Cứ 5 năm lại một lần Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa quan trọng cho mọi tổ chức đảng và các đảng viên.
Đây là lẽ đương nhiên, bởi nghị quyết Đại hội (ĐH) sẽ chỉ ra phương hướng hoạt động, những mục tiêu phải đạt, những công việc quan trọng phải triển khai trong mấy năm tới cho các tổ chức đảng trong cả nước và đã là tổ chức đảng, đảng viên thì buộc phải chấp hành. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc.
Nhưng đồng thời, ĐH cũng có ý nghĩa đối với cả xã hội và người dân, bởi trong hệ thống chính trị duy nhất một đảng cầm quyền như Việt Nam thì những quyết sách của ĐH sẽ tác động tới đất nước, tới cuộc sống của người dân.
Ý chí chính trị của Đảng cầm quyền trong nhiều trường hợp sẽ được thể chế hóa, trở thành pháp luật và do đó buộc cả xã hội, từng người dân phải tuân thủ, chấp hành. Ý chí chính trị đúng và phù hợp sẽ tạo cơ sở cho sự phát triển của xã hội. Cũng chính vì vậy, ngay đoạn mở đầu của dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội 13 đã nêu cán bộ, đảng viên, nhân dân đặt kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.
Vậy trong con mắt người dân thì những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn là gì và người dân có sự suy nghĩ ra sao để kỳ vọng vào những quyết sách này?
Xét cho đến cùng, sự kỳ vọng này không nằm ngoài 2 nội dung có tính quan trọng nhất được quyết tại ĐH là chính sách trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và nhân sự. Các quyết sách về 2 nội dung này mà đúng đắn thì quả là điều tốt đẹp cho đất nước và người dân.
Quyết sách về chính sách:
Nội dung nên ngắn gọn
Thường sau ĐH là hàng loạt các hội nghị của Đảng về phổ biến và học tập nghị quyết ĐH. Đảng viên còn phải có hướng dẫn mới hiểu nghị quyết thì dân thường quả là khó biết bao. Người dân muốn đọc, tìm hiểu cặn kẽ nghị quyết ĐH thì có vấn đề gì đặt ra? Vấn đầu tiên là nghị quyết nên ngắn gọn cho dễ đọc. Ngắn gọn, cô đọng, súc tích là hêt sức cần thiết.
Các tài liệu mà sau này trở thành nghị quyết của ĐH vẫn được chuẩn bị theo kiểu truyền thống. Theo cách tiếp cận này nên ngành nào, lĩnh vực nào cũng phải được đề cập ví dụ như công thương, nông nghiệp, tài chính, kế hoạch, văn hóa, thể thao, nội vụ, quốc phòng, công an, ngoại giao, tôn giáo, dân tộc… Còn nếu xét theo góc độ giai tầng xã hội thì cũng phải đủ cả công, nông, binh, trí, người cao tuổi, cựu chiến binh, thanh niên, phụ nữ… Thể hiện theo kiểu này mà không dài mới lạ. Dường như chỉ lo bỏ sót cái gì đó, đâm ra cố liệt kê cho đủ, mà đã cố liệt kê thì không dễ đầy đủ.
5 năm không phải là khoảng thời gian dài, cho nên về cơ bản, chính sách trên các lĩnh vực, các ngành khó có sự thay đổi lớn và vì vậy không nhất thiết phải đề cập đến. Không đề cập đến không có nghĩa là bỏ sót, mà là tiếp tục thực hiện chính sách đã quyết trước đó trên các lĩnh vực này. Đương nhiên, nếu có sự thay đổi lớn về chính sách nào đó thì nhất thiết nghị quyết ĐH phải thể hiện rõ. Tiếp cận theo cách này chắc chắn nghị quyết ĐH sẽ ngắn gọn.
Nội dung nên dễ hiểu
Các chính sách do ĐH thông qua rất nên dễ hiểu, rất nên tránh tình trạng khó hiểu và đặc biệt là tránh hiểu theo nhiều cách khác nhau.
