Trang chủ Luận bàn - Phản biện Cảnh giác trước những luận điệu sai trái, bịa tạc của tổ...

Cảnh giác trước những luận điệu sai trái, bịa tạc của tổ chức phản động lưu vong Việt Tân trên mạng xã hội (Bài 3)

11
0

“Con chính thức quyết định rời khỏi đảng Việt Tân. Kính thưa quý cha, quý ông bà, anh chị em và cộng đồng. Suốt 2 năm qua con là Thái Văn Dung đã dừng tất cả mọi công việc với đảng Việt Tân sau khi con bị hai người trong đảng Việt Tân là anh Trần Minh Nhật và Nguyễn Văn Tráng (tên thường dùng là Sĩ) đã mang thông tin nội bộ từ Việt Tân, rồi thêm thắt và bịa đặt để đưa lên mạng FB Trang Thu Tran để vu khống, đấu tố liên quan đến vụ việc 8/3/2021 tại Thái Lan” – Đây là nội dung trong một bài viết được đăng tải trên trang facebook của Thái Văn Dung (SN 1988, HKTT tại Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).

Bài 3. Lời cảnh báo từ chính “người trong cuộc”

1.Người xưa thường nói “Có ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Những chia sẻ của Dung, đối tượng từng có nhiều hoạt động kích động gây rối ANTT, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; thường xuyên đăng tải, tán phát các hình ảnh, thông tin tuyên truyền, xuyên tạc về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã vạch trần bản chất của tổ chức phản động lưu vong Việt Tân.

Trên facebook, Dung viết: “Con đã gửi đơn yêu cầu đảng Việt Tân giải quyết nhưng sau nhiều lần cố gắng liên lạc vẫn không được giải quyết mà còn bị khinh thường, vứt bỏ. Con có chụp hình nội dung đơn kèm theo bài viết này. Do bị oan ức và bị sỉ nhục bởi những người từng gọi nhau là chiến hữu nhưng lãnh đạo đảng Việt Tân lại làm ngơ, cho nên con đã quyết định dừng mọi công việc kể từ ngày 30/8/2021. Kể từ đó đến nay, con đã phải chịu trăm thứ tủi nhục, mất mát tất cả sau hơn 10 năm gắn bó và tin tưởng hết mình vào đảng Việt Tân. Con đã suy sụp tinh thần, lâm bệnh và chấp nhận im lặng để những người vu khống tiếp tục tuyên truyền lăng mạ”. Vì sao một người từng tin theo Việt Tân một cách mù quáng lại có thể viết ra những lời lẽ bất mãn như vậy?

Để hiểu rõ, trước hết cần phải hiểu về nhân thân của Dung. Được biết, Dung xuất thân trong một gia đình thuần nông tại tỉnh Nghệ An. Từ năm 2011, đối tượng đã bị Việt Tân móc nối, đưa sang Thái Lan rồi được kết nạp vào tổ chức. Sau khi được đào tạo, Dung được cử về nước; sau đó đã thực hiện hàng loạt các hoạt động chống phá. Với hành vi phạm tội đã gây ra, ngày 19/8/2011, Dung bị bắt về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” rồi bị tuyên án 4 năm tù giam, 4 năm quản chế. Sau khi chấp hành xong hình phạt tù, ngày 19/8/2015, Dung được đưa về địa phương (xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) để áp dụng biện pháp quản chế 4 năm. Tuy nhiên, sau khi trở về, Dung không chấp hành hình phạt quản chế, không chịu trình diện và sự giáo dục của chính quyền địa phương; không chấp hành thời gian và địa điểm khi được triệu tập; không xin phép khi đi khỏi địa phương, đồng thời không đăng ký tạm trú với Công an xã nơi đến theo quy định.

Cảnh giác trước những luận điệu sai trái, bịa tạc của tổ chức phản động lưu vong Việt Tân trên mạng xã hội (Bài 3)

Những nội dung được chia sẻ trên facebook của Thái Văn Dung.

