Trang chủ Đối tượng Vạch trần thủ đoạn của tổ chức “Năng lượng gốc Trống Đồng...

Vạch trần thủ đoạn của tổ chức “Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam” – Bài 3: Kiên quyết chặn sự lây lan, bám rễ (tiếp theo và hết)

16
0

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng các tổ chức có thiện chí hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng xã hội nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Tuy nhiên, việc lợi dụng thiện chí của Đảng, Nhà nước Việt Nam để hoạt động bất hợp pháp, lừa đảo, trục lợi từ nhân dân; truyền bá tư tưởng phản động, mê tín, dị đoan, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trận tự, an toàn xã hội như tổ chức “Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam” (gọi tắt là NLG) thì cần cảnh giác và đấu tranh ngăn chặn sự lây lan, bám rễ trong cộng đồng.

Lên án mạnh mẽ tư tưởng phản động, truyền bá mê tín, dị đoan

Với những phân tích, dẫn chứng ở các bài viết trước, chúng ta đủ căn cứ khẳng định: Tổ chức NLG là một tổ chức bất hợp pháp, có tư tưởng phản động, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá mê tín, dị đoan trong cộng đồng. Vì vậy, lãnh đạo nhiều địa phương, đơn vị và đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đều lên án mạnh mẽ những thủ đoạn của tổ chức này, đồng thời kiên quyết đấu tranh xóa bỏ.

Vạch trần thủ đoạn của tổ chức

Một trang Facebook của Tổ chức “Năng lượng gốc trống đồng Việt Nam” do các đối tượng lập ra. Ảnh: cand.com.vn

Trong đó, cần đặc biệt lên án luận điệu “Phải xoay ngược Trống Đồng Việt Nam, thay đổi ngôi sao trên Quốc kỳ Việt Nam để đất nước được hưng thịnh” của tổ chức NLG. Phải khẳng định rằng: Từ ngàn đời nay, hình ảnh Trống Đồng Việt Nam (trống đồng Đông Sơn) là điểm hội tụ hồn thiêng sông núi trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ thời đại các Vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh. Trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, chiếc trống đồng đã là văn vật tượng trưng cho tinh hoa văn hóa cũng như ý chí quật cường của dân tộc ta. Ngôi sao 5 cánh trong Quốc kỳ Việt Nam tượng trưng cho các tầng lớp nhân dân tham gia cách mạng, đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng để đưa cách mạng nước ta đi đến thắng lợi, giành lại độc lập cho dân tộc và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Trao đổi với chúng tôi về công tác đấu tranh, phản bác luận điệu phản động của NLG, đồng chí Phạm Tấn Linh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh: Những luận điệu trên của tổ chức NLG rõ ràng là luận điệu phản động nhằm phủ nhận lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, kích động, tập hợp lực lượng chống phá Đảng và Nhà nước ta. Do vậy, chúng ta phải kịch liệt lên án mưu đồ đen tối này.

“Đảng và Nhà nước ta không cấm đoán quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các tầng lớp nhân dân nhưng một tổ chức mà lợi dụng niềm tin tín ngưỡng của nhân dân để tuyên truyền có thế giới vô hình song hành cùng cuộc sống của mỗi con người; khuyên mọi người không thờ cúng tổ tiên theo tín ngưỡng, văn hóa truyền thống… thì đây là thủ đoạn tuyên truyền mê tín dị đoan, lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của tổ chức NLG, chúng ta cần lên án mạnh mẽ và đấu tranh loại bỏ”, đồng chí Hồ Việt Anh, Trưởng ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa khẳng định.

Khảo sát của chúng tôi tại các địa phương: Hà Nội, Đồng Nai, Thanh Hóa, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang…, dư luận trong nhân dân đồng tình cho rằng: Cần đấu tranh, phê phán hoạt động của một nhóm người dân nhẹ dạ cả tin, tham gia tổ chức bất hợp pháp NLG, tuyên truyền tư tưởng phản động, mê tín dị đoan. Đây là hành vi vi phạm pháp luật cần loại bỏ.

Đặc biệt, theo báo cáo của các cơ quan chức năng thì trong số đối tượng tham gia tổ chức này, có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên. Việc tham gia hoạt động mê tín, ủng hộ hoặc tham gia các tôn giáo bất hợp pháp hoặc lợi dụng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi đối với đảng viên là vi phạm Điều 19, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Đảng viên Nguyễn Đăng Hùng, ở phường Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Với những hệ lụy từ tổ chức NLG, ở từng địa phương, mỗi tổ chức đảng cần đấu tranh mạnh mẽ với những hành vi vi phạm pháp luật của công dân, vi phạm quy định của Đảng đối với đảng viên, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm khắc, góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội, đặc biệt là ở cơ sở”.

Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn “nấm độc” phát triển

Xác định việc đấu tranh, loại bỏ không để cho tổ chức NLG phát triển, lây lan như một loài “nấm độc” là một nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; mỗi cấp, ngành, địa phương cần những biện pháp phù hợp, từng bước đấu tranh ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ ảnh hưởng của tổ chức này khỏi cộng đồng xã hội.

Với những thủ đoạn quen thuộc mà các tổ chức phản động, có tư tưởng thù địch với Đảng, Nhà nước ta từng tiến hành và tổ chức NLG không nằm ngoại lệ, đó là: Gây quỹ, tập hợp lực lượng, gây rối tình hình chính trị-xã hội, cuối cùng là ra yêu sách với Đảng, Nhà nước ta. Tiến sĩ Trần Thị Minh Thu, Trưởng phòng Tín ngưỡng và Tôn giáo khác, Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng: Điều quan trọng hơn cả là công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ, từ đó vạch trần bản chất, những hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức này; chủ động tố giác khi có đối tượng tuyên truyền, lôi kéo tham gia nhóm trong cộng đồng khu dân cư, trong đó phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc, các tổ chức tôn giáo; vận động những đối tượng cam kết từ bỏ tổ chức bất hợp pháp NLG.