Chẳng hạn, chính sách đối với thành phần kinh tế tư nhân thời gian tới như thế nào, có gì thay đổi lớn, nhà nước có ưu tiên gì trong phát triển kinh tế tư nhân? Đọc nghị quyết ĐH là rõ ngay những nội dung này? Hoặc chính sách về đất đai nói chung có gì thay đổi không? Các nhà đầu tư nước ngoài có hoàn toàn yên tâm về các chính sách và thể chế sau này cụ thể hóa những chính sách đã được thể hiện trong nghị quyết ĐH về đất đai?
Tham khảo thêm
Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy chính sách rõ, định hướng chính sách rõ sẽ tạo điều kiện thuận lợi sau này cho khâu thể chế hóa.
Rất nên có những chính sách rõ như xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình tiến tới miễn học phí đối với học sinh phổ thông, trước hết là đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở hoặc tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp…
Nội dung của những chính sách và định hướng này là rất rõ, đọc hiểu ngay và lại càng không thể hiểu theo các cách khác nhau. Các nhà làm luật sau này hẳn không còn phải dò dẫm để hiểu được đúng vấn đề, nội dung của chính sách đã được ĐH thông qua.
Không nên quyết ngay những vấn đề chưa rõ
Chuyển sang kinh tế thị trường vẫn là một quá trình học kinh nghiệm của các nước để vận dụng vào nước ta.
Mặc dù bước chuyển sang kinh tế thị trường cũng đã được một khoảng thời gian, nhưng xét đến cùng so với các nước có kinh tế thị trường hàng trăm năm thì chúng ta vẫn là chập chững những bước đi ban đầu. Và vì vậy, rất nhiều thứ đối với ta còn khá mới mẻ, phải học dần mới hiểu và làm đúng, trong đó đặc biệt là dịch vụ công và trách nhiệm của nhà nước cung cấp dịch vụ công cho người dân, xã hội.
Kinh nghiệm nhiều nước có kinh tế thị trường và có nền hành chính công phát triển cho thấy nhà nước chí ít phải duy trì quy mô dịch vụ công và chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ công do mình cung cấp. Trong bối cảnh như vậy, cần hết sức thận trọng, chưa nên quyết ngay những chính sách như:
Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, đặc biệt là trong 2 lĩnh vực quan trọng đối với người dân là giáo dục và y tế, nhất là trong điều kiện nhận thức và hiểu biết về dịch vụ công về giáo dục và y tế và về trách nhiệm của nhà nước trong vấn đề này còn khá là hạn chế và khác biệt.
Thực hiện cơ chế giá thị trường cho một số loại hàng hóa, dịch vụ công;
Thực hiện cơ chế tự chủ một số trường phổ thông tại các đô thị lớn, các nơi có điều kiện;
Thí điểm cơ chế cho thuê một số cơ sở giáo dục sẵn có theo nguyên tắc bảo đảm tất cả học sinh được đến trường…
Quyết sách về nhân sự:
Nhân sự trung ương cần phải là “hiền tài”, “nguyên khí quốc gia”
Suy đến cùng, nước nào cũng là đảng cầm quyền có quyền và trách nhiệm lựa chọn người cầm quyền trong số đảng viên của mình. Cho nên lựa đúng người hay không gần như là câu chuyện của các đảng chính trị, người dân không có mấy khả năng tác động đến nhân sự kiểu này. Dân bầu tổng thống ở Mỹ về bản chất là bầu cho người được các đảng lựa chọn ra để chuẩn bị cầm quyền. Thủ tướng Anh, Đức hay Nhật cũng là được lựa chọn ra theo cách tương tự.
Ta cũng chẳng khác là bao. Sau này, người dân đi bầu Quốc hội và HĐND các cấp về cơ bản cũng là bầu những người do Đảng lựa chọn ra và giới thiệu. Năng lực, phẩm chất của các vị chuẩn bị cầm quyền, điều hành đất nước là đặc biệt quan trọng.
Cho nên 200 vị ủy viên Ban chấp hành Trung ương do Đại hội bầu ra sẽ là những người cầm quyền chủ yếu ở đất nước này và người dân có quyền kỳ vọng đây thực sự là các vị hiền tài của đất nước, là nguyên khí của quốc gia.
Đinh Duy Hòa/VNN
Nguồn: Cánh cò