Chiều 13/1, tại thành phố Chí Linh (Hải Dương), Ban điều hành thăm dò, thám sát, khai quật khảo cổ chùa Ngũ Đài (thuộc UBND tỉnh Hải Dương) phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tổ chức hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò, thám sát và khai quật khảo cổ học di tích chùa Ngũ Đài, phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết: Theo lý lịch di tích và truyền tụng trong dân gian, chùa Ngũ Đài (Kim Quang tự) nằm ở chân núi Đống Thóc, thuộc khu vực Ngũ Đài Sơn, phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh do Thiền phái Trúc Lâm xây dựng dưới triều vua Trần Minh Tông (năm 1320) và trùng tu vào các thời Lê, Nguyễn, đã có một thời kỳ phát triển rực rỡ với quy mô nguy nga, tráng lệ. Tuy nhiên, trải qua thời gian nắng mưa tàn phá cùng với biến động lịch sử, ngôi chùa đã bị hư hại nặng nề. Ngôi chùa hiện còn được nhân dân tu bổ, tôn tạo vào các năm 1936, 2003 với quy mô khá khiêm tốn so với quy mô từng có trong lịch sử.
Trong hơn 1 năm qua, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương đã phối hợp thăm dò và khai quật tại Di tích chùa Ngũ Đài với diện tích hơn 1.200 m2.
Kết quả, các cơ quan trên đã xác định được 4 lớp kiến trúc thuộc 4 giai đoạn xây dựng, trùng tu và biến đổi của di tích. Qua đó đã xác định được mặt bằng, quy mô, kết cấu của chùa Ngũ Đài qua các giai đoạn lịch sử, kéo dài từ đầu thế kỷ 14 (thời Trần) đến đầu thế kỷ 20 (thời Nguyễn).
Kết quả khai quật cũng đã thu được một khối lượng lớn các vật liệu kiến trúc và đồ thờ tự, đồ sinh hoạt, góp phần bổ sung cho việc nghiên cứu và giám định niên đại của di tích qua các thời kỳ lịch sử, giúp ích cho quá trình nhận thức và định hướng nghiên cứu, quy hoạch trong di tích thời gian tới.
Ông Nguyễn Ngọc Chất, Trưởng đoàn khai quật, khảo cổ chùa Ngũ Đài cho biết: Bên cạnh việc xác định được vị trí, quy mô, kết cấu, diễn biến niên đại của kiến trúc chùa Ngũ Đài, trong quá trình thám sát và khai quật, đoàn khai quật đã thu thập được một lượng lớn các mảnh di vật gồm 7.668 tiêu bản; trong đó, có 7 tiêu bản đồ đá, 3.569 vật liệu và trang trí kiến trúc bằng đất nung, 373 tiêu bản đồ đựng đất nung, 1.756 tiêu bản đồ đựng sành, 1.689 tiêu bản đồ đựng gốm men, 235 đồng tiền đồng, 39 đồ kim loại các loại. Các tiêu bản này đều có niên đại từ thời Trần, thời Lê sơ, thời Lê Trung hưng, thời Nguyễn và một số tiêu bản của Trung Quốc (thế kỷ 18-19) và đồng tiền có niên đại từ thời Đường đến thời Minh (thế kỷ 9-15).
Đoàn khai quật cũng đã mở rộng khảo sát và thám sát ở các khu vực xung quanh và đã phát hiện nhiều địa điểm có dấu tích của các công trình kiến trúc chùa, tháp có niên đại từ thời Trần đến thời Nguyễn phân bố khắp tại các khu vực núi Đống Thóc, Bát Hương, dãy Hang Khánh, khe Hang Mẳn…, tạo thành một quần thể chùa Phật rộng lớn, có mối quan hệ khăng khít với nhau.
Kết quả khai quật cũng cho thấy vào thời Trần, chùa Ngũ Đài là một trong những ngôi chùa thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm và có mối liên hệ mật thiết với hệ thống chùa ở Yên Tử, Quỳnh Lâm, Ngọa Vân (Quảng Ninh) cũng như Thanh Mai, Côn Sơn (Hải Dương) và Vĩnh Nghiêm, Mã Yên, Am Vãi, Khám Lạng (Bắc Giang), tạo thành một vùng “tam giác Phật Giáo Trúc Lâm Yên Tử” phát triển rực rỡ. Đây cũng là những thông tin quan trọng, giúp ích cho quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về không gian phân bố của hệ thống di tích chùa, tháp Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử cũng như các vấn đề về an ninh quốc phòng của quốc gia Đại Việt thời Trần.
Tại hội thảo, các nhà khoa học của Trung ương và của tỉnh Hải Dương khẳng định kết quả thăm dò, thám sát, khai quật khảo cổ đã cho thấy giá trị của di tích; đề nghị thời gian tới cần phải có phương án bảo vệ di tích và tiếp tục đầu tư nghiên cứu, khai quật khảo cổ để xác định rõ mặt bằng, quy mô, kết cấu kiến trúc của các công trình kiến trúc chùa, tháp trong khu vực để làm tăng thêm giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa, tạo cơ sở cho việc bảo tồn, trùng tu và kiến tạo không gian du lịch tâm linh và nghỉ dưỡng tại đây. Việc tôn tạo, trùng tu lại chùa và di tích phải đảm bảo và giữ nguyên được các giá trị lịch sử và bảo tồn nguyên trạng các khu vực xuất lộ vết tích qua kết quả khai quật khảo cổ.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương cho biết: Trên cơ sở kết quả của cuộc thăm dò, khai quật và các ý kiến phát biểu tại hội thảo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương cho phép bổ sung, cập nhật tư liệu để hoàn thiện hồ sơ khoa học làm cơ sở cho việc phục dựng, trùng tu, tôn tạo các hạng mục của di tích chùa Ngũ Đài, phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh, để di tích trở lại với quy mô, tầm vóc vốn có trong lịch sử, góp phần bảo vệ và tôn vinh những giá trị lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh Hải Dương nói chung, thành phố Chí Linh nói riêng.
Đồng thời tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc giữ gìn, bảo vệ các giá trị di sản văn hóa; phục vụ hiệu quả cho chiến lược quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Chí Linh; từ đó cung cấp cứ liệu khoa học, đảm bảo tính chân xác, toàn vẹn để phục vụ cho việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang là Di sản văn hóa thế giới.
Nguồn: Báo Tin tức