Thời gian qua, ban tuyên giáo các địa phương trên cả nước đã làm tốt công tác tham mưu với tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hội nghị, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và trên phương tiện thông tin đại chúng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Thông qua các hoạt động trên góp phần nâng cao hiểu biết, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của tổ chức NLG, nêu cao tinh thần cảnh giác trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, không tham gia và không tuyên truyền cho tổ chức này.

Từ kinh nghiệm đấu tranh với những tổ chức hoạt động bất hợp pháp; đội lốt tôn giáo, tuyên truyền tà đạo, đạo lạ trái pháp luật, đối với tổ chức NLG, Bộ Công an đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả, đó là: Chỉ đạo công an các địa phương, đơn vị chủ động rà soát, nắm tình hình hoạt động của tổ chức này, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng “cốt cán” và người tham gia để làm rõ động cơ, mục đích, nhất là những hành vi có dấu hiệu tuyên truyền tư tưởng phản động, mê tín dị đoan, lừa đảo, trục lợi. Xác minh, làm rõ hoạt động của tổ chức này đối với các cơ quan, tổ chức đã từng liên kết ở Việt Nam.

Những biện pháp từ cơ quan chức năng các cấp đang phát huy tính hiệu quả cao, khi ở từng địa phương, lực lượng chức năng chủ động rà soát, nắm chắc số lượng người tham gia và cách thức hoạt động của tổ chức này, từ đó đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.

Hiện nay, theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế thì kỹ thuật “năng lượng gốc” không có trong danh mục chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh hiện hành của Bộ Y tế và Bộ Y tế chưa phê duyệt cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai thí điểm hay tiến hành thử nghiệm lâm sàng theo quy định về triển khai kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám, chữa bệnh.

Do đó, không có căn cứ để đánh giá về cơ sở khoa học và hiệu quả của kỹ thuật này trong khám, chữa bệnh tại Việt Nam. Trong trường hợp hoạt động của tổ chức NLG nhằm mục đích khám, chữa bệnh thì theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, tại khoản 2, Điều 6 quy định các hành vi bị cấm, đó là: Khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động là vi phạm pháp luật.

Mặt khác, theo các chuyên gia y tế hàng đầu đất nước thì nền y học Việt Nam luôn kết hợp hài hòa giữa y học hiện đại và y học cổ truyền trong khám, điều trị bệnh cho nhân dân. Hiện tại, chưa có một phương pháp hay phác đồ điều trị nào có thể chữa được bách bệnh như tổ chức NLG tuyên truyền, kể cả trên phạm vi thế giới. Luận chứng, luận cứ khoa học này phản bác lại những luận điệu tuyên truyền của tổ chức “NLG Trống Đồng Việt Nam”.

Để có giải pháp đồng bộ, lãnh đạo nhiều địa phương, cơ quan chức năng kiến nghị: Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, mạng xã hội nước ngoài chặn lọc, vô hiệu hóa các trang, nguồn thông tin xấu độc, mê tín dị đoan, phản khoa học của tổ chức NLG và các tổ chức, hội nhóm tương tự. Rà soát, ngăn chặn, thu hồi các ấn phẩm, tài liệu, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có nội dung liên quan đến tổ chức này, gây tác động xấu đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tăng cường tuyên truyền, thông tin trên báo chí nhằm cảnh báo người dân; rà soát nội dung xấu-độc trên báo chí và các trang thông tin điện tử, không để tình trạng đăng quảng cáo, cổ xúy cho hoạt động của tổ chức này.

Cùng với đó, để khắc phục những bất cập trong xử lý các tổ chức hoạt động bất hợp pháp có dấu hiệu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, trong thời gian tới, Bộ Nội vụ cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ sớm ban hành nghị định xử lý vi phạm hành chính, tiến tới luật định trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị, các chức sắc, chức việc, tín đồ các tổ chức tôn giáo và cộng đồng tín ngưỡng không tin, không theo những nội dung và hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá mê tín, dị đoan của tổ chức này và các tổ chức tương tự.

Đối với một số cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên đã tham gia tổ chức NLG thì việc cần làm của mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng là nâng cao hiệu quả thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức đối với những nội dung liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo như: Điều 19, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6-7-2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm…

Đồng chí Nguyễn Xuân Phú, Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Sóc Sơn, TP Hà Nội cho biết: “Ban Tuyên giáo làm tốt công tác tham mưu với Huyện ủy chỉ đạo đội ngũ cán bộ cơ sở, nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân nảy sinh trước tác động của tổ chức này để tham mưu với cấp ủy kịp thời có giải pháp ngăn chặn, không để lan rộng những hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Lãnh đạo các địa phương cho rằng, cùng với những giải pháp trên thì các cấp, ngành, từng địa phương cần có giải pháp thiết thực, hiệu quả nâng cao năng lực y tế cơ sở để chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn, củng cố niềm tin của nhân dân vào chất lượng hệ thống y tế, tránh tình trạng người dân thay vì đến khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế lại đặt niềm tin mù quáng vào mê tín, dị đoan, thiếu cơ sở khoa học. Tập trung nguồn lực, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo. Đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh trên không gian mạng, kịp thời phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch, luận điệu xuyên tạc cho rằng Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo.

Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và tinh thần cảnh giác cao độ của các tầng lớp nhân dân trước những tư tưởng phản động, thủ đoạn lợi dụng lòng tin tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, lừa đảo của tổ chức NLG, chúng ta sẽ đấu tranh, ngăn chặn và xóa bỏ sự lây lan của tổ chức này, góp phần đem lại sự bình yên trong mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây