Công hàm Thủ tướng Phạm Văn Đồng 1958 không có ý nghĩa công nhận chủ quyền Trung Quốc  ở Trường Sa, Hoàng Sa. (Kỳ 1)

Công hàm Thủ tướng Phạm Văn Đồng 1958 không có ý nghĩa công nhận chủ quyền Trung Quốc ở Trường Sa, Hoàng Sa. (Kỳ 1)

Sau sự việc ngày 17-4-2020, Trung Quốc (TQ) gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Trong đó, TQ khẳng định chính phủ Việt Nam cũng đã công nhận điều này thông qua công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Những kẻ bất mãn, chống phá Đảng, Nhà nước lâu nay được cớ đẩy mạnh xuyên tạc, bịa đặt thông tin liên quan đến Công hàm này, như xuyên tạc Đảng Cộng sản đã “bán nước”, rằng ông Phạm Văn Đồng đã thừa lệnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Công hàm bán nước cho Trung Quốc; đòi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, “cắt hết mọi chức vụ trong đảng và chính quyền của Phạm Văn Đồng để trừ mọi hậu họa do ông ta gây ra cho đất nước”…Lố bịch hơn họ “hiến kế” bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng cách là phải “giải thể Đảng Cộng sản Việt Nam, khôi phục lại tư thế pháp nhân của Việt Nam Cộng hòa”!

Công hàm Thủ tướng Phạm Văn Đồng 1958 không có ý nghĩa công nhận chủ quyền Trung Quốc  ở Trường Sa, Hoàng Sa. (Kỳ 1)

Trên thực tế, tìm hiểu bối cảnh lịch sử, giá trị pháp lý của Công hàm này cho thấy, nó không hề có ý nghĩa công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa như Trung Quốc đang cố bấu víu và được những kẻ khoác áo “yêu nước”, “đấu tranh dân chủ” hưởng ứng, “đục nước béo cò”

Kỳ 1: CÔNG HÀM 1958 HOÀN TOÀN MANG TÍNH NGOẠI GIAO

Về bản tuyên bố về chủ quyền của TQ chỉ là tuyên bố đơn phương. 

Cho tới đầu thế kỷ XX, lãnh hải (hải phận) của quốc gia ven biển được quy định là ba hải lý tính từ đường cơ sở. Đến đầu thế kỷ XX, một số quốc gia muốn mở rộng giới hạn chủ quyền quốc gia ven biển cũng như giới hạn về quyền sở hữu và khai thác tài nguyên trong vùng biển ven bờ của quốc gia. Từ cuối những năm 1940 của thế kỷ XX, một số nước đã mở rộng lãnh hải tới 12 hải lý.

Hội nghị về Luật Biển Liên Hợp Quốc (LHQ) lần thứ nhất (UNCLOS I) tổ chức ở Geneva, Thụy Sĩ từ ngày 24-2 đến 27-4-1958. Hội nghị này xuất hiện mâu thuẫn trong quá trình đàm phán: Một số nước như Mỹ, Anh có quan điểm giữ nguyên quy định chiều rộng lãnh hải ba hải lý. Trái lại, nhiều nước khác, đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa và các nước đang phát triển khác, đề nghị mở rộng chiều rộng lãnh hải tới 12 hải lý. Kết quả, công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải 1958 chưa quy định được chiều rộng lãnh hải.

Được biết, TQ không được mời dự hội nghị về Luật Biển LHQ lần thứ nhất năm 1958. Vào thời kỳ đó, có những vấn đề rất cấp bách ở TQ liên quan tới quy định về chiều rộng lãnh hải của họ. Trong giai đoạn chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), vùng lãnh thổ Đài Loan có nguy cơ bị TQ tấn công. Để bảo vệ Đài Loan, Mỹ đã điều Hạm đội 7 vào eo biển Đài Loan và TQ đã mạnh mẽ phản đối việc này.

Sau khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhất (tháng 9-1954), khủng hoảng lần hai tiếp tục xảy ra vào tháng 8-1958. TQ tái diễn nã pháo vào đảo Kim Môn. Theo hiệp định phòng thủ chung với chính quyền Đài Loan, Mỹ điều hai tàu chiến đến eo biển Đài Loan. Hai tàu này đã hộ tống các tàu Đài Loan tới khoảng cách ba hải lý tính từ bờ của đảo Kim Môn. TQ cho rằng Mỹ vi phạm chủ quyền của mình, trong khi Mỹ cho rằng Mỹ chỉ hoạt động trong khu vực ngoài lãnh hải của TQ và tuân thủ luật pháp quốc tế. Một phần vì hội nghị về Luật Biển LHQ lần thứ nhất không mời TQ, phần nữa vì muốn ngăn chặn các nước tiếp cận gần bờ biển của mình (trong phạm vi 12 hải lý), TQ ra tuyên bố về lãnh hải.

