Trang chủ Chính trị “Không muốn tham nhũng” là một điểm nhấn trong dự thảo văn...

“Không muốn tham nhũng” là một điểm nhấn trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII

146
0

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong công tác xây dựng Đảng được thể hiện qua dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII là bổ sung yếu tố “không muốn” tham nhũng.

Trong phần tiếp theo trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương (Ủy viên thường trực Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIII) cho biết nhiều điểm mới, điểm nhấn về công tác xây dựng Đảng được thể hiện trong dự thảo văn kiện chính thức trình Đại hội XIII tới đây.

Theo ông Thông, trước Đại hội XII,  chúng ta nói ba mặt công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Đến Đại hội XII nói bốn mặt công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Lần này, Đại hội XIII nói rằng “xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện trên năm mặt: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”.

“Không muốn tham nhũng” là một điểm nhấn trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII
Hội nghị Trung ương 14 đã thảo luận, tiếp thu ý kiến hợp lý, xác đáng của các tổ chức đảng và nhân dân đưa vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII.

Tạo ý thức “không muốn” tham nhũng

Cũng liên quan đến công tác xây dựng Đảng, PGS.TS Nguyễn Viết Thông cho biết, nhiều ý kiến đóng góp về vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đây cũng là mong muốn của toàn Đảng, toàn dân và đã được dự thảo văn kiện đã thể hiện rõ tinh thần “tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.

Điểm khác biệt là từ Đại hội XII trở về trước chỉ nói “ba không” trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí là không thể, không dám và không cần.

Lần này, dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII đặt vấn đề “bốn không”, ngoài “ba không” như lâu nay có thêm một không nữa là “không muốn” tham nhũng.

“Tại sao lại nói “không muốn”, thực tế Việt Nam có những cán bộ đủ ăn, thậm chí là thừa ăn vẫn cứ tham nhũng. Điều này khác với câu của ông cha ta nói “đói  đầu gối phải bò”, “đói ăn vụng, túng làm liều”, một số cán bộ không đói, không túng mà vẫn tham nhũng. Trên thế giới cũng như vậy, Tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng,… cán bộ cao cấp của một số quốc gia cũng tham nhũng”, PGS.TS Nguyễn Viết Thông khẳng định.

Từ thực tế của Việt Nam và thế giới, lần này, dự thảo văn kiện bổ sung yếu tố “không muốn”, tức là phải giáo dục, tạo ra ý thức không muốn tham nhũng. Đây cũng là điểm mới đáng chú ý trong công tác xây dựng Đảng.

Điều này được thể hiện trong dự thảo văn kiện: “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức”.

Còn “không thể” tham nhũng, theo ông Thông,  là sự nhấn mạnh đến việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để không có kẽ hở để người ta lợi dụng tham nhũng.

“Không dám” tham nhũng là tiếp tục tinh thần mạnh hơn như khóa XII đã làm là phòng chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ và không ngừng nghỉ”.

”Mở lại phiên tòa xử ông Vũ Huy Hoàng, 22/1 mở phiên tòa xử vụ Ethanol Phú Thọ để nói rằng những ngày sát Đại hội Đảng, đến Tết vẫn làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngừng nghỉ, phải xử nghiêm”, ông Thông dẫn chứng.

Còn “không cần” tham nhũng là phải cải cách tiền lương, đảm bảo cuộc sống cho cán bộ để họ yên tâm làm việc, không cần tham nhũng.

“Không muốn tham nhũng” là một điểm nhấn trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII
PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương (Ủy viên thường trực Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIII).

Xây dựng quân đội, công an hiện đại vào năm 2030

Về quốc phòng, an ninh, PGS.TS Nguyễn Viết Thông cho biết, tiếp thu ý kiến của các tổ chức đảng, cụ thể là ý kiến của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, dự thảo văn kiện lần này có bổ sung một số ý cực kỳ lớn, rất hệ trọng.

Dự thảo cũ viết là “xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số quân chủng, binh chủng, lực lượng có mặt tiến nhanh lên hiện đại”.

Hội nghị Trung ương 14 đã thảo luận thống nhất sửa lại thành “xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại (thay chữ “tiến nhanh” thành chữ “tiến thẳng”). Nhưng đặc biệt là, dự thảo văn kiện hoàn thiện thêm cụm từ ở phía sau là “tất cả hiện đại vào năm 2030”.

“Tức là cả quân đội và công an là phải hiện đại vào năm 2030. Đây là một vấn đề rất lớn, rất hệ trọng”, ông Thông nhấn mạnh.

Một điểm nữa là khi nói về lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ, dự thảo cũ chưa nói đến trên biển thì lần này có đề cập đến “xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trên biển”. Đấy cũng là điều rất mới so với dự thảo cũ.

Về dân chủ xã hội chủ nghĩa và đại đoàn kết toàn dân tộc, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho hay, ý kiến của các tổ chức đảng và nhân dân rất phấn khởi và đồng tình rất cao phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng”.

Về ba khâu đột phá chiến lược, PGS.TS Nguyễn Viết Thông cho biết, nhân dân và các tổ chức đoàn thể góp ý chủ yếu vào đột phá về nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Hội nghị 14 vừa rồi đã thảo luận và xác định lại đột phá thứ hai phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và một số lĩnh vực then chốt.

Đột phá về hạ tầng, dự thảo mới lần này là chỉ nói đến hai hạ tầng có tính chất quyết định để đất nước phát triển nhanh, bền vững. Đó là ưu tiên xây dựng một số công trình giao thông trọng điểm; thứ hai là hạ tầng thông tin, viễn thông để tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số, phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0.

Đánh thức tính liêm sỉ trong mỗi con người đã bị “ngủ quên”

Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam cho rằng, “không muốn” tham nhũng đạt được ở một con người có trình độ văn hóa chín muồi, một loại ý thức cao cấp.

Tức là họ coi những hiện tượng dối trá, hiện tượng tham nhũng là xúc phạm chính mình. Khi họ ý thức được việc “không muốn” tham nhũng thì việc thực hiện hành vi tham nhũng là trái với lương tâm, không làm được.

Lúc nào họ cũng nghĩ đồng tiền mình làm ra là lao động của mình, phù hợp với những gì đã cống hiến, xứng đáng cho mình hưởng thụ. Những người này thường đêm ngủ ngon.

Còn những người đã có hành vi tham nhũng, trái với lương tâm thì thường gặp đối tượng này, gặp đối tượng kia họ sợ bị lộ nên lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, ăn không ngon, ngủ không yên.

“Quan chức phải đạt được một độ chuẩn văn hóa và tính liêm sỉ con người và lòng tự trọng rất cao thì lúc đó họ mới “không muốn” tham nhũng”, ông Kim nhấn mạnh.

Theo ông Kim, việc đưa nội dung này vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII là rất trúng và đúng với bối cảnh hiện nay nhằm đánh thức tính liêm sỉ trong mỗi con người đã bị “ngủ quên” bấy lâu nay.

“Theo tôi việc này không khó thực hiện. Bởi trên thực tế vẫn còn rất nhiều người có lòng tự trọng cao, họ không muốn tham nhũng dù có cơ hội tham nhũng. Tuy nhiên, những người như vậy họ thường không nói ra. Cách ứng xử không muốn tham nhũng của người ta là để sống một cuộc sống thanh thản”, ông Vũ Trọng Kim nói.

Thu Hằng – Trần Thường/ VNN 


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây