Trang The Times của Ấn Độ vừa có bài viết nói về sự kiện chính trị quan trọng nhất của đất nước, Đại hội Đảng XIII. Với những kết quả, thành tích đã đạt được trong năm 2020 nói riêng và trong 5 năm qua, Việt Nam đã ghi dấu ấn với những đột phá, nổi bật trong những hoàn cảnh khó khăn và những tình huống đối mặt với thế giới.
Theo The Times, trong nhiều năm qua, Việt Nam được biết đến là một quốc gia an toàn, hiếm khi xảy ra bạo lực, tranh chấp lãnh thổ và với chỉ số về an ninh con người đang dần được cải thiện. Với sự ổn định về chính trị, người dân Việt Nam hiện nay tin tưởng vào hệ thống chính trị và các cấp lãnh đạo của Đảng, do đó các quyết sách quan trọng của Đảng thường được người dân Việt Nam hoàn toàn ủng hộ.
Năm 2020, điểm nổi bật đối với Việt Nam là việc kiểm soát rất sớm đại dịch Covid-19, đồng thời quản lý sát sao để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt hơn là sự thành công của Chính phủ trong việc thực hiện sứ mệnh ‘mục tiêu kép’ với tất cả sự linh hoạt, chủ động, sáng tạo, sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đoàn kết của toàn dân Việt Nam. Nhìn nhận về vấn đề này, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định về cuộc chiến chống Covid-19 là: “Mây đen che kín thế giới, nhưng mặt trời vẫn chiếu sáng Việt Nam”.
Điều này thể hiện một điều kỳ diệu chỉ có ở Việt Nam, một quốc gia có 95 triệu dân nằm ngay cạnh Trung Quốc, nhưng đã kiểm soát được sự lây lan của đại dịch với nguồn lực y tế hạn chế so với các nước phát triển khác trên thế giới.
Về kinh tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã nằm trong top 10 quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới trong 5 năm qua, và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Vào năm 2020, khi phần lớn các quốc gia có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức 2,91%, đóng góp vào GDP bình quân trong 5 năm đạt 5,9%.
Nền kinh tế Việt Nam tạo ra giá trị GDP hơn 1.200 tỷ USD; hơn 8 triệu việc làm mới; thu nhập bình quân của người dân tăng gần 145% và quy mô nền kinh tế tăng 1,4 lần, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 – 2020 tăng từ 176,58 tỷ USD năm 2016 lên gần 281,5 tỷ USD năm 2020, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân khoảng 11,7%/năm. Việt Nam cũng được công nhận là trở thành một “trung tâm sản xuất” trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam là một phần của châu Á với sự trỗi dậy năng động với nền kinh tế ngày càng mở rộng, đa dạng và được đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển, bao gồm cả trong nền kinh tế kỹ thuật số. Việt Nam được đánh giá là đối tác quan trọng trên mọi lĩnh vực, là nền kinh tế năng động, có môi trường đầu tư thân thiện, hệ thống chính trị ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác đối ngoại và là nhân tố quan trọng trong hợp tác kinh tế quốc tế, theo The Times.
Từ năm 2016 đến nay, Việt Nam liên tục ký kết 5 Hiệp định Thương mại tự do trong đó có 4 Hiệp định Thương mại tự do đã và đang thực thi, nâng tổng số Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết lên 14. Quy mô và ưu đãi của từng Hiệp định ngày càng được mở rộng, đặc Hiệp định RCEP vào năm 2020, là hiệp định thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Các bên ký kết hiệp định RCEP bao gồm 10 quốc gia ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand với tổng GDP của 15 quốc gia là hơn 26 nghìn tỷ USD, và chiếm gần 30% GDP thế giới, trong khi chiếm 1/3 của dân số toàn cầu. Hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam.
Trong những năm qua, dấu ấn nổi bật của Việt Nam là đã thể hiện rõ vai trò kết nối, nâng cao quan hệ hữu nghị, hợp tác và làm sâu sắc thêm lòng tin giữa các nước trong và ngoài khu vực. Việt Nam đã xây dựng kế hoạch chiến lược dài hạn về đối ngoại và phát triển kinh tế. Quan hệ ngoại giao và hội nhập quốc tế đạt được những thành công quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực.
Năm 2020, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã chủ động thể hiện vai trò lãnh đạo đặc biệt trong các lĩnh vực như:
Thứ nhất, Việt Nam thống nhất các nước ASEAN trong vấn đề ứng phó và khắc phục đại dịch.
Thứ hai, Việt Nam đã xây dựng được sự đồng thuận về lập trường trung lập và vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh giữa các siêu cường.
Thứ ba, Việt Nam đã thành công đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Thứ tư, Việt Nam củng cố tuyên bố chính sách của ASEAN về Biển Đông bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Trong Hội nghị Cấp cao ASEAN, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ cần tránh các hành động làm gia tăng căng thẳng, không quân sự hóa và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và tiếp tục nỗ lực đạt được COC hợp lệ và hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS 1982.
Hơn nữa, năm 2020, Việt Nam cũng gặt hái được nhiều thành công với vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (UNSC). Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến trong các lĩnh vực như hoạt động nhân đạo, hoạt động gìn giữ hòa bình, hoạt động chống biến đổi khí hậu, hoạt động phòng chống tội phạm mạng. Đối với Liên hiệp quốc, Việt Nam đã nêu chính sách trở thành ‘Đối tác vì hòa bình bền vững’”.
Việt Nam còn là quốc gia chủ trì, đề nghị Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua Nghị quyết lấy ngày 27 tháng 12 hàng năm là Ngày quốc tế phòng chống dịch.
Qua đó có thể thấy tiếng nói của Việt Nam ngày càng có trọng lượng hơn tại khu vực và cả trên trường quốc tế với năng lực chủ trì, điều hành, lãnh đạo tại các hội nghị, diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế ngày càng được chứng minh.
Với những dấu son chói lọi trên các lĩnh vực, Đại hội XIII của Việt Nam sẽ tiếp tục đưa đất nước Việt Nam đi vào chiều sâu, hội nhập sâu rộng với thế giới với vai trò, vị thế ngày càng cao, được các đối tác tin tưởng vào uy tín của Việt Nam.
Bảo Trâm (Lược dịch theo The Times)
Nguồn: Cánh cò