Nhiều video mới được công bố cho thấy bạo lực tại Điện Capitol vào ngày 6/1 nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì báo đài đưa tin trước đó.
Kể từ vụ náo động Điện Capitol vào ngày 6/1, hàng loạt video đã được tung ra phản ánh các mức độ nguy hiểm khác nhau của vụ việc. Theo Channel NewsAsia, ngày 11/1, các nhà lập pháp Mỹ thậm chí đã phải tự cách ly mình bên trong phòng họp với sự hỗ trợ của cảnh sát.
Những đoạn ghi hình quay lại cảnh một cảnh sát bị đánh hội đồng, người biểu tình đòi “treo cổ” Phó tổng thống Mike Pence, và một nhóm biểu tình truy lùng các quan chức cấp cao đang lánh nạn trong tòa nhà.
Nhiều người biểu tình có vũ trang đang phá cửa Điện Capitol, Mỹ vào ngày 6/1. Ảnh: Reuters.
Các video mới cho thấy mức độ hung hăng và bạo lực hơn nhiều của người ủng hộ ông Trump so với các thước phim được công bố vào ngày 6/1.
Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez cho biết: “Một nửa Nghị viện gần như điêu đứng vào ngày hôm đó”. Cortez cũng gọi cuộc biểu tình tại Điện Capitol là “cuộc nổi dậy chống lại nước Mỹ”.
Vụ bạo loạn làm chết 5 người, gồm một cảnh sát bị đánh vào đầu bằng bình cứu hỏa, một phụ nữ bị cảnh sát bắn khi cố gắng phá cửa tòa nhà chính của Quốc hội, ba người biểu tình tử vong trong tình trạng y tế khẩn cấp.
Một sĩ quan thuộc lực lượng Cảnh sát Quốc hội Mỹ được cho là đã tự sát 4 ngày sau bạo loạn. Chưa rõ liệu cái chết của người này có liên quan đến cuộc biểu tình hay không.
“Đáng sợ hơn cả chiến sự Iraq”
Các video được công bố trước ngày 11/1 chủ yếu chỉ cho thấy đám đông hỗn loạn kéo đến trụ sở Quốc hội Mỹ, phá vỡ hàng rào cảnh sát để xông vào Điện Capitol.
Tuy nhiên, những đoạn phim mới nhất ghi hình được một đám đông lớn hơn, với các nhóm có tổ chức. Nhiều người mặc đồng phục theo kiểu quân đội, tấn công cảnh sát bằng cột cờ, dùi cui, gậy khúc gôn cầu, bình xịt hóa chất, và cả nạng.
Người ủng hộ Tổng thống Trump trang bị nhiều vật dụng có thể dùng làm vũ khí, phá vỡ hàng rào cảnh sát và xông vào Điện Capitol. Ảnh: AFP.
Trong một đoạn phim khác, một sĩ quan đau đớn khi bị kẹp giữa hai cánh cửa, một bên là người biểu tình cố gắng xông vào, và bên còn lại là cảnh sát ra sức chặn cửa. Một người biểu tình cố tháo mặt nạ phòng độc của cảnh sát xuống.
Nhiều người biểu tình là thành viên của các nhóm dân quân có vũ trang. Thậm chí, cảnh sát đã tìm thấy hai quả bom ống tại các tòa nhà gần đó. Sự việc đã cho thấy tính chất nghiêm trọng của cuộc biểu tình.
Cảnh sát trưởng Washington , ông Robert Contee cho biết: “Các sĩ quan từng hai lần đến Iraq đã nói với tôi rằng điều này còn đáng sợ hơn thời gian họ tham chiến ở nước này”.
Quan chức bị truy lùng
Theo Hiến pháp, Phó tổng thông Pence là người chủ trì cuộc họp ngày 6/1. Ông bỏ qua các áp lực từ phía Tổng thống Trump và công bố chiến thắng của ông Biden trong cuộc bầu cử ngày 3/11. Điều này khiến ông Pence trở thành mục tiêu của người biểu tình ủng hộ ông Trump.
“Mike Pence đã không đủ can đảm làm điều nên làm để bảo vệ đất nước và Hiến pháp của chúng ta”, ông Trump viết trên Twitter khi những người biểu tình kéo đến Điện Capitol.
Người biểu tình tràn vào nghị viện gây náo loạn. Ảnh: AFP.
Các tòa nhà thuộc trụ sở Quốc hội Mỹ được lệnh phong tỏa. Phó tổng thống được hộ tống đến khu vực an toàn bí mật bên trong khu phức hợp Quốc hội trong khi đám đông bạo loạn bên ngoài hô to “treo cổ Mike Pence”, một đoạn video cho thấy.
Một đoạn phim khác bên trong tòa nhà ghi lại hình ảnh nhiều người mặc trang phục chiến đấu, mang theo còng tay dây thít nhựa, đang lùng sục các quan chức đắc cử.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết các quan chức đã phải chặn các cửa ra vào, tắt đèn và nấp dưới bàn trong 2,5 giờ trước khi đám đông bạo loạn được kiểm soát.
Cảnh sát trưởng của lực lượng Cảnh sát Quốc hội Mỹ Steven Sund cho biết ông đã nhận ra mối đe dọa ngay từ đầu. Thông tin đến Washington Post, ông nói: “Ngay khi họ tấn công vào rào chắn, cuộc chiến đã bắt đầu. Họ trang bị mũ bảo hiểm, mặt nạ chống độc, khiên chắn, bình xịt hơi cay, pháo, dụng cụ leo núi, chất nổ, gậy ống kim loại, và gậy bóng chày. Tôi chưa từng thấy sự kiện nào tương tự ở Washington trong suốt 30 năm”.
Điện Captitol bị người biểu tình đập phá. Ảnh: AP.
Sau vụ bạo loạn, ông Sund đã từ chức vì thất bại trong việc bảo vệ cơ quan lập pháp của Mỹ. Ông khằng định mình đã cố thuyết phục các quan chức an ninh Hạ viện và Thượng viện cho phép huy động lực lượng Vệ binh Quốc gia hai ngày trước cuộc họp để bảo vệ Điện Captitol. Tuy nhiên, viên chức đặc trách an ninh tại Hạ viện là ông Paul Irving đã từ chối.
Vào ngày xảy ra cuộc bạo loạn, ông Sund cho biết Lầu Năm Góc triển khai Vệ binh Quốc gia một cách rất miễn cưỡng. Nửa giờ sau khi người biểu tình tụ tập, ông Sund yêu cầu tiếp viện nhưng tiếp tục bị từ chối. Chỉ sau khi cảnh sát Washington kiểm soát được người biểu tình và bảo vệ được Điện Capitol, lực lượng Vệ binh Quốc gia mới được huy động.
Cựu tổng thống George W Bush nhận xét về cuộc biểu tình ngày 6/1: “Cuộc biểu tình này hẳn là của một nước ‘cộng hòa chuối’ nào đó, chứ không phải là của nền cộng hòa dân chủ của chúng ta”.
Theo Channel News Asia
Nguồn: Tre làng