UBND xã Diễn Hạnh đã lập 20 báo cáo về việc không chấp hành hình phạt quản chế của Thái Văn Dung, ra quyết định xử phạt hành chính 4 lần về hành vi không chấp hành án phạt quản chế và đi khỏi địa phương khi chưa được các cấp có thẩm quyền cấp giấy phép đi khỏi địa phương nơi quản chế. Ban Công an xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu đã gửi 39 giấy triệu tập Dung theo đúng quy định của Luật thi hành án hình sự và lập 27 biên bản xác minh vắng mặt tại địa phương đối với Dung.

Ngày 28/2/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An ra quyết định khởi tố bị can số 48 và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bị can Dung về tội “Không chấp hành án”, quy định tại điều 304 BLHS nhưng Dung không có mặt tại nơi đăng ký hộ khẩu, nơi đăng ký tạm trú. Sau khi xác minh bị can Thái Văn Dung không có mặt tại nơi cư trú, ngày 8/3/2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An ra quyết định truy nã toàn quốc đối với Dung về tội danh “Không chấp hành án” quy định tại Điều 304, Bộ luật Hình sự; bỏ trốn ngày 1/3/2017. Mọi người chắc không quên sự cố môi trường Formosa.

Trong sự kiện này, Dung trở thành tay chân đắc lực cho một số chức sắc cực đoan trong giáo phận Vinh để kích động, tổ chức hoạt động chống phá; thường xuyên kêu gọi kích động giáo dân sử dụng băng zôn, khẩu hiệu cầm đầu đoàn biểu tình khiếu kiện tập thể, gây rối ANTT, đòi yêu sách với chính quyền. Cũng như các đối tượng khác, Dung từng ảo tưởng về một cuộc sống sang trọng bởi tin vào những lời hứa hẹn của Việt Tân. Thế nhưng khi sang đến nơi đất khách quê người, sự thật không như bánh vẽ, Dung thực sự thất vọng.

2.Một nhân vật khác cũng vỡ mộng, đó là Trần Thị Nga (SN 1977, trú tại Hà Nam). Trước đó, mặc dù Công an tỉnh Hà Nam đã áp dụng các biện pháp răn đe, cảm hoá và giáo dục nhưng Nga vẫn không có sự chuyển biến. Nga đã nhận tiền của tổ chức phản động lưu vong Việt Tân để tiến hành các hoạt động chống phá.

Kể từ 10/1/2020, Trần Thị Nga bị trục xuất, đến Mỹ để định cư cùng 2 con nhỏ ở một nơi mà nhiều người vẫn gọi là “thiên đường tự do”. Tuy nhiên, sau gần hai năm sống trên đất Mỹ, Nga đã vỡ mộng về “miền đất hứa” và quá bức xúc khi phải lên mạng xã hội để than thở. Nga viết rằng, Mỹ là thiên đường của người này nhưng là địa ngục của người kia khi: “Thuê nhà không được vì chủ nhà đòi phải có Social; có nhà rồi thì không được sử dụng điện, gas, nước, Internet. Vì các công ty đó chỉ bán hàng cho những người có Social. Không được mua bảo hiểm y tế vì không có Social”. Bị bệnh thì tự mà làm bác sĩ cho mình chứ không được đi làm tiền đâu mà trả viện phí. Được sống nhưng không được phép kiếm sống vì không có Social. Đi làm giấy tờ gì cũng không được vì không có Social. Mà Social lại đòi phải có giấy tờ, sống thì phải ăn, ăn mà không được đi làm kiếm ăn thì lấy gì để sống. Sống mà không có ăn, phải đi xin trợ cấp thì không được trợ cấp vì trợ cấp chỉ dành cho người có Social. Thực tiễn vỡ mộng đó đã khiến cho Trần Thị Nga thốt lên chua xót: “Vậy là tôi đã có thêm một bài học một kinh nghiệm có giá trị”!

