Việc nước ta ứng phó thành công với tình thế ‘3 trong 1’: vừa chống dịch, vừa duy trì ổn định KT-XH, vừa thích ứng với cục diện thế giới phức tạp, một lần nữa khẳng định những sức mạnh mềm lớn lao của dân tộc.
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đến gần. Nhìn lại nhiệm kỳ qua, đất nước ta đã phải đối mặt với vô vàn thách thức, cam go, song nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã kiên cường vượt qua, giành nhiều thành tựu được cả thế giới khen ngợi.
Trong số những thành công ấy, “quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đạt nhiều thành tựu nổi bật” như dự thảo văn kiện Đại hội ghi nhận.
“Sự hiện diện mạnh mẽ của VN” trên trường quốc tế
Nhìn lại những năm tháng nước ta bị bao vây, cô lập bịt bùng, chúng ta càng trân quý những gì có được ngày hôm nay, khi nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới, trong đó nâng tầm quan hệ lên mức “đối tác chiến lược” hay “đối tác toàn diện” với mấy chục quốc gia, trong đó có tất cả các nước lớn.
Không có những mối quan hệ ấy, thì làm sao hàng vạn các bạn trẻ có thể học hành, làm ăn ở nước ngoài; khoe tài, khoe sắc trên các đấu trường quốc tế và du ngoạn khắp thế gian?
Bất chấp những biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ, nước ta đã thúc đẩy hơn nữa những thỏa thuận về Khu vực mậu dịch tự do (FTA). Cho tới nay, đã ký tới 15 thỏa thuận, trong đó có 5 thỏa thuận được ký trong nhiệm kỳ này, biến Việt Nam thành nước có độ mở rộng nhất hoàn cầu. Chính nhờ vậy mà kim ngạch xuất – nhập khẩu của Việt Nam vẫn tăng cao ngay cả trong lúc toàn thế giới phải vật lộn với Covid-19; các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam tới 173 – 174 tỉ USD trong vòng 5 năm! Nhớ lại đúng 25 năm trước đây, khi nước ta gia nhập ASEAN, đồng thời tham gia AFTA, anh em chúng tôi nằm mơ cũng không tưởng tượng nổi vị thế như hiện nay!
Một thành quả nổi bật khác là nước ta đã giành được vị thế và uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế thông qua hoạt động tích cực, đầy trách nhiệm trên các diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu.
Để tránh mang tiếng là “tự khen”, ta hãy đọc lại những lời có cánh của thiên hạ về những đóng góp của nước ta trên các diễn đàn ấy. Về vai trò dẫn dắt của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong một năm rất khác thường, Tổng thư ký của Hiệp hội Lim Jock Hoi đánh giá: “ASEAN đã đoàn kết và ngay từ tháng hai, đã nhanh chóng phản ứng trước đại dịch. Sự phản ứng như vậy chủ yếu nhờ ở vai trò lãnh đạo của Việt Nam, nhất là thông qua việc khuyến khích đối thoại và hợp tác giữa các nước thành viên”.
Còn Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho rằng: “Với tư cách ủy viên không thường trực HĐBA, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững. Kỷ niệm 75 năm quốc khánh Việt Nam trùng với dịp Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN và thành viên HĐBA thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ của Việt Nam trên trường quốc tế”.
Giữ vững chủ quyền lãnh thổ cả trên bộ lẫn trên biển
Một thành công nổi bật khác là ngoại giao Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc củng cố môi trường hòa bình, giữ vững chủ quyền lãnh thổ của đất nước cả trên bộ lẫn trên biển. Minh chứng cho điều đó là trong nhiệm kỳ qua, chúng ta đã cùng các bạn Lào hoàn tất chương trình tăng dầy hệ thống mốc quốc giới; với Campuchia, chúng ta đã ký các văn kiện pháp lý xác định 84% chiều dài đường biên giữa hai nước; còn đối với tình hình trên Biển Đông, chúng ta tiếp tục kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền chính đáng của mình, thông qua đối thoại song phương và đa phương trên cơ sở thượng tôn pháp luật, nhất là UNCLOS 1982, để đi tới giải pháp lâu dài.
Nếu tính cả các thỏa thuận về biên giới trên bộ và vịnh Bắc bộ với Trung Quốc, phân định vùng biển với Malaysia, Indonesia và Thái Lan, lần đầu tiên nước ta ký kết được cả một hệ thống các hiệp định quốc tế xác định rõ biên cương Tổ quốc cả trên bộ lẫn trên biển, ngoại trừ các vấn đề trên Biển Đông…
Chúng ta có đầy đủ cơ sở để khẳng định rằng những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực đối ngoại là một điểm sáng làm rạng rỡ hơn cơ đồ, tiềm lực cũng như vị thế và uy tín của VN trên trường quốc tế.
“Chuông có to, tiếng mới lớn”
Vậy điều gì đã làm nên những thành tựu nổi bật ấy?
Bác Hồ từng căn dặn: “Phải trông ở thực lực. Thực lực là cái chuông, ngoại giao là cái tiếng. Chuông có to, tiếng mới lớn”. Bên cạnh “sức mạnh cứng” về quốc phòng và kinh tế đã gia tăng đáng kể, tuy còn hạn chế; chúng ta còn có một nguồn lực to lớn khác, đó là “sức mạnh mềm”.
Sức mạnh ấy thể hiện trong truyền thống quật cường, chí khí anh hùng trong sự nghiệp bảo vệ giang sơn; đó là đức tính cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động; đó là truyền thống hiếu học, trí thông minh, khả năng tiếp thu cái mới và thích nghi với mọi biến động; đó là những giá trị nhân văn, truyền thống đoàn kết đùm bọc lẫn nhau đi đôi với thái độ rộng mở với bên ngoài…
Một nhân tố quan trọng khác tạo nên sức mạnh mềm của dân tộc là đường lối đối ngoại đúng đắn, đặt cao lợi ích quốc gia – dân tộc và tinh thần độc lập tự chủ đi đôi với sách lược thiên biến vạn hóa trong hành động, là sức mạnh tổng hợp đối ngoại Đảng với ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân, ngoại giao chính trị đi liền với ngoại giao trên các lĩnh vực khác…
Việc nước ta đã ứng phó thành công với tình thế “3 trong 1” trong năm qua: vừa chống dịch, vừa duy trì ổn định kinh tế – xã hội, vừa thích ứng với cục diện thế giới phức tạp, một lần nữa khẳng định những sức mạnh mềm lớn lao của dân tộc.
Phát triển con người toàn diện
Tuy nhiên, chúng ta không thể gối cao ngủ kỹ, vì trên con đường tiến lên phía trước, còn không ít chông gai, trở ngại.
Để mươi năm nữa đưa nước ta lên hàng quốc gia có thu nhập trung bình cao và 25 năm nữa thành nước phát triển, đâu có phải là cuộc rong chơi trên con đường chỉ có hoa hồng!
Đúng như Bác Hồ từng gửi trọn niềm tin vào thanh niên khi Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước lên đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Tôi trộm nghĩ, khi nói tới “công học tập”, Bác không chỉ hàm ý học tập văn hóa, mà ý Người còn bao hàm cả ý “học làm người”…
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu cao định hướng “Phát triển con người toàn diện… Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin và khát vọng đất nước phồn vinh hạnh phúc; tài năng, trí tuệ của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”. Chỉ với những phẩm chất ấy, chúng ta mới có thể vững bước tiến ra thế giới rộng lớn với rất nhiều cơ hội đan xen biết bao thách thức.
Chắc rằng, những kỳ vọng trên của Đảng là dành cho thế hệ thanh niên, là niềm tin và hy vọng của các thế hệ ông cha đặt vào các bạn – những trai thanh nữ tú, con Lạc cháu Hồng đầy nhiệt huyết, tài năng.
(Theo TNO)
Nguồn: Cánh cò