Bản tuyên bố về hải phận của TQ tháng 9/1958  bao gồm bốn điều: (1)bề rộng hải phận của TQ là 12 hải lý. Điều này áp dụng cho những nơi mà nước này gọi là: “Lãnh thổ TQ trên đất liền và các hải đảo duyên hải, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) cùng các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc TQ”. (2) TQ xác định các đường cơ sở của hải phận dọc theo đất liền TQ và các đảo ngoài khơi được xác định bởi “các đường thẳng nối liền mỗi điểm cơ sở của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ các đường cơ sở là hải phận của TQ…”. (3) TQ yêu cầu các nước không được tự ý xâm nhập hải phận và vùng trời phía trên hải phận nước này. (4) Cuối cùng, TQ tuyên bố điều (2) và (3) kể trên cũng áp dụng cho các điểm mà TQ gọi là: Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa…

Sau tuyên bố của TQ vào tháng 9-1958, ngày 14-9-1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi một công hàm đến Thủ tướng Chu Ân Lai của Hội đồng Nhà nước TQ để khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam đối với tuyên bố hải phận 12 hải lý của TQ. Theo đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Chính phủ nước VNDCCH ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4-9-1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của TQ. Chính phủ nước VNDCCH tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của TQ trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể”.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công hàm với mục đích ngoại giao, thể hiện sự đoàn kết về mặt chính trị và ủng hộ lập trường hải phận 12 hải lý của TQ. Các quốc gia trong phe xã hội chủ nghĩa như Liên Xô cũng làm như vậy. Đây là động thái hoàn toàn bình thường của các nước xã hội chủ nghĩa trong hoàn cảnh chiến tranh lạnh, đối đầu với phe tư bản chủ nghĩa do Mỹ đứng đầu.

Như vậy, bản chất công hàm Phạm Văn Đồng là một văn kiện ngoại giao đơn phương với mục đích rất đơn giản: Thể hiện sự đoàn kết với TQ chống lại Mỹ và các nước thuộc phe tư bản chủ nghĩa.

BÀN VỀ TÍNH PHÁP LÝ CỦA CÔNG HÀM, NÓ CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ MỘT VĂN KIỆN NGOẠI GIAO ĐƠN PHƯƠNG

Giá trị pháp lý của CHPVĐ không phụ thuộc vào việc gọi văn kiện này là công hàm hay công thư. Một nguyên tắc của luật pháp quốc tế là khi xem xét một văn kiện được ký kết, cần phải tìm hiểu ý định thực sự của người ký văn bản trong phạm vi các câu chữ của văn kiện. Đây chính là các nguyên tắc “trong bốn góc” và “cái đặc thù làm chủ cái tổng quát”.

Theo nguyên tắc này, không được phép suy diễn một cách chủ quan, mà phải tìm ý định thực sự của người viết và ký văn kiện trong phạm vi những câu chữ được dùng trong văn kiện (trong bốn góc của các trang giấy chứa văn kiện).

Từ đó, có thể thấy CHPVĐ gồm hai đoạn, trong đó đoạn thứ nhất chỉ nói về việc ghi nhận và tán thành quyết định về hải phận của TQ. Cụ thể: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4-9-1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của TQ”.

Trong đoạn thứ hai, văn kiện đã làm rõ hơn. Cụ thể: “Triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của TQ trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể”. Như vậy, cái đặc thù “12 hải lý trên mặt bể” đã làm rất rõ CHPVĐ chỉ nói về hải phận 12 hải lý của TQ chứ không nói vấn đề khác.

Dựa vào nội dung và bối cảnh ra đời, CHPVĐ đơn giản là một văn kiện ngoại giao đơn phương với từ ngữ rất khéo léo. Mục đích là để thể hiện sự ủng hộ của Chính phủ VNDCCH đối với tuyên bố về hải phận 12 hải lý của TQ nhưng tuyệt nhiên không thể hiện sự công nhận của phía Việt Nam đối với chủ quyền của TQ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều học giả, luật sư về công pháp quốc tế trong và ngoài nước đồng ý với luận điểm này.

(Còn nữa)

Nguồn: Loa phường

2 Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *