng 5/2021, vì ngoài Thủ tướng là lãnh đạo do Quốc hội bầu, các thành viên Chính phủ khác cũng phải qua quy trình phê chuẩn bổ nhiệm tại cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Một vấn đề mà người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh là Chính phủ quán triệt tinh thần “không có chuyện chợ chiều, không có tình trạng rã đám” ở những tháng cuối, ngày cuối của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV này.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định “các thành viên làm ngày nào thì làm đến nơi đến chốn, tới ngày nào nghỉ là nghỉ luôn, không có chuyện lợi dụng thời điểm “xế chiều”. Các Bộ trưởng, mặc dù không còn là Ủy viên Trung ương, nhưng vẫn là thành viên của Chính phủ nên vẫn tiếp tục làm hết sức mình trong vai trò tư lệnh ngành”.

Phương Thảo/DT


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây