Trang chủ Luận bàn - Phản biện Sống ảo và giá trị của lòng trung thực

Sống ảo và giá trị của lòng trung thực

10
0

Mấy hôm nay, trên mạng xã hội lan truyền chuyện một số kẻ lợi dụng việc từ thiện mùa mưa lũ để “sống ảo”, chỉnh sửa số tiền quyên góp để tự thổi phồng lòng hảo tâm của mình. Đọc tới đây, tôi lại nhớ đến câu nói của người xưa: “Người tốt làm điều tốt không cần phô trương.” Vậy mà có kẻ, không những không thật lòng, còn dùng cả photoshop để “phông bạt” từ thiện. Đúng là chiêu trò của thời hiện đại!

Sống ảo và giá trị của lòng trung thực

Ảnh minh họa

Câu chuyện từ thiện vốn dĩ thiêng liêng, giờ bị làm cho hoen ố bởi vài kẻ thiếu ý thức. Trong khi người dân khắp nơi đang cố gắng từng chút để góp phần cứu giúp miền Trung bão lụt, thì có người ngồi chỉnh sửa tấm ảnh sao kê. Nào là chuyển 50.000 đồng nhưng sửa thành 500 triệu, hay gửi vài chục nghìn rồi che chắn đủ kiểu để người khác tưởng là đã quyên góp cả trăm triệu. Thử hỏi, lòng dạ thế nào mà lại làm chuyện này?

Chúng ta ai cũng thấy, việc sao kê tiền ủng hộ đã được MTTQ Việt Nam làm rất rõ ràng, công khai. Hơn 12.000 trang sao kê đã được đưa ra, minh bạch từng đồng từng hào. Nhìn vào đó mới thấy lòng người ấm áp biết bao. Nhìn vào đó mới thấy người dân tin tưởng vào chính quyền biết bao. Người thì âm thầm ủng hộ vài chục nghìn, người thì cả trăm triệu. Lòng tốt là vậy, không cần tên tuổi, chỉ cần hành động. 

Tôi vẫn nghĩ, nếu ai cũng chung tay giúp đỡ nhau thật lòng thì thiên tai, khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Nhưng với những trường hợp như thế này, không thể chỉ xin lỗi cho qua. Luật pháp phải xử lý nghiêm minh. Chứ thử nghĩ, nếu cứ để cho kẻ gian lộng hành, ai sẽ còn tin tưởng mà giúp đỡ đồng bào nữa?

Có một số người nghĩ, làm vài trò gian lận, xóa xóa sửa sửa vài con số là xong chuyện. Nhưng họ không biết rằng luật pháp không dễ bỏ qua. Theo quy định, những hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng, thậm chí nếu nghiêm trọng hơn có thể bị xử lý hình sự. Đó là chưa kể, nếu hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì án tù cũng chẳng phải là xa vời. Vậy mới nói, có đáng không khi vì chút danh hão, sống ảo vài giây trên mạng xã hội mà phải đối diện với hậu quả pháp lý?

Sống ảo và giá trị của lòng trung thực

Các chiến sĩ Công an đang bế em bé 2 tháng tuổi được bọc áo mưa di chuyển khỏi vùng lũ ở Quảng Nam vào ngày 11/10/2020 mà không cần “phông bạt”. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Nói gì thì nói, từ thiện là việc làm từ tâm. Người ta quý không phải ở số tiền lớn hay nhỏ, mà quý ở cái tình, cái lòng thật thà. Việc công khai sao kê không những không vi phạm quyền riêng tư mà còn giúp tăng cường sự minh bạch, tạo niềm tin cho người dân. Đúng như lời luật sư Diệp Năng Bình đã nói, sao kê là công khai giao dịch, không phải thông tin cá nhân bảo mật. Thế nên, ai đã thật tâm làm từ thiện thì cứ yên tâm mà làm, còn ai “phông bạt” thì nên coi chừng!

Từ chuyện nhỏ như vậy mà ngẫm ra được điều lớn. Như Aristotle từng nói: “Sự thật không nằm ở lời nói, mà ở hành động.” Thời nay, giữa những ồn ào của mạng xã hội, chúng ta đôi khi quên mất giá trị của lòng trung thực. Hy vọng rằng, qua câu chuyện này, mọi người sẽ suy ngẫm và hiểu rằng, không phải cứ “phông bạt” mới là làm người tốt. Người tốt thật sự, là người lặng lẽ làm việc tốt, không cần ai biết đến, chỉ cần đúng với lương tâm mình.

Ong Bắp Cày (Tre làng)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây