Ít ai biết rằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một tuổi thơ gian khó. Là con trai út trong gia đình 6 anh chị em, nên ông thường được mọi người gọi là Bảy, sớm xa bố từ khi lọt lòng, mẹ và chị hy sinh khi chỉ hơn 10 tuổi, tuổi thơ của ông gắn liền với bom đạn kẻ thù.
Tuổi thơ gian khó
Ông Nguyễn Quốc Dũng (SN 1947, nguyên Viện trưởng Viện KSND Đà Nẵng), anh trai của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tâm sự: “Ngày chú út Phúc mới sinh, bố tôi (ông Nguyễn Hiền, SN 1918) đã phải ra Bắc tập kết. Ở nhà, mẹ và chị đầu tham gia cách mạng. Tôi thay cha, vừa làm công tác an ninh ở công an huyện, vừa lo chăm sóc, đùm bọc em gái kế Nguyễn Thị Thuyền (SN 1952) và chú út Phúc. Quê hương đầy tiếng bom đạn kẻ thù. Cảnh thiếu đói triền miên, phải lót dạ qua ngày bằng khoai sắn…”
“Vất vả nhưng chú út rất ham học, sáng dạ, chăm ngoan” ông Dũng kể. “Chừng 10 tuổi, trong lúc đi học về, chú út chạy vào giao thông hào tránh bom địch, bị quả rốc-két nổ trúng hai người đi phía trước chỉ cách chừng sải tay. Chú út thoát chết trong gang tấc”.
Theo ông Nguyễn Văn Thành (SN 1954), anh họ Thủ tướng chia sẻ, xã Quế Phú nằm trong vùng địch chiếm đóng từ Vĩ tuyến 17 trở vào, cho nên cuộc sống người dân rất khó khăn, cơ cực. Căn nhà nhỏ của gia đình ít nhất 3 lần bị đốt phá. Tháng 4/1965, trong trận càn của địch hòng chiếm lại vùng giải phóng, chị gái ông là Nguyễn Thị Phụng tham gia du kích và hy sinh tại núi Hồn Cát. Chưa đầy một năm sau, mẹ ông cũng bị sát hại khi phát hiện bà lập căn cứ nuôi dưỡng các cán bộ cách mạng nằm vùng, khi ấy ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ mới mới 12 tuổi.
Ông Dũng một mình cáng đáng, vội đưa em gái và chú út Bảy lên núi lánh nạn trước những đợt truy sát gắt gao của địch. Hơn năm rưỡi, ông Dũng cuốc bộ 70-80km, gùi sắn gạo lên gửi người dân nuôi các em ăn học trước khi làm thủ tục chuyển út Phúc ra Bắc học tập (năm 1967).
“Tận mắt chứng kiến biết bao mất mát hi sinh, tinh thần chú út rất rắn rỏi. Ngày đi ra Bắc, chú còn bé nhưng như một ‘cậu bé thép’ đầy quyết tâm. Chú hứa học hành thật tốt để báo hiếu mẹ, chị, xây dựng, phát triển quê hương”, ông Dũng kể lại.
Còn trong ký ức của ông Võ Ngọc Hoàng, người bạn thời tuổi thơ của Thủ tướng, ông là một người hiền lành, chịu khó, không sợ gian khổ và thông minh, sống chan hòa được nhiều bà con thương mến: “Trong giai đoạn từ năm 1960-1964, tôi và ông Nguyễn Xuân Phúc cùng ở thôn 9, nay là thôn Hương Quế Tây, xã Quế Phúc và học ở trường làng. Trong thời gian ấy, do chiến tranh bom đạn nên bọn tôi thay đổi trường học liên tục. Chúng tôi đi học nhiều lúc phải nhịn đói, cơm không đủ ăn. Thế nhưng cho dù điều kiện học tập và cuộc sống hết sức gian khó, ông Phúc vẫn học rất giỏi. Ngoài ra, tôi và ông Phúc còn tham gia hoạt đội du kích địa phương, sinh hoạt đội thiếu niên tiền phong, lúc nào ông ta cũng rất năng nổ, nhiệt tình”.
Nặng tình làng nghĩa xóm
“Ngay cả sau này khi trở thành cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước khi về quê ông Phúc vẫn thể hiện là một người sống có tình có nghĩa. Điều này khiến nhân dân địa phương rất khâm phục và quý mến”, ông Hoàng kể lại.
Ông nhớ nhất là dịp 30/4/2011, ông Nguyễn Xuân Phúc – khi ấy vừa được bầu làm Phó Thủ tướng – về thăm lại quê hương, dâng hương lên các anh hùng liệt sĩ và tham gia buổi gặp mặt anh em kháng chiến tại địa phương.
Khi vừa về đến quê, gặp một đám tang của người dân, ông Nguyễn Xuân Phúc liền vào phúng điếu, rồi mới tiếp tục đi thắp hương tại nhà bia tưởng niệm liệt sĩ. Thế rồi trong buổi hội ngộ anh em kháng chiến, ông đã dặn dò: “Anh em đồng chí gặp mặt là vui nhưng không nên ca hát kẻo ảnh hưởng đến đám tang”.
“Hành động này của đồng chí Phúc khiến bản thân tôi và nhân dân rất nể phục. Dù là lãnh đạo cấp cao, sống xa quê đã lâu nhưng ông vẫn không quên tình làng nghĩa xóm.
Sau này, dù tập kết ra Bắc từ rất sớm, nhưng ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn thường xuyên về thăm quê hương khi có cơ hội, người dân xã Quế Phú nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung vẫn luôn nhớ về ông như một người lãnh đạo chất phác, một người bà con giản dị của đồng bào Quảng Nam”, ông Võ Ngọc Hoàng bày tỏ.
T.H.
Nguồn: Cánh cò