Năm 2009, theo chỉ đạo của Việt Tân, Nga đã thành lập “Hội cựu lao động Đài Loan” với hàng trăm thành viên ở các tỉnh, thành phố. Đến tháng 12/2013, Nga tiếp tục thành lập “Hội dân oan Hà Nam”. Trong tổ chức này, đối tượng giữ vai trò “đầu đơn”, khiếu kiện, kích động biểu tình, phá rối an ninh. Đối tượng nhận tiền, chỉ đạo Việt Tân của nội địa; giữ vai trò liên kết, tập hợp lực lượng, giới thiệu đối tượng cho “Việt Tân” để kết nạp vào tổ chức… Nga thường xuyên đến các khu vực khiếu kiện tại các địa phương; các điểm “nóng” tranh chấp về đất đai như 178 Nguyễn Lương Bằng, 42 Nhà Chung, giáo xứ Đồng Chiêm… Năm 2017, Nga bị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Nam bắt, khởi tố về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Hai trong số những đối tượng chống đối với hoạt động quyết liệt này là minh chứng rõ nét nhất cho những người còn “ảo tượng” về tổ chức phản động lưu vong Việt Tân. Mặc dù bản chất đã bị các đối tượng bóc trần nhưng tổ chức khủng bố Việt Tân vẫn không từ bỏ rắp tâm là xoá bỏ chế độ XHCN, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế, các đối tượng đã thay đổi phương thức và thủ đoạn để thực hiện hoạt động chống phá.

Thời gian qua, lợi dụng các sự kiện chính trị, đối ngoại quan trọng của đất nước, các vấn đề được dư luận trong, ngoài nước quan tâm, các thế lực thù địch nói chung, Việt Tân nói riêng đã triệt để lợi dụng không gian mạng, nhất là mạng xã hội, sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo (Robonet, ChatGPT…) ráo riết đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chống phá Việt Nam với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, nguy hiểm. Chúng duy trì, lập mới hàng nghìn trang web, tài khoản mạng xã hội facebook; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội luận trực tuyến nhằm đả phá, xuyên tạc nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng những vấn đề, vụ việc phức tạp nhằm kích động, lôi kéo các tầng lớp nhân dân vào các hoạt động tụ tập đông người gây rối, biểu tình, gây mất ANTT; thúc đẩy hình thành hội, nhóm “xã hội dân sự” trong nước. Thực chất đây là âm mưu, ý đồ nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thay đổi chế độ chính trị tại Việt Nam.

Căn cứ pháp luật Việt Nam và quốc tế, Bộ Công an đã đưa tổ chức “Việt Tân” vào danh sách tổ chức khủng bố. Thời gian qua, các lực lượng chức năng của Bộ Công an đã tập trung lực lượng, triển khai các mặt công tác, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương đấu tranh, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các đối tượng có hoạt động chống Đảng, Nhà nước, trong đó có hành vi chống phá trên không gian mạng. Do đó, người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ của Việt Tân; tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện, hoạt động theo chỉ đạo của các tổ chức trên là phạm tội “Khủng bố”, “Tài trợ khủng bố” và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thông báo về tổ chức khủng bố Việt Tân đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an và trên các phương tiện, thông tin đại chúng trong, ngoài nước.

Hoạt động trên môi trường mạng của Việt Tân, nhất là các tổ chức ngoại vi núp bóng dưới nhiều vỏ bọc khác nhau ngày càng tinh vi, nguy hiểm. Do vậy, người dân, nhất là các bạn trẻ, thanh niên, sinh viên, học sinh phải thật sự tỉnh táo trước những luồng thông tin trên không gian mạng. Khi tiếp nhận thông tin, cần có sự chọn lọc từ các nguồn chính thống, chính thức; cần có sự so sánh, đối chiếu giữa các nguồn thông tin, không ngộ nhận hoặc dễ dàng tin theo những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là các thông tin đăng tải trên các trang web, mạng xã hội của Việt Tân; không lan truyền, chia sẻ, hay tiếp tay cho hoạt động chống phá của Việt Tân. Nâng cao tinh thần cảnh giác, không để bị móc nối, lôi kéo tham gia vào hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của tổ chức phản động lưu vong Việt Tân; kịp thời phát hiện, tố giác, báo tin khi phát hiện các đối tượng tham gia vào hoạt động chống đối cực đoan và phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng đấu tranh có hiệu quả với các phần tử khủng bố, phản động góp phần giữ vững ổn định xã hội đất nước và cuộc sống bình yên của mỗi cá nhân, gia đình.

Mai Anh (CAND)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây